Hoa Kỳ công bố kết quả sơ bộ về thuế chống bán phá giá với tôm Việt

author 22:02 07/06/2025

(VietQ.vn) - Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 19 (POR19) đối với lệnh áp thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, một doanh nghiệp Việt Nam được xác định không bán phá giá, trong khi một doanh nghiệp khác và hàng chục doanh nghiệp liên quan bị áp mức thuế sơ bộ cao đột biến, điều chưa từng có trong gần hai thập kỷ qua.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, DOC đã đưa ra hai kết quả đối lập trong cùng một kỳ rà soát. Cụ thể, Công ty TNHH Thông Thuận (bao gồm cả chi nhánh tại Cam Ranh) được xác định có biên độ phá giá là 0%, đồng nghĩa với việc không bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) lại bị áp mức thuế sơ bộ lên tới 35,29%. Đây cũng là mức thuế được áp dụng cho 22 doanh nghiệp khác thuộc nhóm đủ điều kiện hưởng mức thuế riêng biệt, nhưng không thuộc nhóm bị kiểm tra bắt buộc.

Điều đáng lưu ý, theo phản ánh của VASEP, trong suốt 19 năm kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu điều tra và áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam, chưa từng có doanh nghiệp nào bị áp thuế sơ bộ ở mức hai con số. Kết quả lần này vì vậy khiến cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu tôm hết sức bất ngờ và lo ngại.

Hoa Kỳ công bố kết quả sơ bộ về thuế chống bán phá giá với tôm Việt

VASEP dẫn lại trường hợp từng xảy ra trong kỳ rà soát hành chính lần thứ 12 (POR12), khi Công ty FIMEX cũng từng bị DOC áp mức thuế sơ bộ 25,76% do lỗi tính toán. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại dữ liệu, DOC đã điều chỉnh thuế về mức 4,58% trong kết quả cuối cùng. Từ tiền lệ này, VASEP cho rằng kết quả sơ bộ của kỳ POR19 có khả năng đã xảy ra sai sót tương tự, đặc biệt là trong khâu thu thập và phân tích dữ liệu đầu vào.

Theo VASEP, Công ty STAPIMEX đã chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng và tự tin về độ minh bạch của hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc, cũng như quy trình xuất khẩu. Tuy nhiên, có thể đã xảy ra sự không thống nhất trong dữ liệu gửi sang phía DOC, hoặc trong cách phía Hoa Kỳ phân tích, dẫn đến sai lệch kết quả. STAPIMEX đã và đang gấp rút rà soát lại toàn bộ hồ sơ, bổ sung các dữ liệu còn thiếu và tin tưởng kết quả cuối cùng sẽ phản ánh đúng bản chất xuất khẩu tôm Việt Nam là không bán phá giá.

Mặc dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực ngay và sẽ còn được DOC xem xét lại trước khi công bố kết quả cuối cùng – dự kiến vào tháng 12/2025 – nhưng thông tin này đã lập tức tạo ra tâm lý bất ổn trên thị trường. Một số nhà nhập khẩu tại Hoa Kỳ đã tạm ngưng ký hợp đồng mới để chờ diễn biến tiếp theo, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất – xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Nguy cơ lớn hơn là đòn giáng vào người nuôi tôm, vốn đang phải gồng mình trước biến động giá cả, chi phí đầu vào tăng và áp lực cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu khác.

VASEP cho biết sẽ sớm có văn bản chính thức gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đề nghị rà soát lại các tính toán kỹ thuật trong kết quả sơ bộ để đảm bảo khách quan, công bằng, đúng thông lệ và tránh ảnh hưởng bất lợi đến doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, hiệp hội cũng kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu giải trình, làm rõ thông tin với phía Hoa Kỳ.

Bối cảnh hiện tại càng trở nên nhạy cảm khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump tái nhiệm và đang thúc đẩy chính sách thương mại cứng rắn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc áp thuế chống bán phá giá sơ bộ cao bất thường như hiện nay có thể không hoàn toàn tách rời yếu tố chính trị - thương mại, nhất là khi Mỹ đang rà soát lại cán cân thương mại song phương và nhắm đến các mặt hàng có kim ngạch lớn.

Trong những năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành tôm Việt Nam. Riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt khoảng 800 triệu USD, chiếm gần 20% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Vì vậy, bất kỳ thay đổi nào trong chính sách thuế đều có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn chuỗi giá trị, từ doanh nghiệp chế biến đến người nuôi trồng, dịch vụ hậu cần và lao động vùng ven biển.

Trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam đang nỗ lực phục hồi sau giai đoạn giảm sâu về giá và đơn hàng, việc bị áp thuế sơ bộ cao không chỉ là cú sốc về tâm lý, mà còn tiềm ẩn nguy cơ đánh mất lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ nếu không sớm được điều chỉnh.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang