Hoạt động đánh giá sự phù hợp - cơ sở hạ tầng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa

author 06:38 22/10/2020

(VietQ.vn) - Việt Nam hiện đã có 1.105 tổ chức đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) và 179 tổ chức chứng nhận, 79 tổ chức giám định, 116 tổ chức kiểm định và 731 tổ chức thử nghiệm.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Với mục tiêu “Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Qua 10 năm triển khai, Chương trình đã tạo lập được cơ sở hạ tầng vững chắc cho hoạt động cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy thương mại, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Nam hiện có 116 tổ chức kiểm định và 731 tổ chức thử nghiệm phục vụ cho hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp.

Bên cạnh việc xây dựng được hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia với gần 13.000 TCVN và gần 800 QCVN có tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là gần 60%, mạng lưới tổ chức ĐGSPH cũng đã có những bước phát triển mới và được xã hội hóa rộng rãi. Tính đến ngày 30/7/2020, đã có 1.105 tổ chức ĐGSPH đăng ký hoạt động ĐGSPH tại Bộ KH&CN và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong đó, có 731 tổ chức thử nghiệm, 179 tổ chức chứng nhận (tổ chức chứng nhận sản phẩm, tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý), 79 tổ chức giám định và 116 tổ chức kiểm định.

Các tổ chức ĐGSPH này đều có năng lực đáp ứng theo chuẩn mực quốc tế như ISO/IEC 17065, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17020 và ISO/IEC 17025 tương ứng đối với từng loại hình tổ chức, đảm bảo đáp ứng cơ bản các yêu cầu thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục TCĐLCL), để có được sự phát triển vượt bậc này là do Việt Nam đã có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 107/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (Nghị định số 107/2016/NĐ-CP), Nghị định số 154/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành (Nghị định số 154/2018/NĐ-CP).

“Hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu, bên cạnh đó, thuận lợi hoá thủ tục đánh giá sự phù hợp thông qua hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được coi là một trong những biện pháp để xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh“, bà Hương cho biết.

Đề cập đến hoạt động ĐGSPH trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bà Hương nhấn mạnh đến vai trò của hoạt động thử nghiệm; hoạt động chứng nhận, giám định, kiểm định; hoạt động công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Bà Hương cho biết, trong những năm qua, hệ thống các phòng thử nghiệm này đã đóng vai trò nòng cốt trong hoạt động thử nghiệm của quốc gia. Các phòng thử nghiệm đã triển khai hàng vạn phép thử nghiệm, là cơ sở kỹ thuật phục vụ hoạt động tự kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý sản phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu và lưu thông, kịp thời có ý kiến đề xuất đối với các cấp để có biện pháp xử lý với một số vấn đề bức xúc của xã hội như vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, gian lận thương mại.

Đối với hoạt động chứng nhận, giám định, kiểm định: Công tác chứng nhận, giám định, kiểm định giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về an toàn của nhà nước trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông trên thị trường; vượt qua các rào cản kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu, tạo niềm tin, uy tín về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này, đã đáp ứng yêu cầu của khách hàng, thị trường, tạo lòng tin cho người mua hàng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các trách nhiệm của doanh nghiệp;

Công tác chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn giúp doanh nghiệp tiếp cận với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn nước ngoài và tiêu chuẩn quốc tế, nắm bắt được các yêu cầu của nước nhập khẩu đối với việc đáp ứng tiêu chuẩn;

Đặc biệt, việc triển khai công tác chứng nhận đã giúp tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị tốt năng lực về chất lượng để có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của rào cản kỹ thuật trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường trên thế giới. Đồng thời, tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đều phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật góp phần giúp doanh nghiệp có cơ sở đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng quy định pháp luật, loại bỏ các hàng hóa mất an toàn, không đảm bảo chất lượng. Giúp doanh nghiệp giảm chi phí, rút ngắn thời gian làm các thủ tục xuất nhập khẩu thông qua việc thừa nhận kết quả thử nghiệm của các phòng thử nghiệm ở nước ngoài của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước.

Đối với hoạt động công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp: Ngày nay, với sự phát triển của thương mại quốc tế, sự gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ đã làm cho hoạt động công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp trên phạm vi toàn cầu ngày một phát triển để phục vụ cho việc thừa nhận lẫn nhau kết quả thử nghiệm, chứng nhận và giám định. Hoạt động công nhận cũng góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng như công tác bảo về quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, doanh nghiệp kết nối làm ăn với nước ngoài ngày càng nhiều thì việc tuân thủ luật chơi là vô cùng cần thiết và tránh bị đào thải trong sân chơi chung. Vai trò của hoạt động công nhận cũng được đề cập trong Hiệp định WTO/TBT, Hiệp định CPTPP, các Hiệp định FTA và trong các thỏa thuận của ASEAN và các hiệp định song phương hoặc đa phương giữa các Chính phủ khi đề cập đến vấn đề thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp.

Hiện, Việt Nam có 03 tổ chức công nhận, đó là Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA); Văn phòng Công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (AOSC); Viện Công nhận Chất lượng Việt Nam (VACI). 

“Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng phù hợp với tình hình, cơ chế quản lý kinh tế, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam giúp thúc đẩy thương mại, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời bảo đảm các yêu cầu về an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết”.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục TCĐLCL)

 

Chuẩn hóa mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ hội nhập quốc tế(VietQ.vn) - Với mục tiêu thiết lập mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, hàng hoá chủ lực và 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế, thời gian qua Bộ KH&CN đã đẩy mạnh xây dựng, tăng cường năng lực cho các tổ chức này nhằm đáp ứng mục tiêu đã đề ra trước đó.

 Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang