Khó khăn trong quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài

author 06:31 21/10/2020

(VietQ.vn) - Hiện nay, số lượng người bán nước ngoài trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang gia tăng. Do vậy, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối trong TMĐT, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến.

Bộ Công Thương cho biết, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT là công cụ pháp lý quan trọng đối với TMĐT. Tuy nhiên, sự phát triển của TMĐT phát sinh nhiều vấn đề mới dẫn tới yêu cầu sửa đổi Nghị định 52.

Vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng đang tràn lan trên môi trường điện tử 

Thực tế hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng đang tràn lan trên môi trường điện tử. Các sàn giao dịch TMĐT là nơi tập trung phần lớn giao dịch TMĐT B2C và C2C, đồng thời cũng là nơi mà vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được phản ánh rõ nét nhất. Mọi hoạt động từ xét duyệt thông tin người bán, đăng tải thông tin hàng hóa, giao dịch, thanh toán đều thông qua đơn vị vận hành sàn giao dịch TMĐT.

Trong khi đó, nhiều sàn do có doanh thu từ việc thu phí giao dịch, đã thả lỏng việc xét duyệt hồ sơ của đối tượng tham gia sàn, dẫn đến hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng mà không có biện pháp kiểm soát; nhiều mặt hàng còn đăng tải bằng ngôn ngữ bản địa như tiếng Trung, tiếng Hàn... khiến người tiêu dùng lúng túng khi tiếp cận thông tin.

Bên cạnh đó, hoạt động TMĐT trên mạng xã hội đang bùng nổ và khó kiểm soát. Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, cần có những yêu cầu cụ thể đối với đơn vị quản lý mạng xã hội có tính năng như sàn giao dịch thương mại điện tử trong văn bản ở mức Nghị định thay vì ở Thông tư như hiện nay.

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là khó khăn trong quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài. Hiện nay, số lượng người bán nước ngoài trên các sàn TMĐT Việt Nam đang gia tăng về số lượng. Thực tiễn trên đang đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối trong TMĐT, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến.

Cùng với đó là khó khăn trong việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm thuộc Top 3 quốc gia đẫn đầu khu vực Đông Nam Á, TMĐT Việt Nam đang là lĩnh vực thu hút mạnh các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động đầu tư được thực hiện chủ yếu thông qua đầu tư gián tiếp qua công ty con tại một quốc gia thứ ba, hoặc các hình thức hợp tác kinh doanh khác ngoài việc góp cổ phần. Với những nguồn đầu tư gián tiếp, việc định danh, quản lý và giám sát doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về các biện pháp giám sát nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài trên các hệ thống TMĐT do tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài nắm giữ, cũng như đảm bảo sự bình đẳng về quản lý giữa mô hình phân phối truyền thống và mô hình phân phối TMĐT.

Bộ Công Thương đã nghiên cứu, lập dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 và đã tổng hợp ý kiến ban soạn thảo về định hướng xây dựng nghị định. Nghị định dự kiến sẽ điều chỉnh những vấn đề lớn, cụ thể là: Tiếp tục khuyến khích TMĐT, xem xét bổ sung một số biện pháp quản lý với đối tượng mới (mạng xã hội, thương nhân có yếu tố nước ngoài); Mở rộng đối tượng áp dụng, bao trùm cả thương nhân, tổ chức nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam nhưng phát sinh doanh thu từ TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam;

Nghị định sẽ quy định chặt chẽ hơn về những thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT, tăng trách nhiệm của chủ sàn trong việc gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm; Bổ sung quy định riêng với mạng xã hội có hoạt động giao dịch TMĐT;

Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung theo hướng siết chặt quản lý như đối với thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam; Kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TMĐT là phù hợp với thực tiễn hiện nay, đảm bảo an ninh quốc gia, cam kết quốc tế và Luật đầu tư (sửa đổi).

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang