Khuyến cáo đối với ngành dệt may khi muốn mở rộng thị trường tại EU

author 13:52 05/08/2024

(VietQ.vn) - EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang EU còn đối mặt với những thách thức liên quan đến các quy định về tăng trưởng bền vững của khối này.

Liên minh châu Âu (EU) là một trong số thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, so với các thị trường khác, xuất khẩu hàng dệt may sang EU của Việt Nam phục hồi chậm hơn. Nguyên do, nền kinh tế của EU dù đã khởi sắc nhưng vẫn rất khó khăn.

Theo Ngân hàng Trung ương EU (ECB), dự kiến tăng trưởng kinh tế của châu Âu trong năm 2024 sẽ tốt hơn so với năm 2023 (tăng trưởng ở mức 0,4%) tuy nhiên do còn tiềm ẩn các yếu tố địa chính trị, tăng trưởng kinh tế năm 2024 được dự báo khiêm tốn ở mức 0,9% vào năm 2024, 1,4% vào năm 2025 và 1,6% vào năm 2026.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may sang EU đạt gần 1,91 tỷ USD, tăng 1,63%, chiếm 11,54% trong tổng kim ngạch của Việt Nam sang thị trường này.

Nửa đầu năm 2024, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang khối EU cũng có diễn biến trái chiều. Tại một số thị trường, kim ngạch ghi nhận tăng cao, như: Hà Lan đạt xấp xỉ 565,29 triệu USD, tăng 19,97% so với cùng kỳ, chiếm 29,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU.

Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may sang EU nửa cuối năm 2024 sẽ phục hồi rõ nét hơn khi vào mùa nghỉ lễ Giáng sinh và Tết dương lịch.

Những thách thức doanh nghiệp dệt may phải đối mặt tại thị trường EU

Tín hiệu vui là vậy, song các chuyên gia vẫn khuyến cáo, bài học kinh nghiệm từ năm 2023 cho thấy, thị trường thế giới hiện nay biến động rất khó lường. Đặc biệt, những căng thẳng ở Biển Đỏ, hay tỷ giá neo ở mức cao là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp dệt may.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND đang dao động ở mức 25.000 đồng/USD khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Ông Phan Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, đối với các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ hay Hàn Quốc, doanh nghiệp phải nhập khẩu 40-60% nguyên liệu. Tỷ giá ở mức cao khiến chi phí sản xuất tăng cao. Dù chênh lệch tỷ giá được bù đắp phần nào khi có ngoại tệ thu về từ xuất khẩu, song tỷ giá tăng nhanh khiến phần lợi thu về nhờ tỷ giá ngày càng giảm.

Ảnh minh họa

Đặc biệt, doanh nghiệp dệt may vẫn còn phải đối diện với những khó khăn hiện hữu từ việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược "thời trang bền vững" thay cho "thời trang nhanh", Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...

Ở châu Âu, hiện cũng đã có Thỏa thuận Xanh (EGD) với các mục tiêu đề ra từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó có thỏa thuận riêng về phát triển dệt may bền vững với rất nhiều yêu cầu về nguyên vật liệu tái chế, tuổi thọ của sản phẩm. Dự kiến trong năm 2024, EU cũng đưa ra quy định Ecodesign trong ngành dệt may để hạn chế rác thải dệt may. Các quy định này đều đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu phải có sự chuẩn bị và chuyển đổi sản xuất tương ứng.

Bên cạnh thách thức về tăng trưởng kinh tế, lạm phát ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu tiêu dùng, doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang EU còn đối mặt với những thách thức liên quan đến các quy định về tăng trưởng bền vững của khối này.

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), một số chính sách xanh và phát triển bền vững của EU có khả năng tác động đến xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU trong dài hạn.

Đầu tiên là Chiến lược Thỏa thuận Xanh EU, liên quan đến ngành dệt may, theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, gồm có: Chiến lược ngành dệt may tuần hoàn và bền vững tầm nhìn đến năm 2030, theo đó đề xuất mới hoặc sửa đối các quy định, chỉ thị, hướng dẫn có liên quan đến ngành dệt may. Đáng chú ý là: Quy định về thiết kế sinh thái đối với sản phẩm bền vững và Chỉ thị về rác thải, Chương trình hướng dẫn Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhận định, việc EU ngày càng mở rộng thêm các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn đối với ngành dệt may sẽ tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm xã hội, môi trường… Trong khi đó, năng lực doanh nghiệp, điều kiện sản xuất của Việt Nam còn hạn chế, việc chuyển đổi mô hình sản xuất cần công nghệ và nguồn vốn lớn.

Với hiện trạng đó, bà Trịnh Thị Thu Hiền đề xuất một số giải pháp: Tích cực vận động chính sách đối với EU, hạn chế tối đa rào cản tiếp cận thị trường, tránh tạo thêm gánh nặng về hành chính và chi phí cho nhà sản xuất và xuất khẩu.

Yêu cầu EU tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin để làm rõ các yêu cầu kỹ thuật chi tiết và áp dụng lộ trình thực thi phù hợp đối với từng nước đối tác, trên cơ sở tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các nước và hỗ trợ hướng dẫn các bước cụ thể cho doanh nghiệp để đáp ứng các quy định mới.

Về phía doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, nhanh chóng xây dựng kế hoạch điều chỉnh sản xuất và xuất khẩu bài bản để kịp thời thích ứng với các yêu cầu, quy định mới, tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng. Nỗ lực xanh hóa sản xuất, đảm bảo minh bạch truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi giá trị, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, vấn đề đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào tập trung hoạt động theo nhu cầu của thị trường. Trong đó, thị trường đang đặt ra vấn đề xanh là số 1, chất lượng là số 2, giá cả là số 3. Lâu nay doanh nghiệp chú ý nhiều đến vấn đề chất lượng, cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Bây giờ nếu không “xanh” thì chất lượng và giá cả không giải quyết được vấn đề thị trường.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, EU bắt đầu quy định từ năm 2026 tất cả các hàng hóa xuất khẩu vào khối đều phải báo cáo chất thải khí nhà kính. Doanh nghiệp không có báo cáo thì không thể xuất khẩu sang thị trường này.

Liên quan đến xanh hoá ngành dệt, theo tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) - Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thực tế, doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều áp lực và động lực “xanh hóa”, tăng cường ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và tài nguyên:

Thứ nhất, xu hướng phải “xanh hóa” quy trình sản xuất theo yêu cầu từ nhà mua hàng để giữ được đơn hàng. Hiện nay, hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp.

Cụ thể, theo kết quả điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu của tập đoàn McKinsey hồi tháng 4/2020, 60% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho thời trang là xu hướng trong ngắn và trung hạn. Về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang. Sức ép này từ người tiêu dùng sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.

Thứ hai, “xanh hóa” giúp quản lý chặt chẽ hơn tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, hóa chất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh;

Thứ ba, những doanh nghiệp tham gia xanh hóa và kinh tế tuần hoàn sẽ được Nhà nước hỗ trợ thị trường tiêu thụ, hỗ trợ cho vay ưu đãi... giúp và tạo môi trường làm việc tốt hơn, xanh và sạch hơn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và cho toàn xã hội. Ngành Dệt May nằm trong số 20 ngành kinh tế đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro về môi trường khi cấp tín dụng tại Sổ tay đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội, ban hành tháng 8/2018. Vì vậy, ngành Dệt May cần xây dựng chiến lược phát triển ngành theo hướng xanh hóa sản xuất, BVMT, đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án đầu tư xanh theo quy định của Luật BVMT, làm cơ sở tiếp cận các chính sách tín dụng xanh hiệu quả.

Xanh hóa ngành dệt may không chỉ là vấn đề công nghệ. Xét về lâu dài, sự tăng trưởng có nghĩa là tính tới sự cân bằng các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội. Sự chuyển đổi xanh ngành dệt may sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ngành dệt may đang hướng tới mục tiêu “xanh hóa” để chứng minh trách nhiệm xã hội với môi trường, đồng thời, mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang