Khuyết một chân trong nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ

author 21:34 05/06/2014

(VietQ.vn) - Vai trò của cơ quan khoa học và nghiên cứu tư vấn năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ ở cấp quốc gia rất mờ nhạt, thậm chí là thiếu vắng và không đồng bộ.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Thiếu vai trò khoa học và nghiên cứ tư vấn năng suất chất lượng hàng hóa, dịch vụ

Thiếu vai trò khoa học và nghiên cứ tư vấn năng suất chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, năng suất và chất lượng là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp và thường được coi là các yếu tố then chốt cho sự phát triển ở mỗi quốc gia. Trình độ phát triển của các quốc gia ngày nay được xác định bởi năng suất nền kinh tế, nó được đo bằng giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất từ một đơn vị nguồn lực đầu vào. Trong đó có vốn, con người và nguyên liệu.

“Chất lượng tăng trưởng và chất lượng cuộc sống là thước đo mức độ phát triển bền vững của một quốc gia hay một tổ chức xã hội. Trong khi đó năng suất được coi là một khái niệm toàn diện, bao gồm cả 2 khía cạnh đầu vào và đầu ra. Chất lượng được coi là một yếu tố quan trọng có tác động chính đến việc tăng năng suất thông qua việc quản lý quá trình và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đạt các chuẩn mực cần thiết, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Năng suất và chất lượng đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh. Kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng, năng suất và chất lượng đã được Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore sử dụng như chìa khóa tăng trưởng để giúp các quốc gia đó trong một thời gian không dài trở thành các quyền lực kinh tế hàng đầu thế giới”, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhận định.

Trên thực tế, hoạt động năng suất và chất lượng ở Việt Nam trong thời gian qua đã thu được một số kết quả khích lệ. Kể từ giữa thập kỷ 90, chất lượng đã được nhà nước và các doanh nghiệp chú trọng thuông qua các chương trình quốc gia, dự án, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (nay là Giải thưởng Chất lượng Quốc gia), áp dụng công cụ quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000, 5S… Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, hoạt động năng suất, chất lượng ở Việt Nam còn phát triển chậm, chưa có hệ thống, mang tính tự phát.

Năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ

Ngành dịch vụ đang là xu thế nổi bật trong sự phát triển kinh tế. Ảnh minh họa

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, một trong những nguyên nhân quan trọng của vấn đề trên là do thiếu các yếu tố cơ bản thúc đẩy phong trào phát triển. Xét về tổng thể, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ ở cấp quốc gia chỉ có thể phát triển nếu có sự tham gia đầy đủ của ba đại diện: Nhà nước, doanh nghiệp và cơ quan khoa học – nghiên cứu. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, chỉ đạo, tài trợ thông qua các chương trình, dự án trọng điểm. Doanh nghiệp – nơi áp dụng các giải pháp tăng năng suất và chất lượng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng ngành, dẫn đến tăng trưởng năng suất chất lượng ở cấp quốc gia. Các cơ quan khoa học và nghiên cứu tư vấn đóng vai trò nghiên cứu, phân tích, đánh giá các yếu tố tác động đến tăng trưởng năng suất và chất lượng, giới thiệu các xu hướng và giải pháp tiên tiến nhằm tăng năng suất chất lượng ở cấp quốc gia và doanh nghiệp.

Ở 3 yếu tố trên, hiện thiếu vắng và mờ nhạt vai trò của cơ quan khoa học, nghiên cứu tư vấn năng suất và chất lượng là nơi cung cấp các thông tin phân tích đánh giá khoa học và khách quan về thực trạng và xu hướng phát triển của năng suất và chất lượng. Thông qua đó, làm cơ sở để nhà nước có các chủ trương chính sách phát triển năng suất và chất lượng, ứng dụng các giải pháp tại doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội phù hợp.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, phát triển kinh tế dịch vụ, đặc biệt hướng tới một nền kinh tế dịch vụ tri thức, đang trở thành xu thế nổi bật trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới hiện nay. Các nền kinh tế trên thế giới, từ phát triển đến đang phát triển, đã và đang chuyển đổi, điều chỉnh chính sách sang hướng ưu tiên hoặc chú trọng phát triển ngành dịch vụ hơn. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm cơ bản của dịch vụ Việt Nam đó là ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá nhưng tỷ trọng trong GDP chưa cao. Để giải quyết được tình hình này, chất lượng dịch vụ được xem là một điểm đột phá nhằm nâng cao năng suất chất lượng của dịch vụ, thúc đẩy ngành dịch vụ Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững theo chiều sâu trong dài hạn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang