Kiên Giang: Mô hình nuôi cá bớp lồng bè trên biển cho năng suất cao
Máy in 3D mở ra cuộc cách mạng về năng suất chất lượng ngành xây dựng
Ứng dụng công nghệ sinh học giúp năng suất chất lượng ngô vượt trội
Thuật dùng người tạo đột phá trong năng suất, chất lượng của Toyota
Hải Phòng: Tập huấn nâng cao năng suất chất lượng cho ngành may mặc và da giầy
Huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã tiến hành triển khai thực hiện 4 dạng mô hình nuôi cá lồng bè trên biển có sử dụng con giống cá bớp sinh sản nhân tạo. Qua 4 năm triển khai thực hiện các mô hình nuôi cá bớp, cá mú lồng bè trên biển sử dụng con giống nhân tạo cho thấy các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế, đang từng bước được nhân rộng và phát huy tại huyện đảo Phú Quốc.
Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho hay, Phú Quốc là một huyện đảo cách xa đất liền thuộc tỉnh Kiên Giang, ở đây có điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái biển lý tưởng và rất thuận lợi để phát triển nuôi các loài thủy hải sản, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng bè trên biển. Hiện nay, trên huyện đảo đã có hơn 150 cơ sở nuôi cá lồng bè với gần 700 lồng nuôi, một số đối tượng nuôi chủ yếu như cá bớp (cá giò), cá mú đen, cá mú sao, cá mú nghệ. Trong những năm qua, nguồn con giống cá biển khai thác ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm và cạn kiệt nên người dân đã chuyển sang sử dụng con giống sinh sản nhân tạo để nuôi. Tuy nhiên, khi sử dụng con giống cá bớp, cá mú bằng sinh sản nhân tạo, người nuôi gặp phải một số khó khăn như nguồn gốc con giống không rõ ràng, chất lượng con giống kém,… Mặt khác, người dân chưa có kinh nghiệm trong khâu chăm sóc quản lý đàn cá nuôi từ con giống sinh sản nhân tạo nên nghề nuôi cá lồng bè trên biển cho hiệu quả kinh tế chưa cao và thiếu tính bền vững.
Mô hình nuôi cá bớp lồng bè trên biển tại Phú Quốc
Anh Lê Châu ngụ tại ấp Bãi Chướng, xã Hòn Thơm, huyện Phú Quốc là người có thâm niên nuôi cá hơn 05 năm với các đối tượng nuôi chủ yếu là cá bớp và cá mú đen, chỉ sử dụng con giống khai thác, đánh bắt ngoài tự nhiên. Anh Châu cho biết, thời gian gần đây do không chủ động được nguồn con giống cá bớp khai thác ngoài tự nhiên nên anh đã nuôi thử 01 vụ bằng giống cá bớp sinh sản nhân tạo, chỉ nuôi theo kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2014, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, anh Châu đã mạnh dạn đăng ký thực hiện mô hình nuôi cá bớp kết hợp với cá mú đen (sử dụng con giống cá bớp sinh sản nhân tạo) với quy mô 50 m3, đối tượng nuôi chính là cá bớp, cá mú đen chỉ là đối tượng nuôi tận dụng. Số lượng cá giống thả nuôi là 150 con cá bớp và 100 con cá mú đen, kích cỡ cá bớp giống từ 20 - 25cm, cá mú đen khai thác ngoài tự nhiên có kích cỡ từ 12 - 15cm. Tham gia thực hiện mô hình, anh Châu được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 60% tiền con giống và 30% tiền mua thức ăn cho cá, được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, cách phòng trị bệnh trong suốt quá trình thực hiện mô hình. Nhờ đó chỉ sau 10 tháng chăm sóc quản lý, đàn cá bớp nuôi khỏe mạnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh, trọng lượng bình quân đạt 06 kg/con, tỷ lệ sống của cá bớp đạt 81%. Với giá bán cá bớp thương phẩm từ 120.000 - 135.00 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh Châu thu lãi trên 27 triệu đồng.
Từ hiệu quả đạt được của mô hình, anh Châu rất phấn khởi và chia sẻ một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình nuôi cá bớp: Con giống nên mua tại trại giống uy tín, đảm bảo chất lượng; giống cá bớp sinh sản nhân tạo cũng có tốc độ tăng trưởng không thua kém giống cá bớp khai thác ngoài tự nhiên. Thức ăn cho cá bớp chủ yếu là các loại cá tạp tươi. Đây là nguồn thức ăn dồi dào, giúp cá bớp nhanh lớn. Theo anh Châu, trong quá trình nuôi cá bớp bằng con giống sinh sản nhân tạo thì khó nhất là 2 tháng nuôi đầu tiên. Lúc này thức ăn cho cá phải là cá tươi cắt nhỏ, cho ăn 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm và chiều mát, khi cá còn nhỏ không nên cho cá ăn quá no để tránh trường hợp cá bị bệnh đường ruột như trướng bụng, nhiễm trùng đường ruột. Định kỳ 10 - 15 ngày bổ sung vitamin C và men tiêu hóa từ 5 - 7 ngày liên tục sẽ giúp cá khỏe mạnh và mau lớn. Hàng tháng, tắm cá bằng nước ngọt và thay lồng mới cho cá nhằm giúp hạn chế mầm bệnh. Cá bớp là loài cá dễ nuôi, ít bị dịch bệnh nhưng cần lưu ý là vào những thời điểm giao mùa, nguồn nước ô nhiễm cá bớp dễ mắc bệnh mù mắt, nên phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá để có hướng xử lý kịp thời. Lưu ý là trong quá trình nuôi thường xuyên san thưa và phân cỡ đàn cá nuôi để cá đạt kích cỡ đồng đều và mau lớn, mật độ nuôi thưa, tùy vào kích cỡ của đàn cá mà mật độ nuôi từ 1 - 3 con/m3.
Với những kinh nghiệm rút ra sau khi thực hiện mô hình nuôi cá bớp, hiện nay anh Châu vẫn tiếp tục nuôi cá bớp, mỗi năm anh Châu thả nuôi từ 300 – 400 con cho 01 vụ, mùa vụ thả giống từ tháng 3 – 4 âm lịch, thu lãi hơn 50 triệu đồng/năm. Anh Châu cho biết, cá bớp là đối tượng nuôi có chi phí đầu tư cao nhưng bù lại có thị trường tiêu thụ khá ổn định, dễ nuôi, nhanh lớn, ít xảy ra dịch bệnh, ít rủi ro, tỷ lệ sống cao hơn so với các đối tượng nuôi khác như cá mú, ốc hương,… nên anh Châu sẽ tiếp tục phát triển nghề nuôi cá bớp lồng bè trên biển, góp phần tận dụng lao động nhàn rỗi và tăng thêm thu nhập cho gia đình.