Kinh nghiệm, kết quả áp dụng mô hình tổng thể nâng cao năng suất chất lượng tại doanh nghiệp

(VietQ.vn) - Sự thay đổi bắt đầu từ nhận thức, nhưng để mang lại hiệu quả thực chất thì cần có sự hành động đồng bộ, quyết liệt và có lộ trình rõ ràng. Mô hình TPI là một hành trình cải tiến không có điểm kết thúc, nơi mà mọi bước tiến dù nhỏ đều góp phần tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp và xã hội.
Giải pháp áp dụng mức tiêu thụ nhiên liệu cho xe ô tô con và xe máy, giai đoạn đến năm 2030
Tiến sĩ Philipp Rösler – nguyên Phó Thủ tướng Đức gia nhập Vietjet
Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia mới về an toàn cho trẻ trên ô tô
Ngày 6/6, Viện Năng suất Việt Nam tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và kết quả áp dụng mô hình tổng thể nâng cao năng suất chất lượng tại doanh nghiệp”.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lê Hoa – Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Nguyễn Trọng Lợi – Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, bà Kiều Nguyễn Việt Hà – đại diện Cục đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công thương, cùng hơn 100 đại biểu đến từ Sở KH&CN các tỉnh, thành phố, Viện nghiên cứu, trường Đại học, Hiệp hội, doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tùng Lâm - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết, nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển theo xu hướng số hóa, xanh hóa và toàn cầu hóa chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành Công thương nói riêng đang đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt. Để đứng vững và phát triển bền vững, doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào lợi thế lao động giá rẻ hay tài nguyên mà cần chuyển sang cách tiếp cận tốt hơn, toàn diện hơn, dựa trên năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam.
Theo ông Lâm, những năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Viện Năng suất Việt Nam triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện mô hình cải tiến năng suất tổng thể (viết tắt là TPI). Đây là công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp cải tiến một cách toàn diện và bền vững thay vì áp dụng công cụ cải tiến năng suất một cách rời rạc. Ví dụ, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, hay Kaizen, Lean, 5S thì tiếp cận TPI một cách tích hợp theo hướng đồng bộ.
"Đây là mô hình cung cấp phương pháp tiếp cận tổng thể, có hệ thống và linh hoạt, hướng đến nâng cao năng suất một cách bền vững bằng cách đồng bộ, tác động tới các chiến lược, cách quản trị, công nghệ, con người và quy trình sản xuất của doanh nghiệp", ông Lâm nói.
Ông Lâm cho biết thêm, với doanh nghiệp ngành công thương - nơi tập trung phần lớn hoạt động sản xuất công nghiệp, đòi hỏi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao, khả năng đổi mới công nghệ nhanh và mức độ thỏa mãn khách hàng ngày càng khắt khe. Việc triển khai áp dụng mô hình TPI là giải pháp chiến lược nhằm gia tăng năng suất nội tại, cải thiện hiệu quả vận hành và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. “Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương về đổi mới khoa học công nghệ, về vai trò của kinh tế tư nhân…, do đó mô hình TPI không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn là tư duy phát triển doanh nghiệp theo hướng hiện đại, lấy đổi mới là trung tâm, lấy con người là động lực và giá trị khách hàng là mục tiêu”, ông Lâm nhấn mạnh.
Triển khai mô hình TPI sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân mà Đảng và Nhà nước đã đề ra cũng như đổi mới hoạt động của doanh nghiệp.
Hiện nay, mô hình TPI đã được triển khai tại 21 doanh nghiệp các ngành dệt may, nhựa, cơ khí, hóa chất, thép, da giày, năng lượng và điện tử trong giai đoạn từ 2018 đến 2021. Nhờ triển khai mô hình này tại doanh nghiệp mà năng suất lao động đã tăng từ 15 đến 30%, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, khách hàng hài lòng hơn, đặc biệt tư duy cải tiến lan tỏa tới từng bộ phận, từng con người trong tổ chức, doanh nghiệp.
Hội thảo là dịp nhìn lại kết quả đã triển khai giai đoạn vừa qua để lắng nghe doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, bài học rút ra trong việc triển khai mô hình năng suất và chất lượng tổng thể. Đồng thời cũng là nơi thảo luận những yếu tố giúp cải tiến hơn nữa để mô hình này có thể hoàn thiện và tiếp tục đi sâu hơn vào việc vận hành của tổ chức và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa – Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lê Hoa – Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam đã giới thiệu về mô hình TPI tại doanh nghiệp. Theo bà Hoa, ý tưởng của mô hình TPI là đánh giá các khía cạnh quản lý và phát triển giải pháp mang tính toàn diện tác động tới năng suất tổng thể của doanh nghiệp, từ việc xây dựng chiến lược, mục tiêu nâng cao năng suất đến giải pháp về đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị, quản lý khách hàng, quản lý sản xuất, giảm lãng phí và phát triển nguồn nhân lực.
Đặc điểm mô hình TPI đó là: Tổng thể (Total) đề cập tới các khía cạnh khác nhau trong một tổ chức; Thiết lập các chiến lược, mục tiêu năng suất để định hướng được hoạt động năng suất; Các giải pháp thiết kế, triển khai theo chu trình P-D-C-A để đạt hiệu quả cao nhất của từng dự án cải tiến; Quản lý, phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích nhân viên là nền tảng quan trọng cho các hoạt động cải tiến năng suất; Các kết quả cải tiến phải đánh giá được, so sánh mục tiêu đề ra và mức độ đạt được các chiến lược đã hoạch định.
Các yêu cầu và giải pháp của mô hình TPI, theo bà Hoa, về yêu cầu chung gồm các cam kết và định hướng; Mô tả hệ thống; Xem xét định kỳ; Về chiến lược năng suất tổng hợp gồm: Gắn kết với chiến lược kinh doanh; Thiết lập mục tiêu; Chỉ tiêu KPIs; Về phát triển tổ chức định hướng khách hàng gồm: Chiến lược khách hàng; Văn hóa định hướng khách hàng; Về đổi mới, cải tiến sản phẩm, công nghệ và quá trình gồm: Thiết lập hệ thống quản lý đổi mới; Thiết lập hệ thống quản lý đổi mới.
Về tổ chức hệ thống sản xuất hiệu quả: Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể; Cải tiến quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ; Giảm lãng phí và sản xuất sạch hơn; Tiêu chuẩn hóa quy trình. Về thiết lập, duy trì hệ thống đảm bảo chất lượng: Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát; Đánh giá và cải tiến. Về xây dựng tổ chức học hỏi: Xây dựng, thúc đẩy văn hóa học tập; Thiết lập hạ tầng hỗ trợ học tập; Thiết lập hệ thống quản lý tri thức. Về hệ thống khuyến khích sự tham gia: Thiết lập hệ thống gợi ý và tiếp nhận ý tưởng; Hệ thống khuyến khích, trao thưởng.
Triển khai mô hình TPI tại doanh nghiệp, bà Hoa đưa ra 7 bước. Trong đó, bước 1 thành lập ban cải tiến; bước 2 đánh giá thực trạng năng suất; bước 3 thiết lập chiến lược và mục tiêu; bước 4 thiết lập các chỉ số trọng yếu; bước 5 thiết lập các dự án cải tiến và kế hoạch hành động; bước 6 triển khai các dự án cải tiến; bước 7 đánh giá kết quả chương trình cải tiến năng suất tổng thể và xây dựng các kế hoạch duy trì.
Ngoài ra, mô hình TPI mang tính tổng thể nên bao quát khá nhiều hệ thống, công cụ nâng cao năng suất và chất lượng khác. Khi một doanh nghiệp đã áp dụng một, một số hệ thống hoặc công cụ nâng cao năng suất và chất lượng (ví dụ như KPI, các hệ thống ISO, 5S hoặc Lean) có thể chỉ cần bổ sung các nội dung khác của mô hình để có hệ thống toàn diện hơn.

Ông Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam chủ trì phiên thảo luận.
Tại hội thảo, diễn giả cũng có các bài tham luận liên quan đến kết quả triển khai mô hình tổng thể nâng cao năng suất tại doanh nghiệp điểm do ông Lại Hoàng Dương – Giám đốc Công ty CP Truyền thông Máy tính Thánh Gióng trình bày; Giải pháp cải tiến năng suất doanh nghiệp trong bối cảnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ông Ngô Mạnh Hà – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ H2, Ủy viên Chủ nhiệm Chương trình Năng suất chất lượng quốc gia trình bày.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu, diễn giả và doanh nghiệp tham dự cũng thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, thắc mắc trong việc áp dụng mô hình TPI.

Toàn cảnh hội thảo.
Hà My