Kỹ thuật tránh nắng nóng cho tôm, cá nhằm đảm bảo năng suất cao

author 08:43 22/08/2015

(VietQ.vn) - Cá, tôm là động vật thuộc nhóm máu lạnh nên điều kiện nhiệt độ môi trường nước ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của chúng. Do đó, nếu nắng nóng kéo dài, kéo theo nhiệt độ nước tăng cao vượt ngưỡng giới hạn sẽ gây hại cho tôm, cá.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Thân nhiệt của cá, tôm thay đổi theo nhiệt độ nước, thường chỉ chênh lệch với nhiệt độ nước khoảng 0,10C, lúc môi trường nước giảm hay tăng đột ngột có thể kích thích dây thần kinh da làm mất khả năng điều tiết hoạt động của các cơ quan, phát sinh ra bệnh có thể gây giảm năng suất, thậm chí chết hàng loạt.

Ngoài ra, nhiệt độ nước tăng cao làm cho quá trình phân hủy vật chất hữu cơ cũng tăng, sinh ra nhiều khí độc dưới tầng đáy, làm tăng nguy cơ nhiễm độc của tôm, cá khi di chuyển xuống đáy tránh nắng. Đồng thời, khi trời nắng nóng, hàm lượng dinh dưỡng trong ao nhiều, tạo điều kiện cho các loài tảo phát triển; nhất là các loài tảo lam, tảo giáp khi phát triển mạnh sẽ tiết ra độc tố và khi tàn lụi đồng loạt gây thiếu ôxy, ô nhiễm nước ao, làm chết tôm, cá hàng loạt.

Đối với những ao đầm nuôi quảng canh diện tích rộng, cần gia cố bờ, cống chắc chắn, nhằm giảm lượng nước rò rỉ. Cần đào các mương trong đầm, dọc theo cống, sâu 0,5 - 0,8 m; rộng 2 - 3 m và cứ cách 5 m đào một mương; khi trời nắng nóng tôm,cá sẽ di chuyển xuống tránh nóng.

Ao đầm nên được tẩy dọn sạch sẽ, rải vôi (tập trung nhiều ở các mương); nếu có thể thì nên trồng một số cây như sú vẹt, bần, đước… (1 cây/3 - 4 m2) trên mặt trảng đầm để tạo tán cho tôm, cá tránh nắng nóng. Nước lấy vào đầm được duy trì độ sâu 0,5 m trở lên, ở mương từ 1 m trở lên.

Thực hiện các biện pháp chống nắng nóng sẽ giúp đảm bảo và nâng cao năng suất tôm, cá

Thực hiện các biện pháp chống nắng nóng sẽ giúp đảm bảo và nâng cao năng suất tôm, cá

Đối với ao nuôi tôm bán thâm canh hoặc thâm canh: Cần nạo vét hết lớp mùn bã hữu cơ (bùn đen) lắng đọng từ vụ trước trong ao, san đáy bằng phẳng hoặc lót bạt đáy và gia cố bờ ao, cống bọng chắc chắn. Nên thiết kế ao lắng có độ sâu lớn (2 - 3 m) trữ nước mát cấp cho ao tôm trong những ngày nắng nóng. Dùng vôi tẩy ao và phơi đáy, sau đó xử lý nước và cấp vào ao đạt độ sâu 1,2 - 1,4 m. Bố trí hệ thống quạt khí phù hợp và nên sử dụng dàn quạt lông nhím để có thể cung cấp đủ lượng ôxy hòa tan xuống tầng đáy và tránh phân tầng nhiệt độ trong ao.

Đối với nuôi cá ruộng: Cần bảo đảm lượng nước đầy đủ, tránh nước rò rỉ bằng cách đầm nén chặt bờ. Đào mương và tạo các chỗ trũng trong ruộng làm nơi trú ẩn cho cá vào những ngày nắng nóng kéo dài và cũng là nơi tập trung cho cá ăn, thu hoạch cá. Nếu là ruộng nhỏ, đào một chỗ trũng, nếu là ruộng to đào 2-3 chỗ trũng ở giữa ruộng hoặc rìa ruộng, diện tích chỗ trũng chiếm 2-3% tổng diện tích ruộng. Hệ thống mương hình dấu cộng (+) hoặc hình chữ nhật để nối thông giữa các chỗ trũng, mương rộng 0,5m, độ sâu 0,4 - 0,5 m.

Phân bón cần được ủ kỹ, lượng bón tuỳ theo điều kiện thời tiết và chất nước mà điều chỉnh cho thích hợp. Mật độ cá, tôm thả ương nuôi, mật độ trứng ấp không nên quá dày để bảo đảm môi trường đủ ô-xy.

Cho cá, tôm ăn nên áp dụng biện pháp 4 định: Định chất lượng, định số lượng, định thời gian và định địa điểm, nếu thức ăn hằng ngày thừa phải vứt bỏ. Trong vận chuyển cá tôm phải chọn thời tiết có nhiệt độ thích hợp, nếu nhiệt độ quá cao, phải có biện pháp xử lý hạ nhiệt khi vận chuyển. Nhiệt độ nước chênh lệch trong vận chuyển không quá 2 - 50C, đối với cá, tôm cỡ lớn, nhiệt độ thay đổi không quá 50C, đối với con giống, không quá 2-40C.

Vào mùa nắng đôi khi xuất hiện mưa trái mùa làm môi trường nước biến động, người nuôi tôm, cá cần theo dõi, quản lý ao nuôi để bơm nước sạch vào ao, nên dùng máy sục khí để kịp thời bổ sung ô-xy cho ao ương nuôi, đề phòng tôm, cá bị sốc, ảnh hưởng đến hoạt động sống. Bên cạnh đó cũng khuyến cáo người nuôi nên thả với mật độ vừa phải. 

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang