Kỳ vọng phục hồi xuất khẩu gạo Việt Nam những tháng cuối năm 2020

author 15:40 13/08/2020

(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ có những chuyển động, kỳ vọng phục hồi vào những tháng cuối năm 2020.

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 7 tháng đầu năm, khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện nay Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 36,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,4 triệu tấn và 634,3 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng tới 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với Philippines, các thị trường xuất khẩu gạo có trị giá tăng mạnh nhất là: Senegal (gấp 19,6 lần đạt 41,1 nghìn tấn), Indonesia (gấp 2,8 lần đạt 45,2 nghìn tấn) và Trung Quốc (tăng 88,9% đạt 457,6 nghìn tấn). Ngược lại, thị trường có trị giá xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Iraq (giảm 47,6%).

Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam và thị trường lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL trong nửa cuối năm nay sẽ có những chuyển động, trước mắt là giá lúa vụ Hè Thu.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh minh họa. 

Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến tăng trong nửa đầu tháng 7. Giá lúa tăng đầu tháng do nông dân sắp chuẩn bị thu hoạch vụ lúa Hè Thu, vào thời điểm đó nguồn cung từ vụ Đông Xuân không còn nhiều. Đồng thời, giá lúa, gạo xuất khẩu có bước phục hồi tốt.

Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 200 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg, hiện ở mức 4.900 đồng/kg (22/7); lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg lên 5.200 đồng/kg; lúa OM 6976 giữ ở mức 5.400 đồng/kg; lúa gạo thường ổn định ở mức 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên 5.700-5.900 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 100 đồng/kg lên mức 6.400-6.600 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg lên 6.300-6.700 đồng/kg.

Tại thị trường quốc tế, theo thông tin dự báo cập nhật mới nhất trong tháng 7 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 495,2 triệu tấn, giảm khoảng 0,3% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 490,4 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.

Liên quan tới vấn đề xuất khẩu gạo, đặc biệt là thứ hạng xuất khẩu trên thị trường quốc tế, mới đây theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này cả năm 2020 có thể chỉ đạt 6,5 triệu tấn, mức thấp nhất trong 1 thập niên và thấp hơn mức dự báo 7,5 triệu tấn đã được đưa ra trước đó. Nguyên nhân do dịch Covid-19 đã khiến suy yếu nhu cầu gạo toàn cầu, đồng baht tăng giá và tình trạng hạn hán kéo dài làm giảm sản lượng. Tại thời điểm tuần thứ ba tháng 7, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 520 USD/tấn, trong khi giá gạo đồng hạng của Việt Nam và Ấn Độ lần lượt ở mức 440-450 USD/tấn và 360 USD/tấn.

Trong 5 tháng đầu năm nay, Thái Lan xuất khẩu 2,57 triệu tấn gạo đạt giá trị 54,2 tỷ baht, giảm 31,9% về khối lượng và và 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thái Lan hiện xếp vị trí thứ ba sau Ấn Độ và Việt Nam. Trong nửa cuối năm 2020, Thái Lan dự kiến xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn. Theo các chuyên gia, Thái Lan nhiều khả năng sẽ bị tụt từ vị trí thứ ba xuống thứ năm trong danh sách các nhà xuất khẩu gạo toàn cầu trong thập niên tới nếu nước này không phát triển các chính sách dài hạn để tăng tính cạnh tranh cho mặt hàng gạo.

Ngoài ra, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ tạo ra động lực mới cho xuất khẩu nói chung và mặt hàng gạo của Việt Nam nói riêng vào những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. Cùng với Hiệp định CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt.

Làm gì để nâng chất cho gạo Việt Nam xuất khẩu?(VietQ.vn) - Bài học từ những loại gạo đã chinh phục thành công thị trường EU như gạo Campuchia, gạo Myanmar cho thấy, một trong những yếu tố tiên quyết để gạo Việt Nam chinh phục thị trường này là chất lượng.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang