Kỳ vọng sự bứt phá hút vốn ngoại của NCB

author 17:06 17/05/2019

(VietQ.vn) - Một trong các cách mà nhiều ngân hàng chọn để tăng vốn là sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài tại ngân hàng Việt, và NCB cũng không ngoại lệ.

Có thể thấy rõ, áp lực tăng vốn để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các ngân hàng trong năm 2019, vì Thông tư số 41 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài với những yêu cầu khắt khe hơn theo chuẩn Basel 2, sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020.

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn cao cấp của ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cho rằng, việc tăng vốn được hiểu là ngân hàng phải có vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với trước đây để đảm bảo quản trị rủi ro hiệu quả. Theo ông Hiếu, một khoản vay 100 đồng, nếu tính hệ số rủi ro là 100%, tỉ lệ an toàn vốn là 8% thì 100 đồng cho vay ra ngân hàng cần có 8 đồng vốn chủ sở hữu. "Nhưng với cách tính theo công thức mới, hệ số rủi ro sẽ tăng lên 200%, ngân hàng cho vay 100 đồng thì cần phải có 16 đồng vốn chủ sở hữu", ông Hiếu nói.

Hơn nữa, một trong những cách mà nhiều ngân hàng chọn để tăng vốn là có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam. Ngoài việc nâng cao khả năng tài chính, sự tham gia của nhà đầu tư ngoại cũng giúp các ngân hàng Việt Nam tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời khẳng định được tầm vóc, thương hiệu trên thị trường nội địa và quốc tế.

Không nằm ngoài các tiêu chí trên, Ban Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quốc dân xác định tìm kiếm nhà đầu tư làm cổ đông chiến lược của mình phải đảm bảo uy tín, có năng lực tài chính. Đồng thời, hỗ trợ NCB nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro, áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển sản phẩm các lĩnh vực khác phù hợp với chiến lược của ngân hàng.

Ông Vũ Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT NCB cho biết, NCB không lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài làm cổ đông chiến lược bằng mọi giá bởi việc này phải mang lại lợi ích lâu dài cho hai phía. "Lựa chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài là quá trình khá phức tạp, vừa phải tìm đối tác phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài, vừa tuân thủ những quy định luật pháp liên quan đến cổ đông chiến lược", ông Tiến chia sẻ.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 vào ngày 26/4/2019 vừa qua, các cổ đông chính thức thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ NCB lên trên 7.000 tỷ đồng trong năm 2019 và tiếp tục tăng lên trên 10.000 tỷ đồng cho giai đoạn tiếp theo đến 2020 thông qua các hình thức gồm phát hành cổ phiếu mới cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, phát hành cho cán bộ nhân viên và phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Qua lộ trình trên có thể thấy NCB đang kỳ vọng đạt được sự bứt phá khi hướng đến các đối tác nước ngoài nhằm tăng năng lực cổ đông và tiến lên nhóm ngân hàng có quy mô vốn tầm trung. 

Bước đi này có lẽ cũng đang nằm trong chiến lược kinh doanh của NCB khi tập trung mọi nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng; hiện đại hóa công nghệ thông tin; phát triển ngân hàng số (Digital Banking); mở rộng mạng lưới cũng như tăng cường quản trị rủi ro - quản trị điều hành trong thời gian gần đây.

Năm 2019, các dự báo khả quan về tình hình kinh tế, thị trường ngân hàng cùng một loạt các chính sách đang phát huy hiệu quả của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong xử lý nợ xấu, quản lý vĩ mô và tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục tái cấu trúc đã giúp các ngân hàng như NCB trở thành "điểm đến" hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức để nhà băng này có thể chuyển mình, bứt phá với các chiến lược kinh doanh và quản trị phù hợp trong thời gian tới.

Thanh Thảo

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:NCB

tin liên quan

video hot

Về đầu trang