Lấn sân lĩnh vực điện máy gia dụng, Tập đoàn Hòa Phát tham vọng gì?

author 20:46 24/09/2021

(VietQ.vn) - Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long quyết định lấn sân sang lĩnh vực mới với mảng điện máy gia dụng.

Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa thông qua nghị quyết về việc góp vốn thành lập Công ty CP Điện máy gia dụng Hòa Phát với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Theo đó, Hòa Phát sẽ góp 999 tỷ đồng tiền vốn, tương đương 99,9% vốn điều lệ doanh nghiệp mới.

Công ty CP Điện máy gia dụng Hòa Phát có trụ sở chính tại số 39 Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty con này là đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện máy, điện lạnh, điện gia dụng.

 Sản phẩm máy lạnh của Tập đoàn Hoà Phát. 

HĐQT Hòa Phát cũng ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên, Phó tổng giám đốc quản lý phần vốn góp của Hòa Phát tại Công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát.

Doanh nghiệp lập công ty con này để thực hiện quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh sản phẩm điện lạnh, điện gia dụng.

Trong năm 2020, tập đoàn đã tái cấu trúc phân thành 4 mảng hoạt động cho 4 Tổng công ty phụ trách gồm gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng), sản phẩm thép (ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực), nông nghiệp và bất động sản.

Trong nhóm công ty con cấp 2 thuộc Tổng công ty sản phẩm thép Hòa Phát cũng có công ty hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh là Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát. Đơn vị này thành lập 2001, chuyên sản xuất tủ lạnh, tủ đông, tủ mát thương hiệu Hòa Phát và Funiki. Điện lạnh Hòa Phát có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, 99,7% vốn thuộc sở hữu Tổng công ty sản phẩm thép Hòa Phát.

Trước đó không lâu, Hòa Phát đã ký hợp đồng chuyển nhượng 99,6% cổ phần tại Công ty Nội thất Hòa Phát cho Công ty CP Nội thất Eden Việt Nam. Giá trị chuyển nhượng là 896,4 tỷ đồng, trong khi giá trị ghi sổ của Công ty Nội thất Hòa Phát là 398,4 tỷ. Như vậy, “vua thép” đã ghi nhận khoảng 498 tỷ đồng tiền lãi từ thương vụ này.

Cũng trong thời gian qua, Hòa Phát đã tham gia thị trường sản xuất container với Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty con này có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất container của Hòa Phát sẽ có công suất 500.000 TEU/năm, trong đó, công suất giai đoạn 1 khoảng 180.000-200.000 TEU/năm, dự kiến ra sản phẩm vào đầu quý II/2022.

Trước đó, về việc Hòa Phát thoái vốn tại công ty nội thất, nhiều chuyên gia cho rằng mảng đầu tư này ngốn quá nhiều nhân sự và đóng góp vào tập đoàn không đáng kể. CTCP Nội thất Hòa Phát được thành lập năm 1995, hiện có hệ thống đại lý phân phối tại 63 tỉnh thành.

Trong bản cáo bạch năm 2007, nội thất vẫn là một trong những mảng chủ lực của Hòa Phát, mang về trên 17% tổng doanh thu và trên 13% tổng lợi nhuận. Tuy nhiên, khi doanh thu của Tập đoàn tăng tốc nhờ sự đóng góp của thép và bất động sản, vai trò của nội thất trở nên khiêm tốn hơn.

Báo cáo thường niên năm 2019 đánh giá nội thất là mảng ghi dấu ấn với dòng hàng gia đình, đồng thời liên tục dẫn đầu thị phần nội thất văn phòng với hàng loạt dự án lớn. Doanh thu mảng này đem lại khoảng 1.800 tỷ đồng trong năm 2019. Dù có sự ổn định và tỷ suất sinh lời cao, song nếu so với quy mô doanh thu gần 65.000 tỷ đồng của Hòa Phát, mảng nội thất chỉ còn chiếm chưa tới 3%.

Như vậy, việc tiêu tốn nguồn nhân lực lớn và đóng góp tỷ trọng không đáng kể có thể là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định thoái vốn mảng nội thất của ông Trần Đình Long và các cộng sự. 

Ngoài ra, lý do được đưa ra là ngành này mang tính chất thủ công, kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn của Tập đoàn. Thời điểm Hòa Phát thoái vốn, CTCP Nội thất Hòa Phát có khoảng hơn 2.000 nhân sự, 4 chi nhánh và hệ thống phân phối trên cả nước. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được công ty xuất khẩu đi các thị trường Châu Á, Trung Đông và Đông Âu…

Các sản phẩm chính của Nội thất Hòa Phát tập trung vào nội thất văn phòng, két bạc, bàn ghế ăn gia đình làm từ ống thép – inox, nội thất giáo dục và công trình công cộng… Nhìn chung đây là các sản phẩm có sử dụng một phần nguyên liệu sắt, thép vốn từ thế mạnh của Tập đoàn.

Trước Hoà Phát, có nhiều doanh nghiệp hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực điện máy gia dụng như Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh, Thế giới Di động... 

Cửa hàng đầu tiên của Nguyễn Kim được khai trương vào năm 1996 trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Đây là nơi đầu tiên ở TP.HCM kinh doanh sản phẩm điện tử, điện máy chính hãng theo mô hình bán lẻ hiện đại. Gần 20 năm sau đó, Nguyễn Kim tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong trên thị trường điện máy. Công ty mở mới nhiều trung tâm mua sắm, lập ra website bán lẻ điện máy đầu tiên ở Việt Nam. Cuối năm 2007, Nguyễn Kim mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội.

Thời điểm 2010, theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường Nielsen, 99% người tiêu dùng bình chọn Nguyễn Kim là nhà bán lẻ hàng điện máy tiêu dùng số 1 tại Việt Nam. Năm 2013, doanh thu của Nguyễn Kim đạt 8.400 tỷ đồng và tăng lên 9.000 tỷ vào 2014. Giai đoạn 2015-2016 doanh thu của công ty ổn định ở mức 9.500 tỷ đồng.

Năm 2015, khi bán 49% cổ phần cho Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group, Nguyễn Kim có 21 siêu thị điện máy trên cả nước và vẫn dẫn đầu thị trường về thị phần. Thời điểm đó, Nguyễn Kim chiếm 12% thị phần điện máy chính hãng tại Việt Nam, xếp trên Điện Máy Xanh (8%) và Điện Máy Chợ Lớn (7,5%).

Mặc dù là đơn vị tiên phong nhưng Nguyễn Kim lại hụt hơi khi Thế giới Di động nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh điện máy với thương hiệu mới Điện Máy Xanh được chuyển đổi từ Dienmay.com.

Năm 2016, Điện Máy Xanh tăng tốc độ mở cửa hàng và có 250 siêu thị, vươn lên dẫn đầu thị trường bán lẻ điện máy chính hãng với 16% thị phần. Năm 2017, thị phần của Điện Máy Xanh tiếp tục tăng mạnh lên 30% trong khi tổng thị phần bán lẻ của các chuỗi khác cũng là 30%.

Hiện tại, chuỗi bán lẻ điện máy của Thế giới Di động đã vượt 1.000 cửa hàng và chiếm 38% thị phần sau 9 năm ra đời. Trong khi đó, Nguyễn Kim có 70 siêu thị sau 24 năm hoạt động.

Với kênh bán hàng online, Nguyễn Kim cũng tỏ ra lép vế khi có số lượt truy cập website trung bình mỗi tháng đạt hơn 3 triệu theo báo cáo của iPrice. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh có lượng truy cập website ổn định 9-10 triệu lượt/tháng.

Năm 2019, Nguyễn Kim hợp tác với FPTShop để khai thác thêm kênh bán hàng thương mại điện tử nhưng đã dừng việc thử nghiệm sau vài tháng.

Trong bản công bố thông tin về thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi điện máy Nguyễn Kim, Central Retail của Thái Lan cho biết trong quý III/2019, công ty mẹ NKT của Nguyễn Kim đóng góp gần 3.300 tỷ đồng doanh thu cho tập đoàn. Nếu kết quả dinh koanh giữa các quý không chênh lệch lớn, ước tính doanh thu của Nguyễn Kim đạt trên 13.000 tỷ đồng năm 2019. Con số này bằng khoảng 22% doanh thu 58.000 tỷ đồng của Điện Máy Xanh.

Các chuỗi bán lẻ điện máy đang gặp thách thức khi thị trường hàng điện tử đã bắt đầu đi xuống với tổng doanh thu năm 2019 là 45.500 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ 2018, theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường GfK. Điểm sáng với các ông lớn là ngành hàng điện lạnh năm qua tăng trưởng 3%, đạt quy mô 39.700 tỷ đồng.

Sau khi hệ thống VinPro của Vingroup giải thể cuối 2019, Nguyễn Kim và Điện Máy Chợ Lớn là hai chuỗi bán lẻ còn lại cạnh tranh cùng Điện Máy Xanh tại khu vực miền nam. Trong khi đó, thị trường phía Bắc phân mảnh hơn với một số nhà bán lẻ khác như MediaMart, Pico, HC.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang