Lãnh đạo HN trăn trở trước cảnh công an giằng co đồ với bà bán trà đá

author 06:50 12/01/2015

(VietQ.vn) – “Khi xảy ra những việc như thế thì cấp trên cũng phê bình. Bởi nguyên tắc là nếu người ta có vi phạm thì anh cũng phải lịch sự, nhã nhặn. Thế nhưng…”

Không chỉ Hà Nội mà tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, chúng ta hay gặp cảnh công an, dân phòng đang giằng co chiếc bàn, chiếc ghế, mớ rau… với những người bán hàng không đúng nơi quy định. Cơ quan chức năng có nhiệm vụ phải xử lí để chỉnh trang đô thị, tuy nhiên, những người nằm trong diện bị xua đuổi thường là có hoàn cảnh khó khăn. Chính bởi vậy, khi gặp những tình huống này, hầu hết ai cũng cho rằng việc làm đó của lực lượng chức năng là rất phản cảm.

dân phòng thu đồ người vi phạm

Mới đây xuất hiện hình ảnh dân phòng đang giằng chiếc mẹt của người bán cá gây nên nhiều bất bình trong dư luận

Chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam, ông Phan Đăng Long - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng nhận định “hành động đó là không hay nhưng lực lượng chức năng cũng có nhiều cái khó!”.

Theo ông Long, tại các thành phố lớn, thực trạng người bán hàng rong, bán hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ảnh hướng xấu đến mỹ quan đường phố. Những người này chủ yếu là bán hàng tùy tiện, trái phép. Trong khi đó, nhiệm vụ của công an, dân phòng và lực lượng trật tự đô thị là phải xử lí, không để hoạt động trên diễn ra.

“Do bán hàng trái phép nên khi thấy lực lượng chức năng đến, họ bỏ chạy. Lực lượng chức năng không biết làm thế nào nên phải dùng biện pháp thu giữ các phương tiện hành nghề. Người bán hàng tiếc của nên cố gắng co kéo lại đồ của mình, nó tạo nên hình ảnh rất phản cảm”, ông Long nêu rõ.

ông phan đăng long

Ông Phan Đăng Long thừa nhận, thực trạng trên quả thực rất nan giải. Ảnh Viết Cường

Cũng theo vị phó Ban Tuyên giáo, những người phải đi bán hàng rong, bán trà đá vỉa hè,… thường là có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy mà hình ảnh công an, dân phòng co kéo đồ đạc với họ rất dễ làm động lòng trắc ẩn của người đi đường.

“Nhìn cảnh đó, ai cũng nghĩ rằng nên thông cảm cho người ta, vì họ nghèo, vì mưu sinh nên mới phải làm như thế. Và người dân sẽ cho rằng, hành động của lực lượng chức năng như vậy có phần bất nhẫn”, ông Long nói.

Ông Long khẳng định, công an Hà Nội không hề có chủ trương để cán bộ co kéo với người vi phạm. Và tại Hà Nội bây giờ cũng hiếm khi thấy công an làm thế. Tuy nhiên, có một lực lượng khác là dân phòng thì đôi khi có cách hành xử không chuẩn, tạo nên hình ảnh phản cảm trong mắt người dân.

“Khi xảy ra những việc như thế thì cấp trên cũng phê bình. Bởi nguyên tắc là nếu người ta có vi phạm thì anh cũng phải lịch sự, nhã nhặn. Thế nhưng, lực lượng chức năng đa phần rất khó tiếp cận được với những người này vì họ nay ở chỗ này, mai lại ra chỗ khác và cứ thấy công an đến là họ chạy, công an đi rồi họ lại bày ra như cũ”, ông Long trăn trở.

Chung quy lại, ông Long thừa nhận thực trạng trên là rất khó xử lí. Vì một bên là áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu không sẽ bị cấp trên phê bình, còn một bên là vì mưu sinh nên chấp nhận vi phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Long cho biết, Hà Nội giao cho cán bộ các khu vực phải thường xuyên tuyên truyền, vận động cho các hộ gia đình trên địa bàn chấp hành quy định của pháp luật, thực hiện tiêu chí gia đình văn hóa. Nhiều hộ cũng đã làm tốt, cam kết không vi phạm.

Tuy nhiên, có một thực tế khác khó khăn là những người đi bán hàng rong, bán trà đá vỉa hè thường ở các tỉnh, thành khác lên. Những người này thường đi ở trọ do đó rất khó quản lý, cơ quan chức năng cũng không rõ họ ở đâu để đến vận động, tuyên truyền.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang