Lịch sử trong mắt ai: Ông già lập Facebook truyền lửa lịch sử

author 07:53 06/05/2014

(VietQ.vn) - 74 tuổi, PGS. TS Nguyễn Đức Bách, Nguyên phó viện trưởng Viện CNXHKH (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), vẫn lập Facebook, để truyền lửa đến thế hệ trẻ, những ai quan tâm và mong muốn tìm hiểu lịch sử.

Gia đình PGS. TS. Nguyễn Đức Bách có 12 anh chị em, thì  8 người tham gia kháng chiến chống  thực dân Pháp. Bản thân ông cũng đã trải qua những giai đoạn lịch sử mà người dân Việt Nam sẵn sàng mang cả chiếc xe đạp – tài sản có giá trị nhất trong nhà đi làm xe thồ Điện Biên Phủ; hay thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khi “Xe chưa qua, nhà không tiếc” – người dân sẵn sàng dỡ nhà lót đường cho xe tải ra chiến trường

PGS. TS Nguyễn Đức Bách, Nguyên phó viện trưởng Viện CNXHKH

Thưa PGS, với ông, lịch sử là gì?

Với tôi, lịch sử là cái đã diễn ra khách quan trên thực tế của nhân loại...  Riêng về lịch sử (trong đó có lịch sử chính trị) được ghi chép lại đúng như những gì đã diễn ra, gọi là Thông sử. Ngoài ra, còn có phân tích lịch sử, dựa vào nhận thức, nhãn quan chính trị của con người về lịch sử. Việc chúng tôi đã và đang làm là giúp cho thế hệ trẻ phân biệt được 2 điều này. Để biết, có những cái là sự thật lịch sử trong những điều kiện lịch sử cụ thể mà cứ công bố hết ngay, có khi còn có hại cho xã hội.

Vậy theo ông, như thế nào là một cách tiếp cận Lịch sử đúng đắn?

Trước hết, tôi mong muốn thanh niên đọc được Thông sử, vì không có thông sử thì không có tư liệu nào để căn cứ  mà phân tích, đánh giá cả.

Lịch sử - sự thật thì chỉ có một, nhưng đánh giá, sử dụng sự thật ấy như thế nào là do nhãn quan của mỗi con người khác nhau. Ở tầm vĩ mô, là mỗi giai cấp khác nhau với những tổ chức chính trị, đại diện nhãn quan của giai cấp đó.

Nhãn quan chính trị lại phụ thuộc lợi ích. Vì thế nhãn quan “phân tích” và vận dụng lịch sử của công – nông cũng khác của tư sản. Như vậy, cùng là một sự thật Thông sử, nhưng nhìn dưới “nhãn quan chính trị” - ý thức hệ khác nhau thì lịch sử sẽ được phân tích, đánh giá, vận dụng khác nhau… Vậy, học – đọc – nghe lịch sử phải xác định lịch sử đó của ai, do ai, vì ai?

Ông thấy việc nhìn nhận lịch sử mà không xác định được nhãn quan chính trị có thể đem lại sai lầm như thế nào?

Nhãn quan chính trị của Chủ nghĩa Mác – Lê nin mà Bác Hồ tiếp thu và đưa về nước là nhãn quan chính trị bảo vệ đại đa số người lao động, chủ yếu là công nông và tri thức. Nếu thế hệ trẻ không hiểu điều đó, nay mở rộng hội nhập, đa phương tiện thông tin… lại bị thiên lệch về nhãn quan chính trị của tư sản phương Tây thì tự nhiên sẽ đối lập với thế hệ trước, phủ nhận thành quả của thế hệ đã đi qua Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ.

Một bộ phận bạn trẻ cho rằng thế hệ trước là dại dột: “Tại sao Việt Nam lại thích đánh nhau? Nếu Bác Hồ thỏa hiệp với Pháp, Mỹ… thì tốt quá, không phải đánh nhau để có thời gian phát triển”. Thực ra điều này cũng do một số bạn chịu ảnh hưởng từ tuyên truyền của Phương Tây trên thông tin đại chúng, kể cả của một số nhỏ nhà khoa học nước ta…, không phân tích lịch sử một cách khách quan, khoa học, cũng như thiếu tìm hiểu các dữ liệu lịch sử.

Trước Bác Hồ và Đảng ta, dân tộc ta đã có hàng ngàn năm chống xâm lược, có cả trăm năm chống thực dân Pháp. Vả lại, không có dân tộc nào, kể cả dân tộc Pháp, Mỹ lại chịu để bị xâm lược, đô hộ cả. Dân tộc nào quên đi lịch sử có tính quy luật phổ biến toàn cầu ấy và các bài học về lịch sử thì sẽ không tồn tại và phát triển độc lập được. Năm 1946, Pháp khiêu khích, giết hại đồng bào sau khi trở lại Việt Nam, Bác Hồ đã cố nén hận thù mà kí “Hiệp định sơ bộ”, rồi “Tạm ước” với thực dân Pháp. Lập trường của Đảng và Bác Hồ khi ký “Hiệp định Geneve” (sau trận Điện Biên Phủ đại thắng) là sẽ tổng tuyển cử tự do, thống nhất Tổ quốc vào năm 1956. Vậy Bác Hồ và Đảng ta, dân tộc ta có “thích đánh nhau” hay không?

Động lực nào khiến ông lập tài khoản Facebook chỉ để nói về lịch sử và chính trị với các bạn trẻ?

Vì tôi thấy rằng nhiều người, kể cả  một số nhà khoa học, đã không phân biệt được Lịch sử và Phân tích lịch sử khác nhau như thế nào; hoặc còn hiểu chưa đúng, mặc cảm đối với chính trị…

Facebook là nơi các bạn trẻ biểu hiện cảm xúc, giao lưu vui buồn…với khắp thế giới mạng. Tôi năm nay 74 tuổi, lập tài khoản Facebook để tham gia trao đổi về những vấn đề lịch sử và chính trị, chia sẻ thông tin với các bạn trẻ, tưởng mình sẽ lạc lõng... Không ngờ, chính các bạn trẻ lại thường xuyên trao đổi, tranh luận về lịch sử và chính trị với nhau và với tôi. Tôi mới “lên Facebook” hơn 1 năm mà đã khoảng 1000 người kết bạn, chủ yếu là các bạn còn trẻ, thậm chí rất trẻ! Đó cũng là một “kênh thông tin” rất rộng rãi có thể góp phần tạo thêm hiểu biết, niềm tin của thế hệ trẻ với lịch sử dân tộc, lịch sử chế độ ta, trong đó có chế độ chính trị. Bác Hồ đã nói: “Bồi dưỡng thế hệ Cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Qua quá trình trao đổi, ông đánh giá đâu là điểm yếu của các bạn trẻ khi tiếp cận với Lịch sử?

Tôi cho rằng các bạn rất có ý thức và nhu cầu hiểu biết. Nhưng cái yếu nhất của không ít bạn trẻ là do mất lòng tin, do hời hợt với kiến thức, cho nên nền tảng tri thức còn mỏng; thêm nữa là bệnh chủ quan, thậm chí… chưa gì đã bảo thủ về kiến thức của bản thân. Nhất là khi có cái bằng đại học rồi, cho mình là trí thức trẻ rồi, tức làm mình… biết mọi thứ! Trí thức, nói chung, cần hiểu rằng: mình giỏi một chuyên ngành đã là may cho mình và cho xã hội rồi! Tôi thấy một cách khách quan rằng: nhiều khi, trí thức còn bảo thủ hơn nông dân.

Ngược lại, vì chủ quan, nhiều bạn cho rằng mình cấp tiến, khi tiếp thu những tri thức “rất mới” về hình thức diễn đạt, mà không biết rằng nó rất cũ về bản chất; trong đó có nhiều cái sai lệch nguy hại nhưng thường lại hấp dẫn gây hiếu kỳ…

Và một phần đáng kể các bạn trẻ đã nhận xét rằng: không ít thầy cô giáo dạy sử và các môn chính trị… rất “sách vở dài dòng”, khô khan, áp đặt, không thuyết phục được thế hệ trẻ. Đặc biệt là nhiều giáo viên trẻ, vì họ thiếu vốn kiến thức và nghiệp vụ, xa rời thực tiễn... Tôi rất mong thế hệ kế cận chúng tôi, đặc biệt là các thầy cô giáo trẻ, hãy tích lũy tri thức có chọn lọc đúng đắn, trước hết là cho bản thân, đặc biệt là về chuyên ngành của mình... để có niềm tin, tự trọng thì mới có thể truyền thụ tri thức và nhiệt tâm cho học trò của mình; mới có thể thực sự yêu nghề và phát triển bền vững, để sống ngày càng khá giả  hơn cả về vật chất lẫn tinh thần bằng chính nghề của mình…

Hà Phương (thực hiện)

 

Kỳ cuối: "Lịch sử trong mắt ai: Khi dân mạng "chém gió" lịch sử"

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang