Liên kết để tiêu thụ nông sản thực phẩm

author 06:34 13/07/2013

(VietQ.vn) - Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội phân theo ngành kinh doanh thì thương mại bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn. Mạng lưới bán lẻ hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu gồm các loại hình truyền thống như chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị.

Mới đây tại Hà Nội, Sở Công Thương Thái Bình đã tổ chức đoàn tham dự Hội nghị liên kết xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản thực phẩm của Thái Bình vào thị trường Hà Nội.

Trưởng phòng Quản lý thương mại – Sở Công Thương Hà Nội Hồ Quốc Khánh cho  biết, tổng mức lưu chuyển bán buôn bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2012 của Hà Nội đạt 1.435.850 tỷ đồng tăng 18,8% so với năm 2011. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội phân theo ngành kinh doanh thì thương mại bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn. Mạng lưới bán lẻ hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu gồm các loại hình truyền thống như chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 20 trung tâm thương mại, 123 siêu thị và 369 chợ.

Tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội rất lớn, nhu cầu của người dân về sản phẩm gạo tẻ là 65.000 tấn/tháng (780.000 tấn/năm), thịt lợn là 10.000 tấn/tháng (120.000 tấn/năm); thịt gà, thực phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm khoảng 7.500 tấn/tháng (90.000 tấn/năm); rau củ quả tươi nhu cầu tiêu dùng khoảng 75.000 tấn/tháng, sản lượng rau, củ quả tươi thành phố sản xuất được 50%, nhu cầu còn lại được cung ứng từ các tỉnh và nhập khẩu. Đây là thị trường lớn, tiềm năng đối với các tỉnh thành trong đó có Thái Bình.

Thái Bình sẽ cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường Hà nội.
Thái Bình sẽ cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường Hà nội.

Tuy nhiên, để đưa được nông sản thực phẩm vào các đầu mối tiêu thụ thì một trong những điều kiện là nông sản từ các địa phương phải có xác nhận của các cơ quan có thầm quyền và đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP, bao bì đóng gói phải đảm bảo chất lượng khi đưa đến tay người tiêu dùng. Đối với thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy kiểm dịch hợp lệ của cơ quan thú y khi vận chuyển thực phẩm vào Hà Nội.

Hội nghị đã nghe một số chủ trang trại trực tiếp giới thiệu về quy mô, sản lượng, chất lượng sản phẩm lợn thịt, gà, ngao và thanh long ruột tím có thể cung ứng vào thị trường Hà Nội.

Trao đổi tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty thương mại Hapro, Công ty CP Nhất Nam, Công ty CP Intimex, Công ty TNHH phát triển Thành Đồng II… cho biết số lượng tiêu thụ nông sản, thực phẩm thành phẩm thông qua hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị ra thị trường là rất lớn, đặc biệt là thịt lợn, thịt gà và trứng. Các doanh nghiệp đánh giá cao quy trình chăn nuôi của các chủ trang trại Thái Bình, các trang trại được đầu tư quy mô lớn, chăn nuôi khép kín, kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị của công ty. Tuy nhiên, các siêu thị không thu mua sản phẩm vật nuôi mà bắt buộc phải qua sơ chế, do đó Thái Bình cần nghiên cứu thành lập nhà máy giết mổ hoặc liên kết với các công ty giết mổ để chế biến sản phẩm trước khi đưa vào tiêu thụ trong hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị.

Riêng với sản phẩm thanh long ruột tím và ngao là hai sản phẩm tươi, sống, các doanh nghiệp sẽ khảo sát thực tế và liên hệ trực tiếp để thu mua từ các chủ trang trại của tỉnh Thái Bình

Đại diện các công ty giết mổ của Hà Nội, ban quản lý các chợ đầu mối cho biết sẽ phối hợp với các trung tâm thương mại, siêu thị, và sẵn sàng là nơi chung chuyển, chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm vật nuôi của tỉnh trước khi tiêu thụ vào thị trường Hà Nội.

Ông Quách Thước – Chủ tịch Hiệp hội gia cầm và trang trại nông nghiệp Thái Bình sau khi lắng nghe những ý kiến phản hồi, đề xuất, yêu cầu của đại diện các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối của Hà Nội trong khâu tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh vào thị trường Hà Nội. Với sức tiêu thụ trên thì Thái Bình đảm bảo đủ số lượng để cung ứng. Ngoài ra, để tiêu thụ sản phẩm vào các thị trường lớn với chiến lược lâu dài, ổn định thì Hiệp hội đã triển khai tới các hội viên phải áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi an toàn (Viet GAHP) do Bộ NN&PTNT quy định.

Các sản phẩm sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và được sơ chế qua nhà máy chế biến do Hiệp hội thành lập trước khi cung ứng cho các trung tâm thương mại, siêu thị của Hà Nội nói riêng và của các tỉnh thành trong cả nước nói chung, không phải qua khâu trung gian. Như vậy sẽ giảm chi phí, đảm bảo giá thành mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. 

Cũng tại Hội nghị, ông Lê Văn Thăng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cho biết Thái Bình là tỉnh có tiềm năng về phát triển nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm nông sản thực phẩm của tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Do đó, qua Hội nghị này, đồng chí mong muốn các cấp ngành tạo điều kiện, chắp mối cho các doanh nghiệp, các trung tâm thương mại, siêu thị của Hà Nội với các chủ trang trại chăn nuôi của tỉnh để trao đổi thông tin, tìm hiểu, khảo sát thực tế từ đó cùng thỏa thuận hợp tác để đưa sản phẩm nông sản thực phẩm của Thái Bình vào tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, đảm bảo ổn định đầu ra, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế.

Duy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang