Liên minh châu Âu chuẩn bị thanh tra dư lượng thủy sản nuôi và mật ong của Việt Nam

author 18:39 12/08/2024

(VietQ.vn) - Từ ngày 24/9 đến 17/10, đoàn kiểm tra của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành thanh tra thủy sản nuôi và mật ong của Việt Nam, với mục đích nhằm đánh giá hoạt động, kiểm soát dư lượng sản phẩm của Việt Nam được phép xuất khẩu sang EU (thủy sản nuôi và mật ong).

Mới đây, Cơ quan thực thi các chính sách của Liên minh châu Âu (EU) về an toàn sức khỏe và thực phẩm (DG-SANTE) đã thông báo chính thức về lịch thanh tra chương trình dư lượng tại Việt Nam (thủy sản nuôi và mật ong) từ ngày 24/9 - 17/10/2024, theo hình thức "hybrid" (bao gồm đánh giá từ xa và đánh giá thực địa).

Mục đích thanh tra nhằm đánh giá hoạt động chương trình kiểm soát dư lượng của Việt Nam đối với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang EU (thủy sản nuôi và mật ong); thẩm tra độ tin cậy về việc Việt Nam bảo đảm hàng hóa nêu trên xuất khẩu vào EU không chứa dư lượng theo quy định của EU; thẩm tra Việt Nam có tiếp tục đáp ứng các yêu cầu tại các quy định của EU về kế hoạch kiểm soát dư lượng theo quy định của EU.

Theo đại diện Phòng An toàn thực phẩm, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Liên minh châu Âu là một trong các thị trường tiêu thụ thủy sản chủ lực của Việt Nam. Kết quả thanh tra tiêu cực sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động chế biến xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp và ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

EU có phương pháp tiếp cận theo hướng kiểm tra, công nhận hệ thống. Do vậy, kết quả thanh tra không chỉ ảnh hưởng đến các đơn vị, các cơ sở liên quan mà ảnh hưởng đến toàn ngành thủy sản Việt Nam.

Kết quả thanh tra tiêu cực có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản không những sản thị trường EU mà sang cả các thị trường khác. Vì vậy, việc giữ vững uy tín, chất lượng thủy sản của Việt Nam tại thị trường EU là tiền đề quan trọng để các thị trường khác chấp thuận và mở cửa đối với thủy sản Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc giữ vững tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, EU là thị trường lớn và có giá trị tham chiếu với nhiều thị trường khác, nên kết quả thanh tra sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu của hai ngành hàng này của nước ta. Các địa phương, doanh nghiệp, vùng nuôi trồng cần chuẩn bị tốt hồ sơ và giám sát chặt chẽ vùng nuôi để đảm bảo chất lượng. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Thủy sản,... đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp, phương án để cơ quan các cấp, các địa phương, doanh nghiệp, vùng nuôi trồng thủy sản chuẩn bị tốt các hồ sơ, tài liệu, giải pháp khắc phục cảnh báo cho Đoàn thanh tra Liên minh châu Âu sang thanh tra, kiểm tra.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận định, việc khắc phục những cảnh báo của EU đối với nuôi thủy sản là rất khó nhưng vẫn phải nỗ lực để khắc phục, tháo gỡ nếu không sẽ đánh mất thị trường. Để làm được điều này, ông Tiệp cho rằng, vai trò của địa phương, doanh nghiệp, người dân và người dân rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, trong Luật An toàn thực phẩm, trách nhiệm sử dụng nguyên liệu để chế biến thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không kiểm soát được là do doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể đổ lỗi do người dân. Doanh nghiệp mua nguyên liệu của người dân phải có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ để người dân cung ứng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Như Tiệp lưu ý tất cả doanh nghiệp (đặc biệt là những doanh nghiệp có lô hàng cảnh báo) phải có hồ sơ kiểm soát môi trường, hồ sơ kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh tại doanh nghiệp, hồ sơ khắc phục cảnh báo. Các hồ sơ này phải khớp với hồ sơ tại cơ quan địa phương, cơ quan trung ương (hồ sơ điều tra phát hiện, hồ sơ điều tra xác định nguyên nhân, hồ sơ khắc phục). Đối với các doanh nghiệp đã có lô hàng cảnh báo, nếu không có đủ hồ sơ sẽ không được xuất khẩu trở lại hoặc bị áp dụng biện pháp tăng cường. Dù có những quy định mới gây khó khăn nhưng đã xuất khẩu sang thị trường nào thì phải đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường đó.

Về phía nhà nước, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin định hướng triển khai đến các đơn vị, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị tốt để chuẩn bị đón Đoàn thanh tra EU. Đề nghị các địa phương, doanh nghiệp khi tiếp nhận các văn bản cập nhật thông tin định hướng triển khai kế hoạch nên đọc kỹ và làm theo yêu cầu hướng dẫn, nhằm tránh xảy ra sự cố khi Đoàn thanh tra EU sang kiểm tra.

Theo Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn (RASFF) của DG-SANTE, các lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng hóa chất, kháng sinh đang tăng nhanh ở mức nghiêm trọng. Tỷ lệ mẫu vi phạm trong chương trình giám sát dư lượng vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm, không được phép sử dụng vẫn được phát hiện sử dụng trên thủy sản.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang