Liên tiếp xử lý vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc

author 06:39 28/12/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai vừa liên tiếp xử lý 2 vụ việc lớn về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của Cục QLTT tỉnh Lào Cai cho biết, mới đây Đội QLTT số 5- Cục QLTT tỉnh Lào Cai đã liên tiếp phát hiện xử lý 02 vụ việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, Đội QLTT số 5 – Cục QLTT tỉnh Lào Cai phối hợp với Đội kiểm soát liên ngành chống buôn lậu tỉnh Lào Cai (Đội liên ngành 389 tỉnh Lào Cai) tiến hành kiểm tra tại khu vực đường Thủ Dầu Một – Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai phát hiện lô hàng gồm 61 thùng cát tông, bên trong chứa 1.368 hộp bánh.

Qua đấu tranh, lực lượng chức năng đã xác định chủ lô hàng là ông Nguyễn Tuấn Minh, sinh năm 1991, trú tại tổ 5, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc tại Lào Cai. Ảnh: Cục QLTT Lào Cai 

Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Tuấn Minh không xuất trình được hóa đơn chứng từ và các giấy tờ liên quan đến hàng hóa. Đội QLTT số 5 đã lập hồ sơ vụ việc, tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó Đội QLTT số 5 – Cục QLTT tỉnh Lào Cai phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03)- Công an tỉnh Lào Cai tiến hành kiểm tra tại khu vực Bến xe trung tâm, phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, phát hiện lô hàng gồm 04 bao tải, bên trong chứa 280 kg củ Tam Thất khô.

Theo đó chủ lô hàng là bà Vũ Thị Ngọc, sinh năm 1992, trú tại Tổ 2, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, bà Vũ Thị Ngọc không xuất trình được hóa đơn chứng từ và các giấy tờ liên quan đến hàng hóa. Đội QLTT số 5 đã lập hồ sơ vụ việc, tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa trị giá khoảng hơn 400 triệu đồng.

Tương tự, trong công tác phòng chống hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên cũng đã thu giữ và tiêu hủy lượng lớn sản phẩm động vật.

Cụ thể, phối hợp liên ngành gồm Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Hưng Yên và Đội 3, Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường liên tiếp phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 02 vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn huyện Văn Lâm với tổng số tiền xử phạt là 20.000.000 đồng và buộc tiêu huỷ 1.710 kg sản phẩm động vật

Theo đó tại địa phận xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên xe ô tô mang BKS 89C-03577 do bà Vũ Thị Thắm làm chủ phương tiện, có vận chuyển 610 kg mỡ lợn không rõ nguồn gốc và bà Thắm không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hàng hoá. Tiếp đó, Tổ công tác liên ngành tiếp tục phát hiện 01 xe ô tô BKS 89C-01492 do ông Trần Việt Trung làm chủ phương tiện đang vận chuyển 1.100 kg lòng lợn không rõ nguồn gốc, không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hàng hoá tại xã Chỉ Đạo - huyện Văn Lâm.

Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Vũ Thị Thắm số tiền 10.000.000 đồng; đối với ông Trần Việt Trung số tiền 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Dưới sự giám sát của các lực lượng chức năng, toàn bộ số tang vật vi phạm trên được tiêu hủy tại Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp và môi trường Việt Nam địa chỉ tại Tân Quang - Văn Lâm - Hưng Yên để đảm bảo an toàn môi trường theo quy định của pháp luật.

Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi; mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật

Người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên:

- Nhãn, bao bì, tài liệu kèm theo hàng hóa;

- Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan;

- Giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Cá nhân thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang