Lộ diện 200 người giàu nhất thế giới năm 2012 (Kỳ 3)

author 15:27 04/11/2012

(VietQ.vn) - Từ người bán soda nghèo khó năm xưa Zong Qinghou (Tống Khánh Hậu) đã xây dưng lên đế chế đồ uống Hangzhou Wahaha Group Co. Tính đến ngày 5/10, với khối tài sản là 20,1 tỷ đô la Mỹ, ông Tống được Bloomberg xếp hạng là người giàu nhất Trung Quốc.

Sự kiện: Chân dung người giàu nhất Việt Nam

Từ bán soda thành người giàu nhất Trung Quốc (Kỳ 3)

25 năm trước, ông thuộc dạng nghèo "rớt mồng tơi" và xoay xở kiếm sống bằng cách bán nước ngọt, kem que ở các cổng trường. Thời gian đó, ông kiếm được khoảng 8 USD một tháng, thấp hơn cả mức lương của một phần ba dân số Trung Quốc. Thường xuyên cháy túi đến nỗi có lần ông phải ngủ bờ ngủ bụi vì không có tiền thuê nhà trọ.

Thế nhưng ngày nay khi đã 67 tuổi, ông Tống đã thành doanh nhân thành đạt, ông trùm ngành nước giải khát và là người giàu nhất tại Trung Quốc đại lục. Tính đến tháng 10 này, tài sản của ông được Bloomberg định giá ở 20,1 tỷ USD, giàu thứ 30 thế giới.

Sinh năm 1945, thời trẻ của Tống Khánh Hậu trôi qua chủ yếu trên cánh đồng và không có nổi tấm bằng trung học. "Trong một thời gian dài, tôi thường xuyên thiếu tiền mua cái ăn thứ mặc. Có thể nói tôi đã từ dưới đáy xã hội ngoi lên", ông Tống kể về thời trẻ của mình.

Từng chứng kiến Cuộc Cách mạng Văn hóa dưới Mao Trạch Đông và dành nhiều thời gian nghiền ngẫm những quyển sách dạy cách cam chịu vượt qua khủng hoảng. Đến khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và đẩy mạnh kinh tế thị trường, Tống Khánh Hậu cho rằng đã đến lúc làm giàu. Năm 1987, ông vay 22.000 USD từ họ hàng và cùng hai cộng sự mở một cửa hàng rau quả. Đây là bước khởi đầu của ông chủ họ Tống để thành lập công ty Wahaha, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đồ uống sau này. Trong năm đầu tiên, ông thu về khoản lợi nhuận 15.991 USD, gấp 50 lần thu nhập bình quân đầu người thời gian đó.

Việc kinh doanh của ông ngày càng phát đạt trong hai thập kỷ rưỡi tiếp theo, vào thời kỳ Trung Quốc tăng trưởng phi mã với tốc độ GDP mở rộng trên 10% mỗi năm. Công ty Wahaha của ông đã thu hút lượng khách lớn nhờ việc tầng lớp nghèo ngày càng khấm khá.

Năm ngoái, Wahaha có doanh thu 11 tỷ USD, chiếm thị phần thứ 3 về đồ uống tại Trung Quốc, đứng sau Coca-Cola và thương hiệu Tingyi của Hong Kong. Zong dự đoán lợi nhuận sẽ còn tăng trưởng 60% trong năm nay. Hiện Zong, vợ và con gái nắm giữ 80% cổ phần của công ty.

Giờ đây khi làm chủ tịch của tập đoàn nước giải khát Wahaha, Zong vẫn duy trì phong cách đạm bạc và nhất quán. Ông thường ngủ nghỉ tại trụ sở chính của công ty đặt tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Triết Giang. Mỗi buổi trưa, ông xuống căng tin dưới tầng một để dùng bữa, chọn món ăn như các công nhân của mình.

Người đi đường nếu không biết mặt ông Tống thường không liếc ông đến lần thứ 2 vì tỷ phú giàu nhất Trung Quốc chẳng có gì nổi bật. Không bao giờ có vệ sĩ, ông thường ra ngoài với một chiếc áo khoác màu tối, đi giày da trơn, tất cả đều là hàng nội địa. Ông Tống chỉ mua giày mới khi ai đó nhắc rằng giày mình đã cũ. Thứ xa xỉ nhất trên người vị doanh nhân này là chiếc đồng hồ Vacheron Constantin giá 48.000 USD, ông mua để thay chiếc Rolex cũ. "Nhiều người bảo tôi rằng Rolex chỉ dành cho nhà giàu mới nổi", ông cười cho biết.

Chia sẻ với tờ Bloomberg ông nói: khi còn nghèo, tôi luôn phải tìm cách vươn lên. Những kinh nghiệm đó giờ đây vẫn còn giúp ích tôi rất nhiều.

Tỷ phú Trung Quốc vẫn giữ thói quen giản dị dù ông rất giàu có.

Từ lâu, ai cũng biết ông chủ Tống là một người nghiện công việc với giai thoại bất cứ mua sắm thứ gì cho văn phòng, kể cả mua một cây chổi, đều phải trình ông duyệt. Cho đến bây giờ, trở thành “đệ nhất đại gia”, ông chủ Tống cũng vẫn còn duyệt ký các khoản mua sắm quan trọng.

Chuyện tiêu xài của ông chủ Tống cũng trở thành một giai thoại trong công ty và trong giới doanh nghiệp. Ông phát biểu trên đài BBC: “Công việc duy nhất của tôi là nghiên cứu thị trường. Thú vui duy nhất của tôi là hút thuốc lá và uống trà Lipton”. Mỗi ngày, ông chỉ xài 20 USD, theo lời ông nói với Nick Rosen.

Hầu như các đại gia Trung Quốc đều làm từ thiện như một phong trào, ngoại trừ đại gia họ Tống này. Ông chưa bao giờ cho tiền làm từ thiện bởi quan niệm của ông về việc làm từ thiện không giống ai.

Theo ông, người nghèo cần làm việc cật lực vì đó là chìa khóa vượt qua số phận của chính mình. Nếu cho tiền người nghèo, họ chỉ biết tiêu xài cho đến hết.

Trong chuyện làm ăn, ông chứng tỏ người Trung Quốc có thể liên doanh với nước ngoài thành công. Ông chọn Tập đoàn Danone, một đại gia trong ngành thực phẩm quốc tế của Pháp, làm đối tác và năm 1996 thành lập 5 nhà máy liên doanh do ông làm chủ tịch với số vốn đầu tư lên đến 70 triệu USD mà Danone nắm tới 51% cổ phần.

Chín năm sau, khi số nhà máy liên doanh lên đến 39 thì Danone tố cáo Wahaha “bí mật sản xuất sản phẩm giống sản phẩm của liên doanh và bòn rút 100 triệu USD của liên doanh”. Ngày 5-6-2007, ông Tống giải tán liên doanh sau khi đạt được một thỏa thuận êm thấm với Danone .

Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ đó, xảy ra một loạt sự cố ảnh hưởng đến thanh danh ông chủ Tống sau khi báo chí phát hiện con gái ông nhập quốc tịch Mỹ và vợ chồng ông cũng được cấp thẻ xanh thường trú ở Mỹ.

Năm 2008, ông Tống bị điều tra về tội trốn thuế khoảng 300 triệu nhân dân tệ (42,9 triệu USD), theo tờ Tài chính Bắc Kinh. Trong những năm liên doanh với Danone (từ 1996 đến 2006), ông đã được trả mỗi năm tổng cộng 71 triệu USD tiền lương và tiền chia lãi cổ phiếu. Tuy nhiên, ông khẳng định mình lãnh lương CEO bèo nhất thế giới chỉ có 3.000 euro/tháng.

Đ.T (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang