Lỗ hổng nào khiến thiết bị y tế cũ nát 'qua mặt' cơ quan chức năng?

author 11:32 20/01/2014

Lô hàng nhập khẩu thiết bị y tế (TBYT) "cũ nát" nằm trong danh mục cấm nhập khẩu, được "hô biến" thành hàng mới 100% tuồn vào trong nước cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Điều này đang khiến dư luận rất lo lắng về nguy cơ kết quả xét nghiệm không chính xác do hệ thống máy móc, thiết bị không đảm bảo quy chuẩn ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khoẻ người dân. Vấn đề đặt ra ở đây là cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm cụ thể trong từng "công đoạn" của vụ việc này?

Nguyên nhân dẫn đến loạn kết quả xét nghiệm

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa phối hợp Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài bắt giữ lô hàng TBYT "quá đát". Kiểm tra thông tin đơn vị nhập khẩu cho thấy, lô hàng trên của Cty TNHH Kỹ thuật thiết bị y tế Bảo Trân (Cty Bảo Trân, địa chỉ số 19, 180/2, đường Trần Duy Hưng, Hà Nội). Số hàng này được công ty Bảo Trân dán mác là hàng nhập khẩu mới 100%. Tuy nhiên cơ quan chức năng đã nghi ngờ về tính minh bạch của lô hàng nên đã mở niêm phong kiểm tra. Quá trình kiểm tra cho thấy, các loại thiết bị y tế của  công ty này nhập về Việt Nam gồm máy soi dạ dày, máy scan Xquang có xuất xứ từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mexico đã bị thải loại, thuộc diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Mới đây, cơ quan hải quan đã tiếp tục bắt giữ lô TBYT "quá đát" tại sân bay Nội Bài, Hà Nội do công ty TNHH Thương mại và kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A Việt Nam nhập khẩu. Được biết,  công ty này chuyên kinh doanh nhập khẩu thiết bị y tế, có nguồn gốc từ các nước Đức, Mỹ, Nhật... và cung ứng cho doanh nghiệp Mỹ Giao (địa chỉ tại TP.HCM). Trên thực tế, những công ty này đã nhập khẩu trót lọt nhiều thương vụ nhưng không bị phát hiện.

 

Cỗ máy Hitachi được sản xuất từ năm 1997 được tuồn vào Việt Nam.

Vụ việc này khiến không ít người dân lo ngại những loại TBYT không đạt chuẩn được đưa vào sử dụng sẽ tạo ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Thực tế, nguyên  một Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phản ánh: "Điều này đã ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, thậm chí có trường hợp dẫn đến tử vong. Tôi nhớ, trước đây, có vị lãnh đạo của Quốc hội (đã nghỉ hưu) bị bệnh. Qua những xét nghiệm sinh hoá bác sỹ khám khẳng định ông bị ung thư và điều trị bằng chiếu xạ. Sau đó, sức khoẻ của ông cán bộ này ngày càng yếu đi đến mức tưởng không qua khỏi. Tiếp đó, gia đình đặt vấn đề với Trung ương hỗ trợ đưa ông ra nước ngoài chữa bệnh. Ở đấy, bác sỹ nước ngoài khẳng định ông không bị ung thư và được chữa khỏi bệnh, đi họp Quốc hội bình thường. Một thời gian sau, ông đi khám lại và chiếu chụp thì bác sỹ kết luận ông bị di căn toàn cơ thể. Ông lại ra nước ngoài kiểm tra thì không phải di căn mà đó chỉ là những vết sẹo do những lần xạ trị trước đây. Điều này cho thấy, có những trường hợp bệnh nhân tử vong là do trực tiếp lỗi từ bác sỹ dựa vào những TBYT không đạt chuẩn. Đây thật sự là tình trạng báo động, trong khi khoa học phát triển, bác sỹ chẩn đoán bệnh dựa vào kết quả của máy móc là chủ yếu".

Nhiều người nghe thông tin về TBYT cũ nhập khẩu về cung cấp cho các cơ sở y tế, đều lo ngại kết quả xét nghiệm, chụp chiếu không chuẩn xác sẽ khiến bác sỹ chẩn đoán bệnh sai. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công tác chăm sóc sức khoẻ, tâm lý của người dân. Trước thực tế này, Bộ trưởng bộ Y tế khẳng định: Trong điều kiện ngân sách Nhà nước đầu tư cho các đơn vị còn hạn chế, không đủ kinh phí để mua các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, có giá trị lớn nên nhiều nơi đã liên doanh, liên kết  TBYT  phục vụ công tác khám chữa bệnh. Thực tế, Bộ cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá việc thực hiện xã hội hoá y tế trong các bệnh viện công. Việc liên doanh, liên kết đã có những kết quả như trang bị được nhiều thiết bị hiện đại nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong... Tuy nhiên, quá trình này cũng bộc lộ những mặt trái, tiêu cực, Bộ đã chỉ đạo các sở Y tế kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm.

Lo ngại của người dân hiện nay về kết quả xét nghiệm là có cơ sở, tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra sở Y tế Hà Nội khẳng định: "Hà Nội đã kiểm tra 15 cơ sở y tế và không phát hiện những chủng loại TBYT cũ".

Hành vi gian lận thương mại nghiêm trọng

Theo quy định tại Thông tư 24 hướng dẫn việc nhập khẩu TBYT của bộ Y tế thì quy trình, thủ tục xin cấp phép nhập khẩu là rất chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn có hàng loạt thương vụ nhập lậu TBYT cũ nát được "tuồn" vào trong nước đặt ra câu hỏi có hay không những lỗ hổng trong nhập khẩu thiết bị y tế?

Trước thực tế này, đại diện bộ Y tế, cũng cho biết: "Các TBYT nhập khẩu phải là TBYT mới 100%. Việc nhập khẩu TBYT đã qua sử dụng là gian lận thương mại nghiêm trọng vì đây là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến chẩn đoán, điều trị của người dân, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nhập khẩu. Vì vậy trong trường hợp cấp phép nhập khẩu, khi rà soát lại chúng tôi khẳng định đã làm đúng quy trình. Hồ sơ doanh nghiệp xin cấp phép nhập TBYT mới 100%, sản xuất năm 2012. Việc "phù phép" để nhập TBYT cũ là hành động sai phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp với các thủ đoạn tinh vi có sự tính toán lợi dụng chính sách thông thoáng, ưu tiên của Nhà nước. Doanh nghiệp xin nhập TBYT mới nhưng họ lại gian lận nhập hàng cũ thì ngành hải quan có trách nhiệm phát hiện, xử lý trên cơ sở đối chiếu với tờ khai hải quan, hồ sơ nhập khẩu và thực tế hàng hoá". Ngay sau đó, bộ Y tế đã có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp chỉ đạo các chi cục Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong nhập khẩu TBYT.

Đơn vị gian dối sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo bà Cao Thị Vân Điểm (hội Thiết bị Y tế Việt Nam), với những TBYT cũ được nhập khẩu về không thể đẩy vào các bệnh viện công qua con đường đấu thầu trang thiết bị. Bởi lẽ, với những bệnh viện này, khi mua sắm thiết bị bằng nguồn kinh phí của Nhà nước phải xây dựng hồ sơ mời thầu trong đó quy định rõ chất lượng, chủng loại và thẩm định giá. Khi mua xong lại có đơn vị tư vấn giám sát về mặt chất lượng và lắp đặt. Hiện nay, y tế tư nhân phát triển, họ muốn giảm chi phí đầu tư nên đã nhập khẩu hàng hoá kém hơn, nhưng thực ra cũng phải qua rất nhiều khâu đánh giá của các cơ quan chức năng. Vì vậy, điểm đến của những thiết bị này sẽ chỉ là các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Trong thực tế, với loại thiết bị cũ này nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt và thu hồi".

Trước những nghi vấn về "đường dây nhập khẩu TBYT cũ" ngày 16/1, bộ Y tế đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Bộ Y tế cũng khẳng định, không có "đường dây" cấp phép cho TBYT "quá hạn sử dụng" vào nước ta. Bộ Y tế cũng đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng đề án phát triển hệ thống kiểm chuẩn trang thiết bị y tế để tạo cơ sở cho việc đầu tư, xây dựng các hướng dẫn về điều kiện con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác kiểm chuẩn và bảo đảm chất lượng.

Đến nay, bộ Y tế đã xây dựng được danh mục hơn 300 danh mục cho các chủng loại thiết bị đặc biệt cần phải kiểm tra chất lượng. Đối với các lô hàng hoá xét nghiệm bị bắt giữ vừa qua không nằm trong danh mục phải kiểm định. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo hàng nhập khẩu mới 100% theo đúng hồ sơ họ đã nộp xin cấp phép. Khi xảy ra sai phạm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình, nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngành y tế vào cuộc kiểm tra trên diện rộng

Ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra bộ Y tế cho biết, ngành y tế đã vào cuộc thanh kiểm tra thiết bị y tế tại những cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là những cơ sở cùng một xét nghiệm nhưng mỗi phòng khám, bệnh viện lại cho kết quả khác nhau. Việc thanh tra được phân cấp cho thanh tra y tế các tỉnh, thành. "Nếu người dân có hồ sơ khám bệnh mỗi nơi cho ra mỗi kết quả khác nhau, gửi tới cơ quan báo chí hoặc bộ Y tế, chúng tôi sẽ lập tức kiểm tra", ông Chính nói.

 

Theo Nguoiduatin

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang