Lo lắng với rau quả nhiễm độc

author 09:28 03/08/2013

(VietQ.vn) - Các vùng sản xuất, kinh doanh rau, quả của các tỉnh phía Bắc có nguy cơ nhiễm độc cao hơn miền Trung và thấp nhất là khu vực các tỉnh phía Nam.

Chuối và dưa lê là hai loại quả có nguy cơ mất an toàn cao

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản 7 tháng đầu năm 2013 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 2/8, đánh giá, phân loại các nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với 26 loại rau, quả tươi sản xuất trong nước cho thấy: Nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao hơn rau ăn quả và trong các loại quả đã được giám sát thì nho quả tươi là loại quả có nguy cơ cao tiếp đến các loại quả: Dưa lê, chuối và thấp nhất là xoài và cam.

Có 4 hoạt chất (Cypermethrin, Fipronil, Chlorpyrifos, Permethrin) trên các mẫu rau và 4 hoạt chất (Fipronil, Chlorpyrifos, Cypermethrin, Carbendazim) trên các mẫu quả có tần suất phát hiện cao, cao nhất là: Cypermethrin và Fipronil.

Đánh giá nguy cơ theo vùng địa lý cho thấy: Các vùng sản xuất, kinh doanh rau, quả của các tỉnh phía Bắc có nguy cơ nhiễm độc cao hơn miền Trung và thấp nhất là khu vực các tỉnh phía Nam.

Cũng tại hội nghị, theo báo cáo, kết quả Chương trình giám sát các chất độc hại trong thủy sản đã phát hiện 11 mẫu/1.528 mẫu (chiếm 0,7%) nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt giới hạn tối đa cho phép. Các mẫu nhiễm thuộc các vùng nuôi của các tỉnh miền Trung và miền Nam (Khánh Hòa, Đắc Lắc, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh). Chương trình giám sát vệ sinh an toàn nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đã phát hiện 2 mẫu sò điệp và sò lông tại Phan Thiết/ 470 mẫu nhuyễn thể nhiễm độc tố sinh học Lipophilic (chiếm 0,4%) tăng so với năm 2012 (số mẫu nhiễm chiếm 0,2%).

Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) thủy sản được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu xếp loại A, B cao (trên 70%); tuy nhiên tỷ lệ cơ sở SXKD nông sản được kiểm tra đánh giá định kỳ xếp loại C vẫn còn cao (38%). Đến nay, 31 tỉnh tổ chức kiểm tra đánh giá tỷ lệ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đánh giá phân loại lần đầu xếp loại C vẫn còn cao (44,7%), kiểm tra định kỳ xếp loại C (59,2%). Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu và định kỳ xếp loại A, B cao (trên 80%).

Trước đó, tại cuộc họp sơ kết về Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 8/7, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong đợt kiểm tra về an toàn thực phẩm (ATTP) vừa qua, đoàn thanh kiểm tra đã phát hiện nhiều mẫu mướp đắng và rau ngót có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức cho phép nhiều lần.

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, đoàn kiểm tra đã phát hiện 7/25 mẫu rau ngót chứa lượng thuốc BVTV vượt tối đa ngưỡng cho phép. Cùng với rau ngót, mướp đắng cũng là sản phẩm bị phát hiện có chứa dư lượng thuốc BVTV cao quá mức cho phép.

“Việc sử dụng các loại rau có chứa dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc mãn tính, dẫn thể miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh… Nếu ăn sống càng nguy hại tới sức khỏe hơn” – ông Hồng cho biết.

H. Thanh

 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:Rau, quả, nhiễm độc

tin liên quan

video hot

Về đầu trang