Loại bỏ các sản phẩm ‘hữu cơ tự xưng’, tạo nên thị trường cạnh tranh lành mạnh

author 08:33 28/11/2022

(VietQ.vn) - Thị trường sản phẩm hữu cơ trong nước có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm hữu cơ có chứng nhận và sản phẩm “hữu cơ tự xưng”, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao...

Những năm gần đây, hoạt động sản xuất, chứng nhận và quản lý sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm từ chính phủ cũng như ngành sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi nền nông nghiệp và thực phẩm theo hướng xanh, bền vững. Áp lực từ thị trường trong nước và quốc tế cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ càng nâng cao tính quan trọng của vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nước ta đã triển khai nền nông nghiệp hữu cơ suốt thời gian qua. Việt Nam có khá nhiều thuận lợi trong phát triển nông nghiệp hữu cơ khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn được hoàn thiện và bổ sung đầy đủ; có hơn 90% địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ; Số lượng mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều. Đặc biệt, nhận thức và sự quan tâm của xã hội, người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng được nâng lên.

Việt Nam có khá nhiều thuận lợi trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ảnh minh họa. 

Cụ thể, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ năm 2018 và Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 được phê duyệt tại năm 2020 tạo tiền đề cơ bản để nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển. Nhờ đó, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ có xu hướng tăng nhanh.

Diện tích đất canh tác hữu cơ năm 2020 tăng lên 174.300 ha; tăng 47% so với năm 2016. Đến năm năm 2021, hầu hết địa phương trên cả nước đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Lực lượng các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tiêu thụ hàng năm khoảng 500 tỷ đồng ở thị trường trong nước; chủ yếu tiêu thụ tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội (chiếm 80% cả nước, đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm).

Báo cáo từ các địa phương đến tháng 9/2022, đã có 13 nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ; trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 7 nhóm sản phẩm là lúa gạo gần 2.300 ha, tập trung lớn tại Cà Mau và Kiên Giang; rau củ gần 900 ha, tập trung lớn tại Hà Nội, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đăk Lăk, trái cây 14.000 ha chủ yếu là dừa ở Bến Tre và Trà Vinh… Lĩnh vực chăn nuôi có 3 nhóm sản phẩm là chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi gà; thủy sản có 1 nhóm sản phẩm là tôm tại Cà Mau. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế do thói quen của người dân trong việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học vẫn còn phổ biến; sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn manh mún, diện tích khiêm tốn và không tập trung; các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay tập trung tại vùng trung du và miền núi, giao thông còn hạn chế gây khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Việc quy hoạch, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp trong nông thôn còn bất cập; việc xác định và tạo lập vùng sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn còn khó khăn, thậm chí chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chuỗi khép kín trong sản xuất, chế biến hữu cơ nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn ít. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp có khả năng liên kết sản xuất, tiêu thụ còn hạn chế. Chưa có hướng dẫn cụ thể về danh mục vật tư đầu vào được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phát triển, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm hữu cơ có chứng nhận và sản phẩm “hữu cơ tự xưng”, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao...

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải phát triển song hành với truy xuất nguồn gốc, tuân thủ, minh bạch trong quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng và sự phát triển bền vững.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang