Lối đi cho chuỗi cung ứng và logistics vượt qua thách thức toàn cầu trong năm 2022

author 07:12 24/03/2022

(VietQ.vn) - Trong hai năm qua, đại dịch Covid đã liên tục làm gián đoạn lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics, dự đoán sẽ tiếp tục đem lại những hậu quả lâu dài trong thời gian tới.

Nhu cầu vận chuyển đường biển tăng cao

Theo các chuyên gia của TMX- công ty tư vấn hàng đầu về chuỗi cung ứng và logistics, các vấn đề xảy ra với chuỗi cung ứng tại Việt Nam trong năm 2021 sẽ tiếp tục gây tác động xấu trong năm 2022. Doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục đương đầu với những khó khăn liên quan đến chuỗi cung ứng trên trường quốc tế cũng như trong nước với mạng lưới phân phối hàng hoá chặng cuối bị đẩy đến giới hạn tối đa và áp lực từ thực trạng thiếu nhân công do hiện trạng cấm vận lâu dài.

Bà Lê Thị Kim Thuý - Giám đốc Trải Nghiệm khách hàng của TMX Việt Nam cho biết, sự gia tăng nhu cầu vận chuyển và thiếu hụt phương tiện hàng không đã gây áp lực đáng kể cho các hãng cung cấp tàu biển. Hơn 90% đội tàu toàn cầu đang được sử dụng hết công suất để phục vụ nhu cầu hiện tại.

Việt Nam luôn có nhu cầu lớn về container để có thể xuất khẩu hàng hóa.

Nhiều container được vận chuyển với mức phí bảo hiểm rất lớn gây tác động không nhỏ đến doanh nghiệp Việt Nam, bởi phần lớn lượng hàng xuất khẩu đường biển của Việt Nam phụ thuộc vào các hãng tàu quốc tế. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang gặp nhiều khó khăn do giá cước và phụ phí thuê container rỗng tăng cao. Các doanh nghiệp có đủ khả năng vận chuyển phải miễn cưỡng thuyết phục khách hàng trả thêm chi phí hoặc chịu lỗ chỉ để duy trì hoạt động.

Tình trạng cung không đủ cầu trên thị trường vận tải biển dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, giá cước của các hãng tàu quốc tế đã tăng gấp 2-3 lần, thậm chí 6-7 lần đối với một số tuyến cụ thể. Từ con số dưới 1.000 USD vào đầu năm 2020, giá cước hiện tại tăng vọt đến 8.000 USD, có những trường hợp lên đến 10.000 USD. Thực trạng này buộc một số doanh nghiệp phải hủy tàu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh các sản phẩm xuất nhập khẩu trong nước.

Hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung, các hãng tàu tận dụng cơ hội để tăng giá cước với những loại hình dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, điều này cũng làm ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại của họ với các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cầntập trung đầu tư vào các giải pháp công nghệ tích hợp để hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, tối ưu hóa chi phí và đồng bộ hoá dịch vụ trên toàn bộ chuỗi giá trị quốc tế và nội địa.

Thiếu hụt container gây tắc nghẽn xuất khẩu

Gần đây, Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt container trầm trọng, đặc biệt là khu vực phía Nam. Được đánh giá là một trong những quốc gia xuất siêu, Việt Nam luôn có nhu cầu lớn về container để có thể xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác. Tuy nhiên, trong đỉnh điểm của làn sóng Covid lần thứ tư, hầu hết container hàng hoá được xuất khẩu không thể quay về do tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng và đóng cửa biên giới. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu.

Hơn nữa, thực trạng không thể tự sản xuất container cũng là một trong những yếu tố bất lợi tác động đến sự thiếu hụt vận chuyển ở Việt Nam. Từ lâu, việc sản xuất container trong nước đã được nhiều doanh nghiệp nội địa nhắm tới. Tuy nhiên, các dự án đều không được triển khai hiệu quả bởi sự thiếu hụt nguồn lực và nguyên liệu thép, cơ khí.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm giải pháp tận dụng linh hoạt nguồn container hiện tại để tránh tình trạng phân phối không đồng đều. Các giải pháp công nghệ và dự báo sớm về xu hướng cung cầu của thị trường cũng là những yếu tố quan trọng cần được quan tâm.

Đầu tư công nghệ vào hậu cần chặng cuối

Nhu cầu mua sắm gia tăng liên tục đã mang đến những áp lực không nhỏ cho mạng lưới hậu cần chặng cuối. Trong thời kỳ đại dịch, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào chuyển đổi số hệ quy trình để tối ưu hóa hoạt động, giảm thiểu chi phí, tạo ra hệ thống quản lý đồng bộ và phục vụ khách hàng hiệu quả hơn.

Nhiều doanh nghiệp đã vận dụng Hệ thống quản lý vận tải (TMS), Hệ thống quản lý kho hàng (WMS) cùng các giải pháp tích hợp và tự động hóa quy trình. Những công nghệ này cho phép các doanh nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên dữ liệu phân tích thời gian thực và cung cấp cho khách hàng thông tin cập nhật kịp thời về tình trạng hàng hoá.

Bên cạnh đó, những tên tuổi trong ngành thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee và Sendo đều có sự cải thiện đáng kể về thời gian giao hàng từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại vào tháng 10/2021 năm ngoái. Bên cạnh đó, các công ty hậu cần trong và ngoài nước như Vietnam Post, Viettel Post, GHN, DHL, FedEx và TNT cũng đang đẩy mạnh hơn nữa dịch vụ giao hàng chặng cuối để bắt kịp nhu cầu tăng cao của thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi đại dịch còn tiếp diễn, 2022 vẫn hứa hẹn là một năm đầy tích cực khi doanh nghiệp đã học được những bài học đáng giá về vận chuyển, cơ sở hạ tầng, giao hàng chặng cuối và các biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động doanh nghiệp.

Những nhu cầu và điều kiện hiện tại đã tạo ra một môi trường mà tự động hóa ngày càng trở nên cần thiết. Khi doanh nghiệp nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc đầu tư công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật số vào chuỗi cung ứng, họ sẽ cần đến sự tư vấn của các chuyên gia kỳ cựu về chuỗi cung ứng và logistics của TMX. Các chuyên gia có thể giúp doanh nghiệp thiết kế giải pháp chuyển đổi số và quản lý chuỗi cung ứng phù hợp nhất, đồng thời linh hoạt chuẩn bị phương án ứng phó với sự gián đoạn của ngành trong tương lai một cách hiệu quả hơn.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang