Truy xuất nguồn gốc - Con đường ngắn nhất giúp bảo vệ uy tín doanh nghiệp

author 11:11 17/03/2022

(VietQ.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của công tác truy xuất nguồn gốc trong nền kinh tế, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu.

Phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để làm rõ thêm vấn đề trên.

Thưa ông, truy xuất nguồn gốc ngày càng phổ biến và có ý nghĩa quan trọng trong xu thế tất yếu của thị trường khi nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Truy xuất nguồn gốc (TXNG) có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Tại Việt Nam, việc sử dụng tem TXNG trên sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến. Do vậy, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin vào sản phẩm có gắn tem TXNG.

Trên thế giới, Liên minh Châu Âu (EU) ban hành Luật 178/2002/EC đưa truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bắt buộc đối với các nước thành viên của EU từ ngày 01/01/2005. Năm 2002, Hoa Kỳ ban hành Luật Chống khủng bố sinh học quy định về việc lưu hồ sơ trong triển khai hệ thống TXNG sản phẩm.

Tháng 01/2011, Hoa Kỳ ban hành Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA - Food Safety Modernization Act), trong đó yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết, lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao. Từ những năm 2005, Hàn Quốc, Nhật, Canada, Nga, Singapore,... đưa ra yêu cầu các lô hàng nhập khẩu phải có khả năng TXNG khi gặp sự cố về chất lượng.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương). 

Tại Việt Nam, ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG và giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia.

Cổng thông tin này đóng vai trò trung tâm với sự tham gia của nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ... Các đơn vị cung cấp giải pháp TXNG và cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động TXNG phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.

Trước đó, Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010 đã định nghĩa: “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc truy tìm quá trình hình thành và lưu thông thực phẩm”. Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn đã qui định: “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh”.

Như vậy, có thể thấy rằng, TXNG ngày càng phổ biến và có ý nghĩa quan trọng, là xu thế tất yếu của thị trường. Doanh nghiệp và người dân cần nâng cao hiểu biết để thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả, đảm bảo lợi ích của mình.

Đối với xuất khẩu, việc TXNG sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp doanh nghiệp dễ dàng chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về TXNG hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại. Ông đánh giá thế nào về tác dụng của TXNG đối với hoạt động xuất khẩu?

Vấn đề an toàn thực phẩm và TXNG nông sản đang được đặt lên hàng đầu trong các cuộc hội thảo về chuyển đổi số và xuất khẩu nông sản. Do đó, TXNG đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản nói riêng. TXNG chính là con đường ngắn nhất giúp bảo vệ uy tín doanh nghiệp một cách hiệu quả, đồng thời truyền tải mọi thông điệp của nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ thực hiện thao tác đơn giản như quét mã trên sản phẩm là cập nhật đủ các thông tin.

TXNG đã trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu do nhu cầu về minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn.

Để xuất khẩu nông sản một cách bền vững, an toàn thích ứng nhu cầu thị trường, chúng ta cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản kết nối với Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa Quốc gia.

Đây là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần không nhỏ xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Đối với xuất khẩu, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin nhà sản xuất công bố trên nội dung mã TXNG. Các thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận biết về sản phẩm Việt Nam.

 Nông sản Việt Nam đã có bước chuyển mình về chất, thâm nhập được vào các thị trường khó tính trên thế giới.

Ông có thể cho biết, để các doanh nghiệp, hộ nông dân tăng cường ứng dụng TXNG, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thời gian tới, chúng ta phải triển khai quyết liệt những giải pháp gì?

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, doanh nghiệp Việt đang đứng trước những thử thách và trở ngại rất lớn khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước bởi sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam.

Để hàng xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đặt chân đến những thị trường khó tính như EU, Mỹ..., các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực hiện TXNG.

Thực tế hiện nay, yêu cầu khắt khe cho các mặt hàng nhập khẩu của một số nước phát triển trên thế giới và yêu cầu về hàng hóa được đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của người tiêu dùng trong nước ngày càng cao.

Thời gian tới, để tăng cường ứng dụng TXNG, người nông dân và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về thương mại nông sản quốc tế, chủ động đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường như EU, Mỹ, thậm chí cả Trung Quốc, bằng cách thực hiện nghiêm túc, bài bản từ khâu sản xuất ở vùng nguyên liệu đến khâu chế biến để bảo đảm chất lượng đầu ra sản phẩm.

Trong đó, cần sớm lưu ý việc triển khai các nội dung giúp nâng cao giá trị nông sản Việt như xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững (giảm sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học; giảm thất thoát chất dinh dưỡng; tăng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ...).

Các doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng công nghệ TXNG và nâng cao chất lượng để cạnh tranh trong chính thị trường nội địa, và thúc đẩy xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kim Liên - Xuân Hiệp (Thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang