Lợi ích của sữa đối với các cơ quan đường ruột
Cảnh báo những chiêu thức lừa đảo trên mạng nổi bật tuần qua
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo giả danh để vay tiền
Cảnh báo lừa đảo mạo danh ứng dụng Netflix và Spotify
Theo ông Christopher J. Cifelli - Phó Chủ tịch Nghiên cứu dinh dưỡng tại Hội đồng Sữa quốc gia Mỹ, hệ vi khuẩn đường ruột (hay hệ sinh thái vi sinh vật trong ruột) đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của con người. Đây là nơi chứa một phần lớn hệ miễn dịch của cơ thể, có khả năng bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, đồng thời giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng hiệu quả các dưỡng chất từ thực phẩm.
Một hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh không chỉ giúp duy trì tiêu hóa tốt mà còn hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, giúp cơ thể đối phó với các bệnh tật và nâng cao sức khỏe tổng thể. Hệ vi khuẩn đường ruột của mỗi người có thể bị mất cân bằng do nhiều yếu tố, từ chế độ ăn uống không lành mạnh, căng thẳng kéo dài đến lạm dụng thuốc kháng sinh.
Chính vì vậy, việc duy trì một chế độ ăn uống hợp lý, bao gồm các thực phẩm hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh đường ruột, là điều vô cùng quan trọng. Trong các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là các chế phẩm lên men như sữa chua và kefir, chứa các vi sinh vật có lợi (probiotics) giúp cải thiện và duy trì sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột.
Các chế phẩm từ sữa còn đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì sức khỏe đường ruột. Ảnh minh họa
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại vi khuẩn có lợi này có tác dụng cải thiện quá trình tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn và tăng cường hệ miễn dịch. Sữa chua và kefir đặc biệt giàu các lợi khuẩn như Lactobacillus và Bifidobacterium, có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột. Ngoài ra, các sản phẩm từ sữa còn cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như protein, vitamin A, vitamin D, kẽm và selenium - tất cả đều có liên quan mật thiết đến chức năng miễn dịch.
Chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm cả thực phẩm từ thực vật và các chế phẩm từ sữa, sẽ giúp cơ thể tận dụng tối đa các dưỡng chất này, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể và duy trì hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.
Mặc dù có không ít quan điểm sai lầm cho rằng các sản phẩm từ sữa có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc dị ứng, nhưng thực tế là sữa không phải là yếu tố gây ra vấn đề tiêu hóa, mà ngược lại, nó có thể là phần giải pháp hữu ích trong việc cải thiện các vấn đề về đường ruột.
Nhiều người, bao gồm cả một số bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng, có xu hướng khuyên bệnh nhân loại bỏ sữa khỏi chế độ ăn uống khi gặp vấn đề về tiêu hóa, nhưng ông Cifelli khẳng định điều này là không đúng. Việc duy trì hoặc bổ sung các sản phẩm từ sữa có thể giúp cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột và giúp cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng một cách tối ưu.
Các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa chua, đã được nghiên cứu và chứng minh có thể giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa, hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi, đồng thời giúp cơ thể chống lại các yếu tố có hại.
Chính vì vậy, ông Cifelli khuyến khích mọi người nên hiểu rõ về những lợi ích của sữa đối với sức khỏe đường ruột, thay vì vội vã loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn uống.
Không chỉ có lợi cho đường ruột, các chế phẩm từ sữa còn góp phần nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể. Sữa, phomai và sữa chua cung cấp các dưỡng chất quan trọng như vitamin A, D, kẽm và selenium - những yếu tố cần thiết giúp tăng cường khả năng phòng chống bệnh tật. Cụ thể, vitamin D giúp điều chỉnh hoạt động của các tế bào miễn dịch, trong khi kẽm và selenium đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh.
Một chế độ ăn uống đa dạng, kết hợp các sản phẩm từ sữa với thực phẩm có nguồn gốc thực vật, sẽ giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ và sử dụng tối đa các dưỡng chất quan trọng này. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người muốn duy trì một hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lý và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho trẻ em
Trẻ 3-5 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
Trẻ 6-7 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4,5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 250ml sữa dạng lỏng (2,5 ly sữa nhỏ).
Trẻ 8-9 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 30g phô mai (2 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
Trẻ 10-19 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 6 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 30g phô mai (2 miếng phô mai), 200ml sữa chua (2 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người trưởng thành
Người 20-49 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 3 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 100ml sữa dạng lỏng (1 ly sữa nhỏ).
Người 50-69 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 3,5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 150ml sữa dạng lỏng (1,5 ly sữa nhỏ).
Người trên 70 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 30g phô mai (2 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 100ml sữa dạng lỏng (1 ly sữa nhỏ).
Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú
Phụ nữ có thai mỗi ngày nên sử dụng 6 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 30g phô mai (2 miếng phô mai), 200ml sữa chua (2 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
Bà mẹ cho con bú mỗi ngày nên sử dụng 6,5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 30g phô mai (2 miếng phô mai), 200ml sữa chua (2 hộp sữa chua) và 250ml sữa dạng lỏng (2,5 ly sữa nhỏ).
Nguyên tắc chung lựa chọn sữa và chế phẩm sữa
Xem kỹ nhãn mác về hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng chất đạm, canxi và chất béo, lượng đường bổ sung… để lựa chọn được sản phẩm phù hợp.
Chọn sữa và chế phẩm sữa phù hợp với lứa tuổi, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe.
Nên chọn sữa và sữa chua ít đường hoặc không đường.
Chọn các sản phẩm đã được cấp phép của các cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Không nên ăn sữa chua vào lúc đói dễ bị cồn ruột và các vi khuẩn có ích trong sữa chua dễ bị chết bởi độ acid cao trong dạ dày làm giảm tác dụng của các vi khuẩn có lợi. Sữa chua và sữa thanh trùng cần được bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7030:2016 về sữa lên men
TCVN 7030:2016 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F12 Sữa và sản phẩm sữa biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại sữa lên men gồm: Sữa lên men đã qua xử lý nhiệt, sữa lên men đậm đặc và các sản phẩm sữa hỗn hợp, để dùng trực tiếp hoặc để chế biến tiếp phù hợp với Điều 2 của tiêu chuẩn này.
Nguyên liệu cho phép gồm sữa và/hoặc các sản phẩm từ sữa. Nước uống dùng để hoàn nguyên. Thành phần cho phép gồm các chủng khởi động của các vi sinh vật có lợi bao gồm các chủng quy định trong Điều 2; Các vi sinh vật thích hợp và có lợi khác; Natri clorua; Các thành phần không từ sữa (sữa lên men có hương); Nước uống; Sữa và sản phẩm sữa; Gelatin và tinh bột dùng trong gồm sữa lên men được xử lý nhiệt sau khi lên men, sữa lên men có hương, sữa uống lên men, và sữa lên men hoàn toàn nếu cơ quan có thẩm quyền của nước bán sản phẩm cho phép. Với điều kiện là chúng được bổ sung chỉ với các lượng theo chức năng cần thiết khi thực hiện theo thực hành sản xuất tốt, có tính đến việc sử dụng chất làm ổn định/chất làm dày nêu trong Điều 4 tại Tiêu chuẩn này. Các chất này có thể được bổ sung trước hoặc sau khi thêm các thành phần không phải từ sữa.
Các sản phẩm quy định trong tiêu chuẩn này phải tuân thủ giới hạn tối đa đối với các chất nhiễm bẩn nêu trong TCVN 4832 (CODEX STAN 193-1995) Tiêu chuẩn chung đối với các chất nhiễm bẩn và các độc tố trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Sữa được sử dụng trong chế biến các sản phẩm thuộc đối tượng áp dụng của tiêu chuẩn này phải tuân thủ giới hạn tối đa đối với các chất nhiễm bẩn và độc tố nêu trong TCVN 4832 (CODEX STAN 193-1995) và các mức dư lượng tối đa về dư lượng thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật theo quy định hiện hành...
Đề tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, thì việc công bố hàm lượng chất béo sữa có thể được thực hiện theo quy định của nước bán sản phẩm, bằng phần trăm khối lượng hoặc bằng gam trên khẩu phần định lượng trên nhãn khi số khẩu phần được công bố trên nhãn.
Việc hướng dẫn bảo quản, nếu cần, phải được ghi trên bao bì hoặc trong các tài liệu kèm theo, ngoại trừ tên của sản phẩm, dấu hiệu nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc đóng gói được ghi trên bao bì. Tuy nhiên, việc nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc đóng gói có thể được thay bằng ký hiệu nhận biết, với điều kiện là ký hiệu đó có thể dễ dàng nhận biết được thông qua các tài liệu kèm theo.
Khánh Mai (t/h)