Lợn chết vào... quán ăn

author 16:52 03/10/2012

Có những chủ lò chuyên thu mua heo chết, đem về lò sơ chế lại và đưa đi bỏ mối cho các lò heo quay hoặc các tiệm bánh mì, tiệm cơm...

 “Của rẻ là của ôi”

Ngày 13-9, chúng tôi tiếp cận điểm tập kết heo chết của ông Phương (34 tuổi, tại ấp Phúc Nhạc 1, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Đây là điểm chuyên mua heo chết ở các trang trại với giá cực rẻ, chỉ khoảng 8.000 đồng/kg. Khoảng 16g, người làm tại lò ông Phương tấp nập chuyển hàng chục con heo chết vào khu giết mổ. Người làm của ông Phương cũng hối hả chạy xe máy đi gom heo chết.
Giẫm đạp lên heo chết tại một lò mổ ở Đồng Nai
Giẫm đạp lên heo chết tại một lò mổ ở Đồng Nai
 
Khu vực mổ heo chết này rộng hơn 100m2, ngổn ngang rác thải, phân heo, ruồi nhặng bu đen đặc. Giữa lối đi nhoe nhoét nước thải có hàng loạt đầu heo nằm lăn lóc giữa nền ximăng. Heo đã mổ bụng, chặt đầu nằm la liệt giữa nền nhà. Người làm thản nhiên đi dép giẫm đạp lên hết xác heo này đến xác heo khác.
 
Theo điều tra, mấy năm nay hai vợ chồng ông Phương và bà Hạnh mua heo chết, heo bệnh ở nhiều nơi về sơ chế rồi đem đi bỏ mối. Ông Phương cho biết: “Mối lái ở TP.HCM rất nhiều, mỗi chuyến đi chở 5-8 tạ heo. Ngoài loại heo siêu rẻ, tôi còn có loại heo chết nặng 8-10kg giá chỉ 15.000 đồng/kg, loại 10-20kg bán với giá 22.000 đồng/kg và trên 20kg giá từ 26.000 đồng/kg”. Không chỉ cung cấp heo chết cho các mối lớn ở TP.HCM, heo chết còn được bán cho các thương lái vận chuyển nhỏ lẻ bằng xe máy.
 
Tại lò của ông Phương thường xuyên có ba thanh niên làm việc. Một công nhân cho biết: “Có ngày thức đến rạng sáng để làm mà vẫn không kịp. Heo chết mang về quá nhiều”. Nhằm bảo quản thịt heo chết trước khi giao cho mối hàng, ông Phương bố trí bốn thùng xốp lớn để ướp đá. Mỗi thùng đựng khoảng 30 con loại 10-15kg. Ông Phương còn sắm ba chiếc xe tải chuyên vận chuyển heo chết. Ông thường xuyên lái một chiếc để giao cho ba mối hàng lớn ở khu vực cầu vượt Quang Trung, cầu vượt An Sương (Q.12) và Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh).

Theo chân một chuyến hàng
 
Trước đây, vợ chồng ông Phương làm nghề chăn nuôi heo nhưng sau đó ông chuyển sang nghề buôn bán heo chết. Đa số mối hàng của ông Phương đều ở TP.HCM, họ chỉ điện thoại đặt hàng, thỏa thuận giá cả, sau đó ông đích thân đánh xe tải chở hàng giao tận nơi. Ông Phương khẳng định: “Mua hàng ở đây tui lo hết, từ khi nhận hàng đến qua khỏi cầu Đồng Nai, còn đến khu vực trạm 2 (trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP.HCM) thì mối hàng phải tự lo lấy”.
 
Sáng 15-9, ông Phương đánh xe tải 60C-03807 chở 500kg thịt heo nái chết cho mối hàng ở TP.HCM. Xe ông Phương rời nhà và chạy hướng về quốc lộ 1, qua cầu Đồng Nai và “lọt” luôn qua trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức. Ông tiếp tục cho xe chạy thẳng đến cầu vượt An Sương, khi tới Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, xe rẽ vào đường Thới An rồi vào một con hẻm, đậu trước căn nhà nằm giữa cánh đồng (E10/6Q7 ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Chủ căn nhà là ông Tuấn, khoảng 35 tuổi. Tại đây, hai bên lần lượt cân hàng, vợ ông Tuấn vừa ghi sổ vừa hối thúc: “Hàng này nhớt nhợt không à, mang ướp đi, làm không kịp là nó hư luôn”.
 
Theo tìm hiểu, ông Tuấn là mối hàng lấy thịt heo chết thường xuyên của ông Phương. Mỗi lần lấy hàng từ 300-400kg, mỗi ngày bỏ mối trên 100kg thịt heo quay cho các mối tại chợ Vĩnh Lộc A, tiệm bánh mì, tiệm cơm... Ông Tuấn có lò tự quay thịt heo trực tiếp tại nhà, vợ mang đi bán lại cho mối giá 80.000 đồng/kg.
 
Thu lợi lớn
 
Ở khu vực xã Gia Kiệm, Gia Tân (huyện Thống Nhất, Đồng Nai), ông Minh nổi tiếng cả vùng với việc chuyên môi giới cho các mối hàng tới các trang trại mua heo chết. Trước đây ông Minh hành nghề xe ba gác, tuy nhiên từ đợt dịch heo tai xanh đầu năm, ông bỏ nghề ba gác chuyển sang làm “cò” heo chết. Ông Minh khẳng định: “Heo quay là heo bệnh chết. Loại heo đó ở đây có mà cả một rừng, mối hàng ở Sài Gòn mua về nhiều lắm”.
 
Ông Minh cho biết buôn bán heo chết thu lợi nhuận rất lớn. Heo chết chủ trang trại bán đổ bán tháo cả con, giá 200.000-250.000 đồng/con. Heo này được các lò gom về bán theo ký. “Heo bệnh chết nên không có giấy tờ kiểm dịch gì, vận chuyển bị bắt lo mà bỏ của chạy lấy người, muốn “sống” được phải có đường dây”. Theo ông Minh, từ ngày chuyển qua nghề làm “cò” heo chết ngày nào cũng có 3-4 mối gọi điện hỏi. Thời điểm dịch heo tai xanh hoành hành mỗi ngày ông kiếm cả triệu đồng từ tiền “cò”, hôm trúng mánh vài triệu là chuyện nhỏ.
Một góc trong lò heo chết của ông Phương
Một góc trong lò heo chết của ông Phương
 
Ngày 15-9, chúng tôi tiếp cận một điểm tập trung heo chết khác thuộc ấp Bình Đường 1, xã An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đây là điểm do ông Vinh làm chủ. Tại đây, loại heo nhỏ có da thâm đen chỉ bán với giá 20.000-25.000 đồng/kg. Ông Vinh cho biết: “Riêng loại hàng này tôi chuyển về từ các tỉnh miền Trung, nhiều nhất là Nghệ An”. Lần theo con đường vòng lầy lội, cách nhà ông Vinh 500m là kho chứa hàng. Thực chất đây là khu nhà cấp 4.
 
Vào bên trong nhà mấy chiếc thùng xốp cỡ lớn chứa được 400-500kg thịt heo, được phủ tấm bạt rách màu xanh. Mùi hôi bốc lên và ruồi nhặng bu kín thùng chứa hàng. Ông Vinh cho hay: “Đây là hàng tôi chuyên đổ cho các mối trên thành phố. Hàng này được chuyển từ Nghệ An vào. Nhiều loại mang ra chợ Đồng An 2 (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) bán cho công nhân. Ít nhất mỗi ngày bà xã tôi bán được 100kg, đó là chưa kể tôi bỏ cho các mối heo quay và bánh mì ở trên thành phố”. Ở chợ Đồng An 2, vợ ông Vinh bán 70.000-80.000 đồng/kg thịt heo chết đã được “mông má” lại.
 
Biết nhưng khó triệt phá
 
Ông Lê Minh Chí (chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai) và ông Dương Thanh Tiến (phó trạm thú y huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn không ít điểm giết mổ heo lậu. Việc phát hiện, triệt phá các điểm này gặp rất nhiều khó khăn do các chủ lò thường xuyên di chuyển địa điểm. Trạm thú y huyện đang phối hợp với lực lượng công an tiếp tục điều tra để triệt phá một số điểm thu gom heo bệnh trên địa bàn.
 
Thỉnh thoảng, lực lượng thú y phối hợp với các ban ngành chức năng có phát hiện một số điểm giết mổ heo bệnh. Sau khi bị phát hiện, các điểm giết mổ này luôn đổi sang vị trí khác. Hiện Chi cục Thú y tỉnh vẫn đang cùng các địa phương kiểm tra để xóa bỏ các điểm giết mổ heo lậu, đặc biệt là các điểm thu gom heo bệnh.
 
Theo Tuổi trẻ
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang