Masan của 'ông trùm' nước mắm Nguyễn Đăng Quang đã hết sáng tạo?

author 16:32 24/04/2019

(VietQ.vn) - 20 năm trước, khi bắt đầu khởi nghiệp, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang “không hề chọn nước mắm”. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chỉ còn cách kinh doanh mì tôm để cuộc sống tốt hơn và “để làm cái bụng ấm hơn”.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Tại ĐHCĐ thường niên 2019, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, bén duyên với “mỳ gói” mà xây dựng nên đế chế ngành hàng tiêu dùng như hiện nay.

“Chúng tôi không chọn mỳ gói để khởi nghiệp”

Ông Nguyễn Đăng Quang (SN 1963) từng có bằng tiến sĩ Vật lý hạt nhân và có thời gian dài học tập và sinh sống tại Đông Âu. Khi ở Nga, ông Quang khởi nghiệp từ việc bán những gói mì cho người Việt sinh sống tại đây. Công việc kinh doanh thuận lợi, ông đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói/tháng, sau đó mở rộng sang đầu tư các mặt hàng khác như: đậu nành, cá, tương ớt.

Người đứng đầu Masan chia sẻ, 20 năm trước, những ngày đầu khởi nghiệp họ không hề chọn mỳ gói. Nhưng trong bối cảnh đó Masan buộc phải chọn mỳ gói vì tình hình kinh tế đất nước khó khăn. Cách tốt nhất thời điểm bấy giờ là làm sao để cuộc sống tốt hơn, và “để làm cái bụng ấm hơn”.

“Đến một ngày chúng tôi nhận ra không chỉ có người Việt Nam dùng mỳ gói, mà hơn 140 triệu người Nga cũng cần. Đó là khởi nguồn cho con đường mà Masan đang đi”, Chủ tịch HĐQT Masan cho hay.

Mì gói là mặt hàng gây dựng thương hiệu cho Masan từ những ngày đầu khởi nghiệp. 

Trong lịch sử phát triển của Masan, mì ăn liền có thể xem là anh cả. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang của Tập đoàn Masan được giới truyền thông gọi là “người dạy người Nga dùng mì gói và tương ớt” khi những lô mì gói đầu tiên của ông đã thành công trên thị trường Nga cách đây khoảng 20 năm.

Thành công ở “trời tây” là “bàn đạp” để tỷ phú Nguyễn Đăng Quang phát triển mặt hàng mì gói và đem lại nguồn thu cho tập đoàn. Năm 2018, doanh thu thuần của Masan Consumer đạt 17.006 tỷ đồng, tăng trưởng 28,7% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, tăng 51% so với lợi nhuận đạt được trong năm 2017.

Hầu hết mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan đều tăng trưởng tốt. Trong đó, mảng kinh doanh gia vị và mì ăn liền chiếm gần 70% doanh thu. Đáng chú ý, mảng thực phẩm tiện lợi, chủ yếu là các sản phầm mì ăn liền đã đem đến cho Masan Consumer số tiền doanh thu 4.636 tỷ đồng, chiếm hơn 27% cơ cấu doanh thu.

Theo thống kê của Nielsen, năm 2018, giữ vị trí thứ hai trong ngành mì ăn liền là Masan. Các sản phẩm chính đều đạt tăng trưởng 2 chữ số do tăng giá thành và đưa ra các phát kiến mới.

Masan đã hết sáng tạo?

Masan đã hết sáng tạo, không biết làm gì mới là câu hỏi mà cổ đông đặt ra đối với ông Nguyễn Đăng Quang tại ĐHCĐ. Trả lời thắc mắc này, người đứng đầu Masan cho rằng, con đường đang đi có rất nhiều chông gai, thử thách: “Nếu bạn tự tin, không hoài nghi và tiếp tục dấn thân trên con đường đã chọn thì sẽ gặt hái được điều tốt và ý nghĩa. Tuy nhiên, trước khi “keep going”, chúng ta phải đảm bảo con đường đó đem lại giá trị, không chỉ cho bản thân mà còn những người xung quanh.

 Nước mắm, tương ớt Chin-su vẫn là "cần câu cơm" của Masan.

Theo ông Quang, Masan được thành lập không phải với mục tiêu trở thành một tập đoàn kinh doanh tỷ USD và tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Masan được thành lập để theo đuổi lý tưởng “trở thành niềm tự hào của Việt Nam” bằng cách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt.

Là người kinh qua nhiều khó khăn trong kinh doanh, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang khuyên mọi người hãy làm những điều mà bản thân muốn. Hơn nữa, hãy nhìn rộng vấn đề, làm những điều tốt đẹp cho gia đình, xã hội. Đây cũng chính là triết lý kinh doanh của Masan trong suốt thời gian qua. 

“Chúng ta sẽ kinh doanh thành công, bởi làm những điều tốt, có ý nghĩa cho xã hội. Mỗi ngày chúng ta sẽ tạo ra những giá trị nho nhỏ cho mỗi người dân Việt Nam và sẽ được thưởng bởi doanh thu, lợi nhuận cao” - ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định với các cổ đông.

Năm 2018 doanh thu thuần của Masan đạt 38.188 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông từ hoạt động kinh doanh chính năm 2018 (không bao gồm lợi nhuận một lần) đạt 3.478 tỷ đồng, tăng 57,1% so với năm 2017. Biên lợi nhuận sau thuế của hoạt động kinh doanh chính đạt mức 9,1% vào năm 2018 so với 5,9% năm 2017.

Đến quý I/2019, dù sự cố hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản làm dư luận xôn xao nhưng kết quả kinh doanh Masan Consumer không bị ảnh hưởng nhiều, doanh thu đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018; nguồn thu từ chuỗi giá trị thịt Masan Nutri-Science đi ngang ở mức 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, Masan ghi nhận doanh thu giảm 1%, tương đương đạt 8.2000 tỷ đồng.

Trong 5 năm tới, Masan sẽ tiếp tục nghiên cứu và đầu tư xây dựng nền tảng “Tiêu dùng - Công nghệ” mà người tiêu dùng có thể sử dụng công nghệ một cách tiện lợi. Động thái này nhằm đón đầu xu hướng thị hiếu tiêu dùng của người dân ngày càng nâng cao, đặt ra yêu cầu các sản phẩm phải an toàn và tốt cho sức khỏe.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang