Bầu Đức: Từ đại gia bất động sản đến tham vọng dẫn đầu châu Á về nông nghiệp

author 19:00 23/04/2019

(VietQ.vn) - Lấy trái cây là “trụ cột”, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức muốn trở thành tập đoàn hàng đầu châu Á về nông nghiệp sau nhiều năm kinh doanh đa ngành.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Báo cáo thường niên 2018 cho thấy, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; MCK: HAG) đang nắm 47,89% dự án Hoàng Anh Myanmar và có chủ trương thoái vốn tại “cứ điểm” cuối cùng của tập đoàn này trong lĩnh vực bất động sản. Lý do tập đoàn của bầu Đức thoái vốn khỏi dự án này là để trả nợ và giải quyết nhu cầu thanh khoản, công khai trở thành “tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025”. 

Đại gia bất động sản "vang bóng một thời"

10 năm trước khi lên sàn, HAGL do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch HĐQT là một tập đoàn đa ngành, kinh doanh nhiều lĩnh vực: bất động sản, nông nghiệp, khoáng sản, thủy điện… Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính vẫn là bất động sản với những quỹ đất lớn, tập trung tại khu vực TP.HCM.

Chính việc kinh doanh đa ngành khiến doanh thu của HAGL cũng biến động do tác động từ nhiều yếu tố. Trong giai đoạn năm 2012 trở về trước, doanh thu HAGL chủ yếu từ bất động sản, xây dựng, thương mại dịch vụ. Dù rất kỳ vọng vào dự án Myanmar nhưng đến thời điểm hiện tại, HAGL của Bầu Đức đang có chủ trương sẽ thoái vốn dự án này để trả bớt nợ và giải quyết nhu cầu thanh khoản của tập đoàn.

 CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thoái vốn dự án Hoàng Anh Myanmar.

Trước đó, từ tháng 9/2018, HAGL Land từ công ty con đã trở thành công ty liên kết của HAGL sau khi công ty này tăng vốn dẫn đến sở hữu của HAGL tại đây giảm xuống còn 47,89%. Kể từ thời điểm này, HAGL của bầu Đức không còn nắm quyền kiểm soát HAGL Land cũng như với dự án HAGL Myanmar.

Cùng với đó, trong tháng 9/2018, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã thông qua công ty con là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sở hữu 51% vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center.

Như vậy, với việc chuyển HAGL Land từ công ty con thành công ty liên kết, từ năm 2019, HAGL của bầu Đức hầu như không còn nguồn thu từ bất động sản mà chỉ còn nguồn thu từ lĩnh vực nông nghiệp.

Đổi hướng kinh doanh liên tục, HAGL vẫn "rối như tơ vò"

Năm 2013 nhận định thị trường có sự thay đổi, bất động sản không còn là “cần câu cơm”, bầu Đức đã đổi hướng kinh doanh. Theo đó, tập đoàn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào phát triển trồng cao su, cọ dầu, mía đường… Việc đầu tư cho nông nghiệp khiến doanh thu bất động sản năm 2013 giảm, còn 247,5 tỷ đồng (giảm hơn 2.800 tỷ đồng so với 2012).

Năm 2013 - 2014, trên đà tăng trưởng của các mặt hàng nông sản, HAGL tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh và chăn nuôi bò trở thành “đầu tàu” doanh thu của tập đoàn.

 Bò từng là thế mạnh của HAGL.

Đáng chú ý, năm 2015, doanh thu tập đoàn của bầu Đức vượt 6.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Mảng kinh doanh bò thịt đóng góp đáng kể nhất vào bước tiến với doanh số hơn 2.500 tỷ đồng, gấp đôi tổng doanh thu bốn ngành mía đường, bắp, cao su, cọ dầu cộng lại. Sang năm 2016, thịt bò tiếp tục đem về cho công ty của bầu Đức 3.500 tỷ đồng. Cũng như mía đường, thịt bò chỉ đóng vai trò “đầu tàu” trong 2 năm.

Trước đó, HAGL của bầu Đức đã quyết định “rút chân” khỏi khoáng sản và thủy điện khi bán nhà máy thủy điện tại Việt Nam cho Bitexco và đang hoàn thiện thủ tục bán nốt các nhà máy thủy điện tại Lào.

Như vậy, sau 10 năm, những khó khăn trong việc mở rộng quá nhanh đã buộc HAGL phải tái cơ cấu, rút gọn lại còn 2 mảng chính là nông nghiệp (HAGL Agrico) với cao su, cọ dầu, mía đường và bất động sản (HAGL Land) với dự án chủ lực là khu phức hợp HAGL Myanmar.

Bầu Đức muốn đưa HAGL thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á

Trong năm 2018, ngành cây ăn trái đã mang lại nguồn doanh thu khả quan với mức 2.897 tỷ đồng, đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của tập đoàn. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh, và hơn 10 loại cây ăn trái khác.

Với diện tích cây ăn trái này, ông bầu Đoàn Nguyên Đức kỳ vọng sẽ mang lại nguồn doanh thu chủ lực cho năm 2019, khẳng định chiến lược tái cơ cấu kinh doanh đang đi đúng hướng. Đây là tiền đề và động lực quan trọng, tạo đà cho chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của HAGL.

 HAGL của bầu Đức xác định chuối là mặt hàng chủ lực, đem về doanh thu lớn năm 2019.

Người đứng đầu Hoàng Anh Gia Lai nhận định, năm 2019 được xác định là năm bản lề quan trọng để Hoàng Anh Gia Lai đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, để từ đó làm đòn bẩy đưa tập đoàn này trở thành “Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025”.

Để làm được điều này, HAGL sẽ tập trung quản trị bằng ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến chuyên biệt theo nhóm cây ăn trái và cây công nghiệp, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang