Mùa hè chè khúc bạch lại lên cơn sốt

author 09:50 20/05/2014

(VietQ.vn) - Chè khúc bạch được cho là một trong những món quà vặt mà giới trẻ ưa thích, thường kéo nhau tụ tập, thưởng thức và tán gẫu.

Chè khúc bạch ngon

Lo ngại thực khách bỏ đi, nhiều chủ quán đã cải biên chè khúc bạch để hấp dẫn hơn. Ảnh minh họa

Còn nhớ, năm 2013, chè khúc bạch lên cơn sốt không chỉ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà còn lan về các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa... Ở đâu đâu, giới trẻ và dân văn phòng cũng bàn tán về một loại chè lạ, chưa từng ăn, chỉ nghe kể và nhiều người hạ quyết tâm phải ăn được một lần cho biết.

Không đắt đỏ, dễ ăn, lạ miệng nên chè khúc bạch được giới trẻ ưa dùng nhất. Đặc biệt có những lúc cả lớp rủ nhau đi ăn chè khúc bạch, ngồi chật kín cả quán chè. Người bán chạy tướt mồ hôi để phục vụ không xuể.

Trên nhiều tuyến phố như Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt, Đội Cấn, Kim Mã, Lê Trọng Tấn, Hàng Tre, Hàng Giấy, Hàng Bông... của Hà Nội, nhiều quán chè khúc bạch mọc lên như nấm.

Chờt đến, rồi cũng chợt đi như cơn mưa mùa hè, chè khúc bạch không biết đến từ khi nào nhưng sau đó chỉ khoảng 2 tháng, chè khúc bạch dần đi vào dĩ vãng vì nhiều người ăn một lần rồi sợ. Sợ ở chỗ loại chè này là thức ăn giải khác nhưng lại có nhiều loại trái cây như vải, nhã, chôm chôm trong đó, ăn nhiều vào sẽ nóng. Vị quá ngọt khiến nhiều người nghi vấn, không biết các chủ quán có dùng đường siêu ngọt của Trung Quốc không? hoặc có nhiều thành phần tạo khúc bạch không rõ nguồn gốc, cũng khiến cho thực khách bán tín bán nghi.

Khi lòng tò mò không được giải đáp, nhiều người đã quay về với chè truyền thống như chè Huế, chè Sài Gòn... Cũng chính từ đó, chè khúc bạch vắng bóng. Nhiều điểm bán chè khúc bạch đóng cửa, ế ẩm.

Nhưng như một quy luật tự nhiên, đến hẹn lại lên, mùa hè này, chè khúc bạch lại sống dậy. Nhiều điểm bán chè nói chung cũng đã bắt đầu giới thiệu chè khúc bạch cho thực khách. Khác với năm trước, để thực khách không còn phải lo ngại ăn nhiều loại trái cây trong chè khúc bạch gây nóng trong hoặc đường quá ngọt, nhiều điểm bán chủ động giảm lượng đường, từ ngọt sắt tới còn ngọt man mát. Thay vì dùng cùi vải, cùi nhãn, cùi chôm chôm, nhiều quán thế vào đó là ruột quả thanh long trắng hoặc đỏ. Đầu mùa, giá chè khúc bạch bán cũng chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/bát tùy loại và kích cỡ.

Tự làm chè khúc bạch ngon

Nguyên liệu để làm ra chè khúc bạch gồm: Gelatin, kem tươi, sữa tươi, trái cây: nhãn, vải, chôm chôm, hạnh nhân thái lát, tinh dầu hạnh nhân, vừng vàng hoặc đen, đường trắng, lưu ý không dùng đường siêu ngọt. Phải dùng trái cây tươi, không dùng hạnh nhân bị mốc, đã bị ỉu.

Cách làm như sau: Làm khoảng 5 bát chè khúc bạch như sau

- Phần chè khúc bạch cơ bản: 120ml sữa tươi không đường, 120ml kem sữa tươi, 40g đường cát trắng, 1 thìa nhỏ tinh dầu hạnh nhân, 20ml nước ấm, 7g bột gelatin (hoặc có thể thay bằng 3 lá gelatin), 1 thìa canh hạnh nhân cắt lát

- Phần chè khúc bạch trà xanh: 120ml sữa tươi không đường, 120ml kem sữa tươi, 40g đường cát trắng, 1 thìa nhỏ bột trà xanh, 20ml nước ấm, 20ml nước ấm để hòa với bột trà xanh, 7g bột gelatin (hoặc có thể thay bằng 3 lá gelatin) , 1 thìa canh hạnh nhân cắt lát

- Nước đường dùng để ăn kèm: 40g đường phèn

- Long - cơm nhãn đã lấy hột, hoặc vải thiều

Các bước thực hiện:

- Bột gelatin cho ra bát. Thêm vào 20ml nước ấm, hòa cho gelatin tan sơ. Cho sữa tươi, kem tươi, đường cát trắng vào nồi, đun sôi lửa nhỏ đến khi tan hết đường.

Sợ chè khúc bạch chỉ vì trái cây gây nóng và đường quá ngọt

Sợ chè khúc bạch chỉ vì trái cây gây nóng và đường quá ngọt. Ảnh minh họa

- Đổ từ từ bát bột gelatin đã hòa tan với nước ấm ở bước 2 vào nồi sữa đun nóng, dùng muôi quấy nhẹ để gelatin tan hoàn toàn thì cho tinh dầu hạnh nhân vào.

- Nhấc nồi ra khỏi bếp, đổ vào khuôn thủy tinh sạch, để nguội hẳn rồi cho vào tủ lạnh, để 4-5 tiếng đến khi đông cứng hẳn.

- Phần chè khúc bạch trà xanh: cho trà xanh ra bát, hòa 20ml nước ấm để bột trà xanh tan hoàn toàn.

- Phần bột gelatin bạn làm tương tự như phần bột gelatin ở các bước 2 và đun sữa, kem sữa tươi, đường cho tan, tiếp theo cho gelatin và trà xanh ở bước 6 vào khuấy đều.

- Nhấc nồi ra khỏi bếp, đổ vào khuôn thủy tinh sạch, để nguội hẳn rồi cho vào tủ lạnh, để 4-5 tiếng đến khi đông cứng hẳn.

- Đun đường phèn với một bát con nước lọc, nấu cho đường tan, để nguội.

- Vải thiều hoặc nhãn hoặc chôm chôm tách lấy hạt, nếu dùng vải đóng hộp thì bạn giữ lại phần nước đường để dành rưới lên bề mặt chè.

- Hạnh nhân lát nướng ở nhiệt độ 160 độ C khoảng 3-4 phút đến khi hạnh nhân chín, hoặc có thể rang trên bếp đến khi hạnh nhân chín vàng.

- Phần thạch chè khúc bạch trắng và trà xanh sau khi đông cứng, cho ra ra thớt sạch, cắt thành những miếng vuông vừa ăn.

- Khi dùng cho một ít thạch trắng hay thạch trà xanh vào bát, thêm vải thiều, chan nước đường, rắc hạnh nhân lên bề mặt, dùng lạnh.

Một số người không nên ăn nhiều chè khúc bạch

Các bác sỹ ở Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, nên chỉ ăn chè khúc bạch 1 tuần 2 lần, cách nhật. Lý do được các bác sỹ đưa ra là, trong một ngày ăn quá 2 bát chè khúc bạch, lượng đường cung cấp sẽ thừa, không tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người có bệnh tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp.

Theo ThS. BS Phan Hướng Dương, Trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đối với người đái tháo đường tuỳ từng giai đoạn tiến triển của bệnh mà nên hạn chế những loại thức ăn nào. Nếu người bệnh đang kiểm soát được đường huyết tốt thì người bệnh có thể ăn những loại quả gây tăng đường huyết cao. Hoặc ngược lại thì nên tránh những quả như vải, nhãn, nho, chôm chôm.

Còn theo lương y Bàng Cẩm -  TP.HCM, các loại trái cây ngọt có nhiều đường như: nhãn, nho, vải... nên ăn điều độ, hợp lý vì sau khi ăn, lượng đường huyết sẽ tăng cao. Đối với người bệnh nặng, chức năng thận bị rối loạn, người tiểu đường, cao huyết áp cần hạn chế.

Với những người mang bầu, trong chè khúc bạch có thể có một trong các loại quả như nhãn, vải, chôm chôm… đó là những trái cây tốt đối với sức khỏe, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều cùng lúc. Kể cả những trái cây đó trong một bát chè khúc bạch cũng không nhiều, thường từ 5 – 7 trái đã bóc vỏ và bỏ hột nhưng những trái cây như vậy tính nóng, dễ gây ra mụn nhọt. Thậm chí ăn mức độ dày, nhiều có thể ảnh hưởng tới thai nhi.

Với những người “bụng yếu” như đang bị tiêu chảy, đi ngoài thì không nên ăn chè khúc bạch bởi ăn vào có thể làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Trái cây, sữa trong chè khúc bạch sẽ làm gia tăng tình trạng tiêu chảy, đi ngoài nhiều hơn.

Trên thực tế, theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu dùng quả nhãn đưa vào trong chè khúc bạch làm trái cây chính, loại trái cây này được nhiều người ưa thích, dễ dùng, ngon, ngọt, thơm… Tuy nhiên, loại quả này tính nóng, là nguồn cơn gây ra mụn nhọt, mẩn ngứa. Đặc biệt với những phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn nhãn vì khi ăn vào, cơ thể sẽ nóng, gây xáo trộn sự phát triển bình thường của thai nhi dẫn tới chảy máu, đau bụng … Thậm chí bà bầu ăn nhiều nhãn sẽ làm tổn thương thai nhi, dẫn đến sảy thai.

Hoặc khi làm chè khúc bạch, người chế biến có thể dùng quả vải để làm loại quả chính trong bát chè. Loại quả này có hàm lượng đường quá cao, không tốt cho những thai phụ đã từng mắc bệnh tiểu đường cũng như chứng thừa cân.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang