Mỹ phẩm hàng hiệu giá 'bèo': Vi phạm sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng lĩnh quả đắng

author 06:16 18/10/2018

(VietQ.vn) - Từ chợ Nhà xanh đến Đồng Xuân, từ Phùng Khoang đến chợ đêm phố cổ (Hà Nội), hàng tá loại mỹ phẩm mang thương hiệu của những nhãn hàng cao cấp được bày bán công khai với mức giá chỉ… vài chục nghìn đồng.

Một câu hỏi được đặt ra, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu những loại mỹ phẩm rởm này gây hại cho người tiêu dùng?

Mỹ phẩm hàng hiệu giá siêu rẻ

Một thỏi son Tomford được nhà sản xuất niêm yết với giá trung bình 55 USD (khoảng 1,3 triệu đồng). Với bao bì mẫu mã và nhãn hiệu giống hệt nhưng tại chợ Nhà xanh, nó được bày bán với giá… 85.000 đồng. Son YSL khá hot với chị em hiện nay, ở chợ Đồng Xuân được “đổ buôn” 65.000 đồng/thỏi, giá bán lẻ dao động từ 75.000 - 90.000 đồng. Trong khi đó, trang web chính thức của YSL niêm yết các loại son với mức giá thấp nhất là 32 USD (khoảng 750.000 đồng), cao nhất là 95 USD (2,2 triệu đồng).

 Những thỏi son nhái được bán công khai tại các chợ ở Hà Nội

Ở khắp các chợ dù là đầu mối hay chuyên bán lẻ khu vực Hà Nội, có thể dễ dàng tìm thấy những loại mỹ phẩm được người bán giới thiệu là “chất lượng cao”, nhưng mức giá chỉ dao động từ 60.000 - 90.000 đồng. Cá biệt tại chợ Phùng Khoang, chúng tôi được chào mời loại son với mức giá chỉ 10.000 đồng/thỏi! Loại “cao cấp” hơn là 30.000 - 80.000 đồng/thỏi và loại "xịn" lắm cũng chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng/ thỏi.

Không chỉ son môi mà hầu như tất cả các loại mặt hàng mỹ phẩm đang được bày bán nhan nhản ở các khu chợ này. Nước hoa của nhãn hàng hiệu nổi tiếng Bleu de Chanel có giá 120.000 đồng. Các loại kem dưỡng toàn thân, kem nền, thuốc nhuộm tóc hay thậm chí dầu gội cũng chỉ có giá rất “bèo”.

Đặt câu hỏi về tại sao toàn mỹ phẩm hàng hiệu mà giá lại rẻ đến thế, cô gái bán hàng tại một ki-ốt ở chợ Nhà xanh phân trần rằng đây là “hàng chợ” nên giá rẻ thế thôi. Khi nhận thấy chúng tôi nghi ngại về chất lượng sản phẩm, chủ cửa hàng khẳng định mỗi ngày ki-ốt bán cả trăm sản phẩm, chủ yếu cho các nữ sinh ở các trường đại học xung quanh mà chưa thấy ai phàn nàn gì về chất lượng sản phẩm.

Và cuối cùng, chủ ki-ốt này “bơ” đi khi chúng tôi đặt câu hỏi về nguồn gốc xuất sứ. Không thể có câu trả lời thỏa đáng, chủ cửa hàng này lạnh lùng nói: “Tôi không biết, chị mua thì mua, không mua thì ra chỗ khác. Ở đây ai cũng bán như thế cả”.

Trách nhiệm quản lý và lời cảnh báo giàu sức nặng

Dân gian có câu, đắt sắt ra miếng. Trong trường hợp này, điều đó hoàn toàn đúng. Sử dụng những loại mỹ phẩm chính hãng với giá cả tương xứng, người tiêu dùng sẽ nhận được đúng giá trị sản phẩm. Ngược lại, với những loại mỹ phẩm vài chục nghìn đồng này, sớm muộn rồi cũng rước họa.

Bạn Thu Quyên (SV ĐHSP Hà Nội) - một khách hàng quen thuộc tại chợ Nhà xanh, mới đây mua một lọ thuốc nhuộm tóc giá 17.000 đồng cho mẹ. Nhuộm tóc được hai ngày thì da đầu nổi ngứa, xuất hiện từng mảng sau đó cứ thế bong tróc dần. Phải mất một thời gian điều trị da đầu mới hồi phục, còn hai mẹ con được một phen khiếp vía.

Việc kiểm tra, giám sát hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải được đẩy mạnh hơn nữa trong công cuộc chống hàng giả, hàng kém chất lượng 

Những trường hợp như Thu Quyên không phải hiếm. Tại các fanpage dành cho các chị em ưa làm đẹp, rất nhiều trường hợp chia sẻ về “tai nạn” trong quá trình sử dụng những loại mỹ rởm kể trên. Người nhẹ thì mẩn ngứa, dị ứng phải điều trị hàng tuần. Người kém may mắn hơn thì dẫn đến bong tróc cơ thể, thậm chí nổi mụn sưng tấy và phải vô cùng tốn kém, điều trị trong khoảng thời gian dài nhưng cũng không bao giờ trở lại như ban đầu.

Tình trạng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất sứ, hàng giả, nhái các mẫu mã thương hiệu lớn ở Việt Nam vốn đã tồn tại từ lâu, thậm chí đến nay còn được mặc nhiên thừa nhận theo kiểu tiền nào của nấy. Thế nhưng, đây rõ ràng là sự vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ và tiếp tay cho gian thương buôn bán hàng trôi nổi, hàng kém chất lượng. Bài toán đặt ra với các cơ quan chức năng về việc thắt chặt quản lý thị trường, về cuộc chiến với hàng giả hàng nhái, do đó ngày càng trở nên bức thiết.

Nhưng đồng thời đây cũng là vấn đề với chính người tiêu dùng. Với những loại sản phẩm dễ dàng có thể thẩm định được về nguồn gốc xuất sứ và chất lượng và bằng mắt thường cũng nhận ra đây là hàng nhái giá rẻ, cách tốt nhất là nói không với những loại mỹ phẩm như thế. Bởi lẽ, trong lúc cơ quan chức năng còn chưa có lời giải thỏa đáng thì người tiêu dùng - vì tham giá rẻ hoặc thiếu hiểu biết, sẽ lĩnh hậu quả đầu tiên.

Mỹ phẩm tự chế bán tràn lan trên mạng: Như chưa hề có cuộc ra quân?(VietQ.vn) - Kem trộn, son handmade và các loại mask đắp mặt… là những sản phẩm mỹ phẩm tự chế được các “xưởng” sản xuất và bán trực tiếp trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn người theo dõi và đặt hàng.

Thảo Quyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang