Năm 2020, Hà Nội có khoảng 250ha sản xuất bằng công nghệ nông nghiệp hữu cơ

author 15:07 26/10/2018

(VietQ.vn) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2020; phấn đấu đến năm 2020, thành phố có từ 200 đến 250ha sản xuất bằng công nghệ nông nghiệp hữu cơ.

Để đạt mục tiêu này, UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương khảo sát, lựa chọn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiên tiến, bảo đảm nguyên tắc phù hợp hệ sinh thái, không sử dụng chất hóa học tổng hợp, công nghệ biến đổi gen, phóng xạ hay công nghệ có hại khác... góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, 100% số hộ dân, người sản xuất trực tiếp trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ được tập huấn về kỹ thuật, hiểu biết về tiêu chí nông nghiệp hữu cơ. Thành phố cũng sẽ phấn đấu xây dựng từ 5 đến 10 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với quy trình kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các tiêu chuẩn theo quy định, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia về nông nghiệp hữu cơ.

Liên quan tới vấn đề trên, theo TS Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, mặc dù đi sau nhưng hiện nay Việt Nam đã vào danh sách 170 quốc gia tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Và để hỗ trợ cho người làm sản xuất nông nghiệp hữu cơ một cách tốt nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ; trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Hà Nội phấn đấu tới năm 2020 sẽ có khoảng 200-250ha sản xuất bằng công nghệ hữu cơ. Ảnh minh họa/báo Dân trí 

Ông Mịch cho rằng, để các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ, cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của hộ gia đình, trang trại. Mỗi thị trường có yêu cầu riêng về tiêu chuẩn và để đáp ứng yêu cầu đó, cần tìm hiểu thị trường cũng như tiêu chuẩn và các quy định về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các tổ chức chứng nhận cần nâng cao trình độ, tránh tình trạng các đơn vị sản xuất chưa đạt chuẩn nhưng vẫn được chứng nhận, làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, các nhà phân phối và người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm hữu cơ, truy xuất nguồn gốc để tránh việc phân phối, tiêu dùng sản phẩm kém chất lượng.

Về vấn đề xây dựng tiêu chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ, theo lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), trong năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các chuyên gia, hiệp hội cũng như nhiều đơn vị đã phối hợp xây dựng bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ. 

Đây là bộ tiêu chuẩn thể hiện nỗ lực lớn của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phát triển, góp phần quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL, trong thời gian tới, phía Tổng cục mong muốn tiếp tục phối hợp với bộ ban ngành, các chuyên gia, tổ chức tư vấn, chứng nhận… và nhiều cơ quan khác để thúc đẩy các tiêu chuẩn của nông nghệp hữu cơ, thúc đẩy hoạt động chứng nhận, thúc đẩy truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin nhằm mang lại niềm tin cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, góp phần thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện rõ trong Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.

Bảo Lâm

Đánh giá viên trưởng Nông nghiệp Hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041(VietQ.vn) - Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thực hiện chương trình đào tạo: " Nhận thức và Đánh giá viên nội bộ/ Đánh giá viên trưởng Nông nghiệp Hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041".
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang