Năm 2023, Cần Thơ sẽ xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc

author 19:45 06/10/2022

(VietQ.vn) - Mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ đã tổ chức hướng dẫn làm hồ sơ, đăng ký thủ tục cấp mã số vùng trồng (code), quy trình sản xuất… phục vụ cho việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Theo kế hoạch, năm 2023, Cần Thơ sẽ có lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thới 1, tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền cho hay, việc Trung Quốc đồng ý cho sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này là niềm vui với người trồng sầu riêng bởi điều này giúp được bán ổn định, bền vững, lâu dài chứ không bấp bênh như trước đây.

Hiện sầu riêng của Hợp tác xã Tân Thới 1 được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP với 25ha, sản xuất đạt yêu cầu chất lượng từ Trung Quốc.

Nếu những năm trước đây chỉ có 1 - 2 doanh nghiệp liên kết với người dân trồng sầu riêng thì từ khi có Nghị định thư của Trung Quốc về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này, đã có nhiều doanh nghiệp trong nước liên kết trồng sầu riêng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

 Năm 2023, Cần Thơ sẽ xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc. Ảnh minh họa

Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Chánh Thu, tỉnh Bến Tre, việc cấp mã số vùng trồng sầu riêng cho nông dân giống như cấp căn cước công dân. Ai có mã số vùng trồng thì sầu riêng mới xuất khẩu được. Đây là quy định để đồng bộ hóa tiêu chuẩn chất lượng mà nông dân, doanh nghiệp phải tuân thủ. Mở rộng được một thị trường đã khó và để giữ được thị trường càng khó. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn liên kết với hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng để mua được sản phẩm tại chính vùng trồng.

Để làm được điều này cần sự chung tay của hợp tác xã và nhận thức liên kết của nông dân; đồng thời, cán bộ địa phương tuyên truyền nhằm giúp nông dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của mã số vùng trồng. Thông tin hướng dẫn cho người dân về việc làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, những năm trước đây, người dân, hợp tác xã được doanh nghiệp liên kết làm mã số vùng trồng, nhưng quá trình liên kết chưa như mong muốn. Hiện nay, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu không phân biệt của hợp tác xã hay doanh nghiệp và hợp tác xã phải biết cách làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng.

Tiêu chí sản xuất sầu riêng được quy định trong Nghị định thư của Trung Quốc không phải khó với người nông dân. Vấn đề chỉ là người dân chưa quen tập quán sản xuất mới, không chú ý đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật. Do đó, người dân phải tiếp cận lại quy trình sản xuất mới như: ghi chép nhật ký sản xuất để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật được cho phép... để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.

Điều quan trọng để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, người trồng sầu riêng phải được cấp mã số vùng trồng và doanh nghiệp cấp mã số cơ sở đóng gói. Ngoài yếu tố thủ tục đòi hỏi chất lượng sản phẩm được đảm bảo.

Thành phố Cần Thơ hiện có 2.500 ha diện tích trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Phong Điền với 2.150 ha. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện mới có một hợp tác xã của huyện đủ diện tích cấp mã số vùng trồng, số diện tích còn lại phân tán nhỏ lẻ, không đủ 10 ha/hộ. Vì vậy, người dân nên liên kết thành lập tổ hợp tác để đủ diện tích đăng ký mã số vùng trồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, Nghị định thư vừa tạo ra cơ hội vừa tạo ra thách thức. Khi thị trường chính ngạch mở cửa thì khả năng thị trường tiểu ngạch sẽ khép lại và phía bạn sẽ quản lý chặt con đường tiểu ngạch. Như vậy, đối với nông dân trồng sầu riêng không được cấp mã số vùng trồng, không thực hiện đồng bộ quy trình truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sẽ rất khó tiêu thụ.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được cấp mã số vùng trồng, Phó Giám đốc Sở cũng đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn chi tiết lực lượng cộng tác viên bảo vệ thực vật cấp xã, khuyến nông xã để hỗ trợ người dân làm thủ tục mã số vùng trồng vì nhiều nông dân lớn tuổi khó tiếp cận công nghệ thông tin để xác định tọa độ vườn; triển khai App đăng ký cấp mã số vùng trồng trực tuyến của Cục Bảo vệ thực vật.

Trước đó, vào tháng 9/2022, tại huyện Krông Pắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Lô sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc với sự tham gia của 5 doanh nghiệp, tổng cộng 6 container với trọng lượng hơn 100 tấn.

Đây là kết quả nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang