Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ chuyển mình

author 15:55 09/08/2021

(VietQ.vn) - Cho đến nay, vẫn có không ít doanh nghiệp không nhận thấy sự cần thiết của quá trình chuyển đổi số, chậm thay đổi cũng như không thực hiện chuyển đổi số một cách triệt để.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, dự báo số doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc phá sản sẽ tăng cao khó lường, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì do tính hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nay bị bế quan tỏa cảng sẽ gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất sẽ tăng nhanh.

Hầu hết doanh nghiệp cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc…

Một khảo sát đánh giá tác động dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho thấy, trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các lĩnh vực như dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch,... bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số, doanh nghiệp chuyển mình. Ảnh minh họa. 

Có thể nói, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ Khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TP.HCM chia sẻ, từ 5 năm trước, Công ty đã thực hiện chuyển đổi số và trở thành doanh nghiệp tiên phong ở TP Hồ Chí Minh trên lĩnh vực này. Kết quả của chuyển đổi số giúp công ty tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua tự động hóa.

Hay như đại diện Công ty May 10 cũng cho biết, May 10 đã đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 bằng cách chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Đó là khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu...

Chuyển đổi số là cơ hội và cũng là thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Thực tế cho thấy có không ít doanh nghiệp không nhận thấy sự cần thiết của quá trình chuyển đổi số, chậm thay đổi cũng như không thực hiện chuyển đổi số một cách triệt để. Dù là quy mô lớn hay nhỏ thì những doanh nghiệp như vậy sẽ bị trải qua giai đoạn gián đoạn số (không chịu chuyển đổi), dẫn tới nguy cơ của sự tụt hậu và dần bị loại ra khỏi cuộc đua.

Với nền tảng công nghệ có sự thay đổi nhanh chóng theo hướng tích cực, sự ủng hộ của chính phủ thông qua việc xác định chuyển đổi số là chiến lược quốc gia cũng như ban hành, thực thi các chính sách cụ thể, hoạt động chuyển đổi số tại doanh nghiệp Việt Nam đang ở thời kỳ rất sôi động. Kỳ vọng sự chuyển mình kịp thời của các doanh nghiệp sẽ tạo ra thế và lực mới, nâng cao hơn nữa đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển của đất nước.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang