Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Covid-19 là cú huých trăm năm để đẩy nhanh chuyển đổi số

author 16:46 14/07/2021

Ông Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng vào khả năng thay đổi mạnh mẽ của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam sau khi đại dịch Covid đi qua.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Xã hội được số hóa toàn diện sau Covid

Ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị trực tuyến, đối thoại phát triển địa phương 2021 với chủ đề: “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới", kết nối với 59 điểm cầu tại các địa phương cả nước.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng khẳng định: “Covid-19 chính là cú huých trăm năm để đẩy nhanh chuyển đổi số. Cần tận dụng được món quà này của Covid để Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số, để sau Covid chúng ta sẽ xuất hiện ở một trạng thái mới - một xã hội được số hoá toàn diện”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích chuyển đổi số gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Covid-19 là tình huống đặc biệt để thử nghiệm phản ứng của những thành tố này có nhanh và hiệu quả không. Khi giãn cách xã hội hoặc cách ly vì Covid, chính quyền số phải cung cấp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến. Khi đó, kinh tế số là quả vải thiều của bà con có thể bán đến mọi hộ gia đình Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Vải thiều phải được giao hàng tận nhà, nơi xa nhất cũng chỉ mất 2 ngày và hàng vẫn còn tươi.

Trong trạng thái mới, các nền tảng số giúp mọi người làm việc tại nhà, họp trực tuyến. “Học trực tuyến là mức tối thiểu. Mức cao hơn là chính quyền có cho phép 20-30% số môn được học online, thi online không? Nhà nước có cấp phép cho đại học số không? Để gần như 100% là học online, thi online, ai ở đâu cũng được, học lúc nào cũng được, thực hành phòng lab ảo lúc nào cũng được, thi lúc nào cũng được và khi đủ tín chỉ, chứng chỉ thì cấp bằng”, Bộ trưởng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nói rõ hơn về xã hội số khi lấy ví dụ về khả năng tiếp cận của người dân với bác sĩ, bệnh viện. Bộ trưởng phát biểu: “Covid cũng hạn chế đến bệnh viện. Vậy có ứng dụng nào để người dân có thể tư vấn khám chữa bệnh từ xa không? Một người nông dân ở một xã biên giới xa xôi có thể tiếp cận online với bác sĩ chuyên khoa hàng đầu cả nước không? Nếu có thì đó là xã hội số”.

Nói về chính quyền số, Bộ trưởng Hùng đánh giá khả năng truy vết nhanh và chính xác nhờ vào các ứng dụng, QR code, mạng di động để không phải giãn cách diện rộng, không phải cách ly, phong toả nhiều. Nhờ đó, các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn có thể diễn ra.

Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức viên chức

Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về mong muốn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức địa phương bằng việc sử dụng trợ lý ảo giao tiếp với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên, kết nối với dữ liệu lớn và sử dụng trí tuệ nhân tạo AI. “Tỉnh có 30.000 cán bộ, công chức viên chức, sẽ được bổ sung thêm 30.000 lao động nữa, mà lại là lao động có chuyên môn và chuyên nghiệp. Chất lượng công việc tă ng lên và chất lượng cuộc sống cũng tăng lên. Chuyển đổi số thường là cách tốt nhất để giải quyết các bài toán mục tiêu kép”, Bộ trưởng phân tích.

Ông cũng chia sẻ về ý tưởng số hoá quy trình làm việc. Khi đó, mọi người đều làm việc trên một nền tảng số, các quy định và quy trình làm việc đều được tích hợp vào trong nền tảng này. Mọi hoạt động đều diễn ra trên nền tảng này, tách ra khỏi nền tảng là không làm việc được, các bước được lập trình và con người chỉ phải ra quyết định Yes or No ở từng bước. Theo Bộ trưởng, việc của con người là ra các quyết định để đạt mục tiêu cuối cùng, không phải hướng đến quy trình. “Máy tính và công nghệ số sẽ giúp chúng ta quay về với giá trị đích thực của con người là ra các quyết định đúng để đạt mục tiêu cuối cùng chứ không phải là tuân thủ các quy trình”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tiếp tục đề tài nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, ông Hùng kỳ vọng việc đào tạo được thực hiện trên một nền tảng online, đưa nội dung đào tạo lên nền tảng, mọi người có thể tự học, tự thi. “Một quý 90 ngày, ai muốn học, muốn kiểm tra bất kỳ lúc nào cũng được. Linh hoạt như vậy thì cán bộ, công chức sẽ rất vui vẻ để học. Các địa phương cần có một nền tảng đào tạo trực tuyến”, Bộ trưởng chia sẻ.

Để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức viên chức, rất nhiều dự án công nghệ thông tin được triển khai ở Việt Nam. Tuy vậy, đa số không thành công, không mang lại hiệu quả như mong muốn. Ông Hùng phân tích: “Để viết được một sản phẩm công nghệ thông tin 4-5 điểm, tức là chạy được, rất nhiều người làm được, nhà nhà có thể làm được. Sản phẩm 4-5 điểm này đưa vào sử dụng bất tiện hơn là không có,và vì vậy, không được đón nhận. Chỉ có sản phẩm xuất sắc mới thay thế được cách làm cũ. Nhưng một sản phẩm công nghệ thông tin xuất sắc lại không dễ, số người có thể làm được giảm xuống đáng kể. Bởi vậy việc chọn đúng người làm có ý nghĩa quyết định đến thành công của một dự án công nghệ thông tin”.

Chuyển đổi số ở Việt Nam có sự khác biệt

Kỷ nguyên số hoá có 3 giai đoạn. 1 là số hoá thông tin, văn bản giấy được số hoá và lưu trữ, xử lý trên máy tính. 2 là số hoá quy trình, còn gọi là ứng dụng công nghệ thông tin, ví dụ là các phần mềm quản trị nhân lực. Giai đoạn 3 là số hoá tổ chức, đưa toàn bộ hoạt động của tổ chức lên môi trường số, là thay đổi cách vận hành của tổ chức, còn gọi là chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số ở Việt Nam có sự khác biệt vì nhiều việc của giai đoạn 1, giai đoạn 2 vẫn chưa xong. “Đặc điểm lớn nhất của chuyển đổi số ở Việt Nam là 3 trong 1. Thực hiện chuyển đổi số cả tổ chức cùng với việc số hoá dữ liệu, số hoá quy trình. Cái may mắn của Việt Nam là giai đoạn 1 và 2 chưa làm được nhiều và vì vậy có cơ hội ứng dụng những nền tảng số hiện đại nhất để đẩy nhanh chuyển đổi số”.

Ông Hùng cho rằng chuyển đổi số 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo, là tri thức của hệ thống chính quyền. Công nghệ chỉ chiếm 30%. “Chuyển đổi số là máy tính thay lao động trí óc. Chúng ta phải dạy cho máy tính trước về tri thức của chúng ta rồi máy tính sẽ tự học tiếp dựa trên dữ liệu mới. Sự thông minh của máy tính đầu tiên là do tri thức của hệ thống chính quyền. Những người xuất sắc nhất của chính quyền phải tham gia cùng với những người làm công nghệ. Chính quyền địa phương càng dùng nhiều thì hệ thống càng thông minh lên”.

Theo NSDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang