Nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy nhiệt điện

author 11:33 01/11/2015

(VietQ.vn) - Dự kiến đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện của Tổng Công ty Điện lực khoảng 2.880MW.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Do đó, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cần phải nâng cao hiệu quả vận hành của các nhà máy như tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu suất tổ máy, đảm bảo tổ máy vận hành liên tục khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

Để thực hiện được nhiệm vụ không kém phần nặng nề ấy, theo lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực, Tổng Công ty đã xây dựng và tích cực triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể là không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng xử lý sự cố, vận hành của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhân viên vận hành.

Hàng năm, Tổng Công ty đều tổ chức các hội nghị kỹ thuật để đội ngũ cán bộ kỹ thuật các Nhà máy cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm vận hành, xử lý sự cố hoặc đưa ra các vấn đề đang gặp phải mà nhà máy chưa giải quyết được để cùng thảo luận, đưa ra hướng giải quyết. Tổng Công ty cũng đặc biệt tập trung trong công tác quản lý kỹ thuật - xác định đây là khâu then chốt quyết định đến kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của các đơn vị cũng như Tổng Công ty.

Tổng Công ty Điện lực

Lực lượng trẻ ở Phòng Điều khiển trung tâm - "trái tim" của Nhà máy điện

Nhằm tối ưu hóa cho hệ thống thiết bị cũng như chế độ vận hành các nhà máy, Tổng Công ty chú trọng hàng đầu vào công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Hàng năm, tính trung bình toàn Tổng Công ty có gần 100 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như: Sáng kiến áp dụng đốt than Na Dương trong quá trình khởi động tổ máy làm giảm thời gian đốt dầu, qua đó tiết kiệm tiêu hao dầu trong các lần khởi động; chuyển đổi phương thức cấp điện tự dùng tại các Nhà máy Sơn Động, Cẩm Phả, qua đó tiết kiệm được chi phí chênh lệch khi phải mua điện EVN về nhà máy...; giảm tỷ lệ các - bon không cháy hết trong tro bằng cách hiệu chỉnh lại các thông số vận hành, nghiên cứu áp dụng các chất phụ gia để thúc đẩy quá trình cháy trong lò, nâng cao hiệu suất tổ máy.

Với nhiều phương án, các đơn vị trong Tổng Công ty đã nỗ lực giảm các sự cố do nguyên nhân chủ quan bằng cách sau mỗi lần sự cố xảy ra tiến hành họp kiểm điểm, phân tích nguyên nhân sự cố và đưa ra các biện pháp xử lý để nhanh nhất đưa tổ máy vào vận hành trở lại, hạn chế thấp nhất sự cố mang tính lặp lại. Từ đó, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác kỹ thuật và có các chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm quy trình kỹ thuật, gây mất an toàn.

Mặt khác, để khắc phục hiện tượng mài mòn gây bục ống trong lò, các đơn vị tính toán, xử lý hiệu chỉnh lại chế độ khói gió trong lò, đo đạc chiều dày ống sinh hơi sau mỗi lần dừng, lập bảng thống kê độ mài mòn ống sinh hơi để lên kế hoạch sửa chữa, thay thế; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới như khớp nối thủy lực, biến tần cho những động cơ công suất lớn nhằm giảm điện tự dùng.

Đồng thời với việc quản lý chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào như than, chất lượng nước, hóa chất cho xử lý nước theo đúng thiết kế kỹ thuật nhằm đảm bảo tổ máy vận hành liên tục, ổn định và hiệu suất cao, tùy đặc thù, các đơn vị trong Tổng Công ty Điện lực thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng sửa chữa thiết bị theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất, qua đó giữ thiết bị vận hành ở hiệu suất cao nhất và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của tổ máy. Song song với đó, mỗi CBCNV - LĐ không ngừng nâng cao ý thức tiết kiệm trong công việc, trong quá trình vận hành thiết bị và dây chuyền công nghệ.

T. Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang