Doanh nghiệp chưa thực sự là động lực tăng trưởng năng suất lao động

authorHòa Lê 07:06 20/11/2018

(VietQ.vn) - So sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước Đông Bắc Á và ASEAN có thể thấy, năng suất lao động 09 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế là nâng cao năng suất lao động - một thách thức thực sự đối với Việt Nam.

Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và GS Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) công bố, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có tăng trưởng về nhiều mặt. Tuy nhiên, mức tăng còn hạn chế và năng suất lao động của nước ta vẫn đang là vấn đề gây “đau đầu” cho các nhà quản lý.

Năng suất lao động: Thách thức của Việt Nam

 Nâng cao năng suất lao động - một thách thức thực sự đối với Việt Nam.

So sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia) thì có thể thấy, năng suất lao động 09 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên (tính theo số liệu đến năm 2015). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo được coi “đầu tàu” nền kinh tế, có đóng góp cho xuất khẩu cao nhưng năng suất lao động chưa cao. Trong khi đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế.

Tính trung bình trong giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế có năng suất lao động ở mức cao là ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, hoạt động kinh doanh bất động sản, cung cấp nước.

Chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp, khoảng cách xa với các nước trong khu vực ASEAN, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh thế còn chậm, những ngành công nghiệp dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp, nhất là ngành mũi nhọn như tài chính, tín dụng, du lịch.

nâng cao năng suất lao động - một thách thức thực sự đối với Việt Nam.

 Thực tế quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Bên cạnh đó, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu. Phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang.

Đáng lưu ý, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, hiện khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động khu vực doanh nghiệp tăng thấp hơn tốc độ tăng của tiền lương bình quân một lao động khu vực doanh nghiệp.

Theo ông Lâm, thực tế quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước, phần lớn doanh nghiệp chưa đạt được quy mô tối ưu (50-99 lao động) để có được mức năng suất lao động cao nhất. Số lượng doanh nghiệp lớn còn ít (chỉ chiếm 2,1%), doanh nghiệp chưa xâm nhập được vào các thị trường, trung tâm công nghệ của thế giới, do đó chưa thực hiện được chức năng cầu nối về công nghệ tri thức của thế giới vào thị trường trong nước.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang