Ngành gỗ Việt trước thách thức truy xuất nguồn gốc

author 06:53 26/09/2020

(VietQ.vn) - Cùng với cơ hội, EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành gỗ. Đó là những đòi hỏi khắt khe của thị trường EU về tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa cao và nguồn gốc gỗ nhằm bảo đảm thực thi các chính sách về môi trường.

Theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt con số kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 18%. Các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ Việt Nam lần lượt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với kim ngạch từ trên 542 triệu USD (Hàn Quốc) đến hơn 4,19 tỷ USD (Hoa Kỳ). Các quốc gia và khu vực này đều đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng ngành gỗ Việt Nam không những không bị sụt giảm kim ngạch mà còn có bước tăng trưởng đột phá nhờ việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do.

“Nút thắt” lớn nhất mà mọi doanh nghiệp xuất khẩu gỗ muốn vào EU phải đáp ứng đó là nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu. Ảnh minh họa.

Trao đổi về vấn đề trên, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào thị trường chiến lược như Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ Việt Nam tăng từ 43% năm 2018 trên tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước lên 50% năm 2019 và 53% chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020.

“Sản phẩm chiến lược rõ ràng nhất là tủ bếp, tủ nhà tắm. Trong 9 tháng qua, các sản phẩm này đạt kim ngạch gần 1 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ. Quy mô giá trị thương mại của mặt hàng này dự báo sẽ lên tới khoảng 7 tỷ USD. Bình Định sẽ là trung tâm sản xuất các mặt hàng này với kim ngạch dự kiến đạt trên 300 triệu USD trong năm 2022. Tính tổng giá trị ngành gỗ, sau năm 2022, Bình Định sẽ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD”, ông Lập nhận định.

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, song hành với cơ hội lớn, EVFTA cũng đặt ra những thách thức cho ngành gỗ. Đó là những đòi hỏi khắt khe của thị trường EU về tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa cao và nguồn gốc gỗ nhằm bảo đảm thực thi các chính sách về môi trường.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, tới đây, Bộ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó đối với ngành đồ gỗ sẽ nhanh chóng triển khai Hiệp định VPA/FLEGT để thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bền vững. Bên cạnh đó, cần tập trung vào các vấn đề then chốt như: tăng cường diện tích rừng trồng có chứng chỉ; tất cả các doanh nghiệp ngành gỗ khi tham gia chuỗi cung ứng phải minh bạch từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng.

Hàng rào thuế quan giảm mở ra cơ hội rất lớn cho ngành gỗ Việt Nam tại thị trường EU. Cùng với sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, vấn đề còn lại nằm ở chính các doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Theo đó, cần phải xem xét những tiêu chuẩn của thị trường EU để tìm cách áp dụng vào sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần bắt đầu tìm kiếm đối tác ở EU để dễ dàng tiếp cận thị trường này hơn...

Hạt điều và ngành gỗ 'lội ngược dòng'(VietQ.vn) - Tưởng chừng đổ vỡ, không thể đạt mục tiêu do COVID-19 nhưng hai ngành gỗ và hạt điều nhờ nắm bắt tốt thông tin, nhanh nhạy nên đã đạt kết quả tích cực...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang