‘Nghi án’ đút lót 1 tỷ đồng, ông chủ C2, Rồng đỏ cần làm gì để thoát khỏi khủng hoảng?

authorDương Phương Ngọc 11:06 18/05/2016

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia truyền thông, với “nghi án’ đút lót 1 tỷ, chủ thương hiệu C2, Rồng đỏ nên xử lý một cách bài bản thay vì "bịt miệng" giới chức năng.

Liên quan tới “nghi án” “đút lót” 1 tỷ đồng cho 2 cá nhân ở một cơ quan thuộc ngành y tế để các mẫu nước C2, nước Rồng đỏ được đưa tới kiểm nghiệm cho kết quả như mong muốn, mặc dù Công ty URC Việt Nam đã bác bỏ thông tin trên nhưng theo các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, marketing: Việc xuất hiện thông tin như vậy đã ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của các sản phẩm nước C2, Rồng đỏ của công ty này.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, ông Phạm Hùng Thắng, chuyên gia truyền thông - marketing, sáng lập Học viện Truyền thông & Marketing HEADS Academy, người sáng lập thương hiệu hải sản sạch Vitot nhấn mạnh: “Dù làm thế nào thì URC cũng vẫn nên xử lý một cách bài bản thay vì "bịt miệng" giới chức năng”.

C2, Rồng Đỏ nghi nhiễm chì nặng: ‘Lúc vượt ngưỡng, lúc không là có vấn đề’(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, kết quả hàm lượng chì trong C2, Rồng Đỏ “nhảy múa” chứng tỏ URC “có vấn đề” về công tác quản lý, công tác bảo quản, ý thức trách nhiệm…

Câu chuyện về C2 đột nhiên bị phát tán nhiều thông tin bất lợi thời gian vừa qua khiến ông Thắng liên tưởng tới nhiều vụ “khủng hoảng” của doanh nghiệp trong quá khứ.

Câu chuyện khi xưa liệu rằng Tân Hiệp Phát có phải bị đối thủ “sát hại” khi bị nắm điểm yếu hay không? Hay sự thực là người dân phát hiện thấy thế một cách tự nhiên?

Sau đó không lâu, ô mai Hồng Lam cũng vướng vào truyền thông và mạng xã hội liên quan tới thương hiệu. Tiếp đó, Cocacola dính vào vụ “lùm xùm” khi loại nước ngọt nổi tiếng này có thể tẩy sạch bồn cầu vì thế không nên uống.

Nay lại đến URC Việt Nam bị tung tin trong sản phẩm C2 có chứa chì vượt quá giới hạn cho phép.

Chuyên gia truyền thông Phạm Hùng Thắng cho rằng URC không nên đứng ngoài dư luận...

Theo chuyên gia truyền thông Phạm Hùng Thắng: Điều quan trọng hơn cả trong vấn đề xử lý những khủng hoảng này không phải ở phía truyền thông cũng không phải ở mạng xã hội mà lại nằm ở chính phía doanh nghiệp.

Có doanh nghiệp im lặng khi đó chỉ là tin đồn thiếu căn cứ như vụ Cocacola im lặng với khủng hoảng nói trên. Dường như với họ, sự việc này chẳng lấy gì làm to tát và người uống vẫn uống, người thích hãng khác vẫn cứ mặc nhiên lựa chọn theo ý thích của họ. Còn Cocacola vẫn cứ liên tục đánh chiếm tâm lý khách hàng bằng cảm xúc.

Có doanh nghiệp thì nhất quyết lên tiếng trừng trị kẻ tung tin một cách thích đáng để rồi từ thế “đấu” với một người trở thành “đấu” với cả một tổ chức rồi cao hơn là buộc phải đấu tranh với chính tòa án xã hội đó chính là vụ việc Tân Hiệp Phát đã khiến cho doanh nghiệp này điêu đứng trong cả một khoảng thời gian không hề ngắn, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng.

Lại có những doanh nghiệp vô cùng điềm đạm như ô mai Hồng Lam, chưa cần để dư luận xác minh kỹ lưỡng trắng đen đã nhanh chóng nhận lỗi với toàn bộ khách hàng trên Fanpage, nhận lỗi với dư luận thông qua các bài báo, truyền hình khiến cho vụ việc trôi qua quá nhanh không ai ngờ tới, khách hàng vẫn lại yêu quý Hồng Lam như cách mà họ đã từng yêu quý nhiều năm rồi.

Như vậy, dù lý do doanh nghiệp bị khủng hoảng như thế nào rõ ràng là không quan trọng mà quan trọng nhất là cách hành xử của doanh nghiệp.

Nếu C2 nhiễm độc chì thật thì xin lỗi, đền bù, cam kết là điều mà URC nên làm. Ảnh: Internet.

Quay trở lại chủ đề chính, URC Việt Nam nên làm gì để vượt qua khủng hoảng này?

Ông Thắng nhận xét: “URC Việt Nam không giống sự việc của Coca cola vì có bằng chứng quá rõ ràng từ một bản test sản phẩm. Nhưng họ cũng đang bị chính người trong nội bộ "hạ thủ" với cách thức không khác gì Tân Hiệp Phát đã từng gặp”.

“Theo tôi, URC Việt Nam không nên bỏ ngoài tai, làm ngơ hay đứng ngoài dư luận vụ việc này được bởi sản phẩm của họ gắn với người sử dụng bình dân rất dễ bị kích động, đồn thổi, lan truyền và tẩy tray giống như các sản phẩm của Tân Hiệp Phát.

Nhất là C2 lại là thứ đồ uống rất gia đình tới nỗi nhiều gia đình cho con uống hàng ngày với sự tin tưởng gần như tuyệt đối nên họ càng không thể làm ngơ được” – ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, URC cần cho mọi người thấy rằng: Họ có đủ bằng chứng chứng minh họ không sai, vị tha với người gây ra vụ việc, cho xã hội thấy điều đó mà vẫn có lợi cho mình.

Thêm vào đó, URC cũng không nên quá lan man đi vào các vấn đề hành lang của sự việc. Rồi sau đó thông qua tất cả các kênh truyền thông uy tín lên tiếng xin lỗi khách hàng, sẵn sàng đền bù nếu khách hàng không tin tưởng và cuối cùng là đưa ra hàng loạt cam kết kèm hành động cụ thể.

“Tôi chắc chắn rằng URC Việt Nam sẽ không khó khăn gì để vượt qua khủng hoảng này nếu như làm theo các cách trên” – ông Thắng nói.

Còn “nếu như trong sản phẩm của họ có nồng độ chì quá hạn mức thật thì họ cũng hãy làm theo cách mà ô mai Hồng Lam đã làm kèm với những thông điệp có khả năng trấn an dư luận tốt.

Xin lỗi, đền bù, cam kết vẫn là 3 bước vô cùng quan trọng trong tất cả các cuộc xử lý khủng hoảng lớn hay nhỏ khi chúng ta là người mắc lỗi với khách hàng” – ông Thắng nhấn mạnh.

Như Chất lượng Việt Nam đã đưa tin: Vừa qua, trên mạng xã hội xôn xao về một email được cho là từ Công ty URC Việt Nam, với đuôi địa chỉ là [email protected].

Nội dung trong đó đề cập đến đề nghị mang 1 tỷ đồng "đút lót" cho 2 cá nhân ở một cơ quan thuộc ngành y tế để các mẫu nước C2, nước Rồng đỏ được đưa tới kiểm nghiệm cho kết quả như mong muốn.

Trong trả lời của mình, chiều 13/5, Viện trưởng Viện kiểm nghiệm thực phẩm Quốc gia và đại diện công ty URC đã bác bỏ thông tin này và hiện các cơ quan chức năng của Bộ Y tế cùng công an đã vào cuộc để điều tra, làm rõ.

Cũng trong chiều 13/5, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã có thông tin ban đầu về kết quả kiểm nghiệm 5 mẫu nước C2 và Rồng đỏ của Công ty URC Việt Nam do Viện Dinh dưỡng thực hiện với hàm lượng chì  nằm trong giới hạn quy định.

Trước đó, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng đã tiến hành 3 lần kiểm nghiệm đối với 2 thành phẩm là trà xanh hương chanh C2, nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ, trong đó 2 lần cho ra kết quả: Các sản phẩm này đều có hàm lượng chì cao hơn gần gấp đôi lượng cho phép.

Không những thế, nguyên liệu sản xuất axit citric của công ty URC Việt Nam cũng cho ra kết quả vượt ngưỡng chì cho phép nhiều lần.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang