Nghị quyết 68-NQ/TW giải phóng tiềm năng kinh tế tư nhân

author 21:22 12/05/2025

(VietQ.vn) - Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ tạo niềm tin mới mà còn mở đường cho khu vực tư nhân vươn lên thành trụ cột của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế tư nhân là động lực sống còn

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) về phát triển kinh tế tư nhân. Với nội dung toàn diện, đột phá, Nghị quyết định hình rõ ràng quan điểm mới của Đảng: phát triển kinh tế tư nhân là một tất yếu khách quan, là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Không chỉ dừng ở việc “khuyến khích”, nghị quyết đã đặt ra yêu cầu xóa bỏ định kiến, đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và chấn chỉnh hành vi phân biệt đối xử.

Doanh nghiệp tư nhân được gỡ trói khi Nghị quyết 68 có hiệu lực. Ảnh minh họa

Ngày 11/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế", trong đó nêu rõ “với tầm nhìn, chính sách đúng đắn, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân là sự lựa chọn sống còn để thúc đẩy sản xuất vật chất, tạo ra sự biến đổi xã hội, “sức bật” về trình độ công nghệ, đào tạo nghề, gia tăng khả năng hấp thu vốn, thúc đẩy tăng năng suất lao động, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội”.

Theo TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Nghị quyết 68 đã “thắp lửa” cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ông nhấn mạnh: “Lần đầu tiên, vai trò chiến lược của kinh tế tư nhân được nhìn nhận một cách đầy đủ và nhất quán như vậy. Đây là động lực để các doanh nghiệp tư nhân dám nghĩ lớn, làm lớn, đầu tư bài bản hơn”.

Theo TS Tô Hoài Nam, doanh nghiệp kỳ vọng Nghị quyết sẽ tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và công bằng. Các nút thắt lớn như tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ, hạ tầng hỗ trợ đổi mới sáng tạo cần được tháo gỡ để kinh tế tư nhân phát huy vai trò là đầu tàu của đổi mới và tăng trưởng.

Doanh nghiệp kỳ vọng thể chế minh bạch, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group đánh giá cao sự thay đổi trong tư duy quản lý Nhà nước đối với khu vực tư nhân. “Trước đây, không ít cơ quan còn giữ tâm lý phân biệt giữa tư nhân và nhà nước. Nghị quyết 68 đã phá vỡ rào cản vô hình đó, khơi thông tâm thế cho cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Phúc nhận định. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Muốn Nghị quyết đi vào cuộc sống, cần cuộc cải cách mang tính cách mạng trong thủ tục hành chính. Với lĩnh vực bất động sản, thời gian chờ thủ tục quá dài gây thiệt hại lớn và làm méo mó thị trường. Chúng tôi rất mong được đồng hành trong cải cách này”.

Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM cũng chia sẻ những tín hiệu tích cực từ Nghị quyết 68, trong đó có việc các hộ kinh doanh nhỏ nay đã được phép tham gia vận tải liên tỉnh điều trước đây gần như bị hạn chế. “Tuy nhiên, để đạt hiệu quả dài hạn, cần có hệ thống pháp luật ổn định, đồng bộ và không thay đổi bất ngờ. Doanh nghiệp chỉ có thể yên tâm đầu tư nếu được bảo vệ bằng thể chế minh bạch”, ông Tính cho biết.

Với ngành dịch vụ - du lịch, ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng việc triển khai Nghị quyết 68 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn, thủ tục hành chính. Nếu chính sách hỗ trợ logistics, hạ tầng và chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả, Vietravel sẽ có thể phát triển các trung tâm tích hợp du lịch - hàng không - vận tải quy mô lớn, ứng dụng công nghệ số nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Trong lĩnh vực sản xuất, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean nhìn nhận Nghị quyết là “đòn bẩy chính sách” để doanh nghiệp chuyển mình mạnh mẽ. “Việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào công nghệ cao, chuyển đổi số, logistics, giáo dục và y tế là bước đi đúng hướng. Với ngành dệt may, đây là cơ hội để rời bỏ gia công, chuyển sang làm chủ chuỗi giá trị”, ông Việt nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Việt cho biết thêm, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã đầu tư vào nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép khách hàng thiết kế mẫu trực tuyến, tối ưu hóa quy trình và tăng biên lợi nhuận. “Nếu chính sách tín dụng ưu tiên cho chuyển đổi số được triển khai như tinh thần của Nghị quyết, doanh nghiệp sẽ có bước nhảy thực sự”, ông chia sẻ.

 Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang