Sử dụng máy phát điện đặt trong phòng ngủ để bật điều hòa khiến một gia đình bị ngộ độc khí CO

author 06:31 17/08/2024

(VietQ.vn) - Mới đây một gia đình 3 người đã bị ngộ độc khí CO do gia đình mất điện sau đó dùng máy phát điện để bật điều hòa trong phòng ngủ kín.

Người nhà cho hay, do khu vực cúp điện, gia đình sử dụng máy phát điện khoảng bốn tiếng đồng hồ. Máy đặt ở một phòng thông với phòng ngủ 15-20 m2, nhưng không gian kín. Sáng hôm sau, 3 người trong gia đình, gồm vợ chồng và con trai 15 tuổi, được phát hiện hôn mê, bên cạnh có chất nôn, được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ chẩn đoán họ bị ngộ độc khí CO (Carbon monoxide) do máy phát điện thải ra. Người chồng ngộ độc nhẹ, ra viện. Hai người còn lại được đặt nội khí quản, chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

TS. BS Lê Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, tiếp nhận hai bệnh nhân trong tình trạng tổn thương đa cơ quan, đặc biệt là não, tim, cơ, hô hấp và một số tạng khác. Hiện người vợ đã tỉnh và cai máy thở, con trai vẫn còn hôn mê nguy kịch.

"Cả hai mẹ con có tổn thương rõ trên não nên nguy cơ cao sau này gặp các di chứng muộn", bác sĩ Thuận nói, thêm rằng bệnh nhân cần theo dõi, điều trị rất cẩn thận. Bác sĩ cũng khuyến cáo người chồng dù ra viện vẫn phải theo dõi sát và kiểm tra sức khỏe để tránh di chứng muộn.

Ngoài gia đình này, Trung tâm Chống độc cũng đang điều trị cho 3 ca ngộ độc khí CO trong một căn bếp ở Hà Nội. Họ đã hơn 10 ngày điều trị bằng oxy cao áp, dùng thuốc dự phòng tránh biến chứng tâm thần, thần kinh.

Cần thận trọng khi sử dụng máy phát điện để bật điều hòa vì có thể gây ngộ độc khí CO. Ảnh minh họa

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, giải thích các thiết bị đun nấu đốt khí gas nhưng cháy không hoàn toàn tạo ra khí CO gây ngộ độc. CO là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng đường hô hấp. Do đó, rất khó nhận biết được sự có mặt của chúng trong không khí. Khí được hình thành do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất liệu có chứa carbon như xăng, dầu, khí đốt tự nhiên, gỗ hoặc than củi, nhựa, vải, rơm, rạ. Một số trường hợp do hóa chất được hấp thu qua da vào trong cơ thể rồi chuyển hóa thành khí CO và gây ngộ độc.

Khí CO hấp thu nhanh vào cơ thể, nhẹ thì gây buồn nôn, đau đầu, dễ tưởng nhầm cảm cúm hay ngộ độc thức ăn, nặng có thể khiến người hít phải bất tỉnh. Các cơ quan hay bị tổn thương là não, tim, cơ, gây tử vong hoặc di chứng lâu dài.

"50% bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO dù nhẹ vẫn sẽ bị các di chứng về tâm thần, thần kinh, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ", bác sĩ Nguyên nói. Hơn 30% người bị ngộ độc nặng ban đầu, trong vòng 8 năm sau có thể bị tổn thương tim mạch, biến chứng loạn nhịp tim. Người sau 35 tuổi ngộ độc CO thường nguy cơ cao bị di chứng. Điều trị sớm và tích cực sẽ giảm mức độ nặng, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế di chứng.

Liên quan tới khí CO, Bệnh viện Medlatec cũng thông tin, khí Carbon monoxide (CO) là một chất khí có khả năng cháy, khuếch tán mạnh, tỷ trọng xấp xỉ với tỷ trọng không khí và có độc tính cao, có khả năng gây nguy hiểm tính mạng. Nồng độ khí CO trong không khí bình thường thường dưới 0,001%, khi nồng độ này tới 0,01% đã có khả năng gây độc cho người hít phải. Trong đời sống, CO được sinh ra từ phản ứng cháy không hoàn toàn các hợp chất hydrocarbon.

Do áp lực của CO với hemoglobin trong hồng cầu mạnh gấp hơn 200 lần so với oxy nên khi hít phải, chúng sẽ chiếm dụng hemoglobin tạo thành carboxyhemoglobin, gây thiếu máu và dịch chuyển đường cong O2-Hb sang trái. CO có khả năng gắn với cytochrome oxydase của ty thể gây ức chế hô hấp tế bào và làm gián đoạn chuỗi vận chuyển điện tử. Ngoài ra CO có khả năng gây độc trực tiếp lên mô tế bào, gây giảm co bóp cơ tim. Khí CO có khả năng hoạt hóa nitric oxide synthase làm tăng nồng độ NO gây giãn mạch.

Dấu hiệu đầu tiên thường là đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhìn mờ, có thể có rối loạn hành vi, khó tập trung, kích thích, hưng cảm. Ở giai đoạn này nếu bệnh nhân được tách khỏi nguồn CO thì các triệu chứng có thể cải thiện sớm.

Ở giai đoạn nặng trong trường hợp ngộ độc nhiều (nồng độ CO trong máu thường trên 30%), phát hiện muộn hoặc nhiễm độc ở người già có bệnh mạn tính như bệnh tim hoặc bệnh phổi mạn tính, hoặc phụ nữ mang thai do thai nhi nhạy cảm đặc biệt với khí CO. Lúc này thường thì người bệnh đã có tổn thương não, tổn thương tim và cơ.

Do đó nên lắp đặt máy dò khí CO có báo động trong nhà. Kiểm tra pin và tình trạng hoạt động của máy định kỳ. Nên mua máy dò khí CO loại có đầu đọc kỹ thuật số. Máy này có thể cho biết mức độ cao nhất của nồng độ khí CO trong nhà khi chưa đạt mức báo động. Thay thế máy dò 5 năm 1 lần.

Bảo dưỡng hệ thống sưởi, máy nước nóng và bất kỳ thiết bị đốt bằng khí, dầu hoặc than nào khác do kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn bảo dưỡng hàng năm. Đảm bảo các thiết bị gas được dẫn khí đúng cách, các ống thông hơi ngang cho các thiết bị, chẳng hạn như bình nước nóng, nên đi lên một chút khi chúng đi ra ngoài trời. Điều này ngăn không cho CO bị rò rỉ nếu các khớp nối hoặc đường ống không được lắp khít.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2020/BCT về an toàn đối với máy phát điện phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò

QCVN 07:2020/BCT do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quy định các yêu cầu kỹ thuật an toàn và quản lý đối với máy phát điện phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò có khí cháy và bụi nổ. Máy phát điện phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò không được sử dụng trong các trường hợp sau: Mỏ hầm lò có khí cháy chứa carbon disulphide (CS2). Đường lò dùng để sản xuất, chế biến hoặc lưu trữ vật liệu nổ công nghiệp.Yêu cầu về vị trí lắp đặt đối với máy phát điện phòng nổ có độ dốc không quá ±15° so với vị trí cân bằng và ở những khám, trạm và đường lò có kết cấu chống giữ đảm bảo an toàn. Khô ráo và được thông gió đảm bảo theo quy định tại Điều 42 của QCVN 01: 2011/BCT đối với mỏ than, Điều 43 của QCVN 04: 2017/BCT đối với mỏ quặng.Không khí và nhiệt độ phải đảm bảo theo quy định tại Điều 41 của QCVN 01:2011/BCT đối với mỏ than, Điều 42 của QCVN 04:2017/BCT đối với mỏ quặng. Lưu lượng gió yêu cầu tại vị trí máy phát điện làm việc phải đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Điều 42 của QCVN 01:2011/BCT đối với mỏ than, Điều 43 của QCVN 04:2017/BCT đối với mỏ quặng, nhưng không được nhỏ hơn 0,08 m3/s/kW công suất của động cơ diesel.Phải trang bị thùng cát cứu hỏa, bình cứu hỏa, điện thoại phục vụ vận hành máy phát điện phòng nổ. Máy phát điện phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò phải được trang bị thiết bị cảnh báo khí mêtan tự động và được liên động cắt điện với động cơ của máy phát điện khi hàm lượng khí mêtan vượt ngưỡng cho phép.

 An Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang