Người tiêu dùng cần cảnh giác trước những thực phẩm chứa formol

author 18:20 19/10/2023

(VietQ.vn) - Formol là chất cấm dùng trong bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, vì lý do lợi nhuận, một số tiểu thương đã lén lút dùng để ướp thực phẩm để tránh ôi, ươn. Đó là chất rất độc, nguy hiểm cho con người, hàm lượng nhiều có thể gây tử vong nhưng nếu ăn hàm lượng thấp, chất này tích tụ trong cơ thể có thể gây ung thư, kích ứng da, gây bệnh hô hấp, đường tiêu hóa…

Formol là dung dịch bão hoà của formaldehyde trong nước. Formaldehyde là loại hoá chất với mùi cay hăng rất đặc trưng được sử dụng tương đối rộng rãi trong công nghiệp. Formaldehyde có thể hình thành từ những hoạt động của con người (đốt rác, khói thuốc lá...). Ở dạng thông thường formol chứa 37% formaldehyde tính theo khối lượng, 6-13% methanol phần còn lại là nước. Formol được sử dụng trong công nghiệp dệt, nhựa, chất dẻo (chiếm tới một nửa tổng số formaldehyde tiêu thụ), giấy, sơn, xây dựng, ...và trong y tế.

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết formol còn có tên là formaldehyde là một loại khí không màu, độc và dễ cháy ở nhiệt độ phòng. "Formol cực độc, có khả năng ung thư, gây hại mắt. Chất này còn có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm theo cơ chế giết các mô tế bào", tiến sĩ Triết nhấn mạnh. Khi hít phải hơi formol liều thấp có thể dẫn đến đau đầu, viêm mũi và khó thở, liều cao hơn có thể gây kích ứng màng nhầy nghiêm trọng, nóng rát, chảy nước mắt và ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới như viêm phế quản, phù phổi hoặc viêm phổi. Những người nhạy cảm có thể bị hen suyễn và viêm da, ngay cả khi tiếp xúc với liều rất thấp. Hơi formol nặng hơn không khí một ít và có thể dẫn đến ngạt thở ở những khu vực thông gió kém, kín hoặc vùng trũng.

 Vì lý do lợi nhuận, một số tiểu thương đã lén lút dùng fomol để ướp thực phẩm để tránh ôi, ươn. Ảnh minh họa

Nuốt phải formol có thể gây viêm dạ dày, ruột cấp tính với triệu chứng đau miệng, đau bụng dữ dội, nôn, nôn ra máu, đái máu và tiếp theo là thiểu niệu (tình trạng lượng nước tiểu tính trong 24 giờ giảm), vô niệu (tình trạng không có nước tiểu trong bàng quang)... Tiếp xúc formol qua da có thể gây hoại tử da, dị ứng, viêm da... Theo Bộ Y tế, tiếp xúc với formol có thể gây kích ứng da, mắt, đường hô hấp trên và dưới. Mức độ phơi nhiễm của người lao động phụ thuộc vào liều lượng, thời gian và vị trí công việc. 

Ngoài ra, formol còn là một trong những tác nhân gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể: gia tăng tỷ lệ ung thư xoang mũi, ung thư đường hô hấp đặc biệt là mũi, họng, phổi, ung thư đường tiêu hóa... Là một trong những yếu tố gây ra sai lệch, và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai sử dụng có thể bị ảnh hưởng lên sự phát triển của bào thai.

Cách nhận biết thực phẩm chứa formol

Tốt nhất bạn nên rửa thực phẩm dưới vòi nước chảy vì forrmol tan trong nước. Nên lưu ý formol còn hình thành khi nướng, xông khói thực phẩm… vì thế không nên mua những thực phẩm nướng, xông khói bán sẵn. Hiện nay trên thị trường đã có loại kit kiểm tra formol trong thực phẩm đặc biệt dễ sử dụng và đã được bộ công an kiểm nghiệm và cấp phép. Với sản phẩm kit Test kiểm tra formol trong thực phẩm (Fomaldehyd) mọi người có thể dễ dàng sử dụng để kiểm tra xem liệu thực phẩm mà gia đình mình đang sử dụng có chứa loại hóa chất này không. Việc sử dụng kit vô cùng đơn giản không đòi hỏi bất cứ yếu tố kỹ thuật phức tạp nào.

Ngoài ra, khi chọn mua thực phẩm, bằng mắt thường có thể nhận biết sau:

Đối với cá, nếu khi ấn nhẹ vào cá mà thấy mềm mại thì có khả năng cá không chứa formol. Không chọn loại cá có biểu hiện: mang cá không còn màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm nhưng nhìn bề ngoài cá vẫn rất tươi; bên trong thịt nhũn, lỏng lẻo, không dính chặt với xương; dễ tróc vẩy và có mùi tanh khác thường.

Đối với tôm, mực: Nên chọn những con còn tươi, nguyên con, đầu dính chặt với thân; sờ vào có cảm giác mềm dẻo, căng tự nhiên, độ đàn hồi cao; ngửi có mùi tanh đặc trưng, không có mùi lạ (như mùi khai, mùi hắc, mùi hôi…).

Đối với đậu phụ, hãy chọn đậu phụ bề mặt trơn và cứng tự nhiên.

Với bún, bánh phở, nếu không chứa formol thì khi chạm vào sẽ thấy sợi bánh hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn. Còn bánh phở, bún chứa hàn the, forrmol thì sợi bánh dai giòn hơn, khó đứt gãy, chạm vào không có cảm giác nhuyễn dính, không có mùi chua dịu của gạo ngâm...

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang