Tự ý dùng thuốc dân gian điều trị khối u ung thư ác tính nguy cơ tử vong sớm hơn

author 18:30 03/01/2024

(VietQ.vn) - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cảnh báo, nhiều người mắc bệnh về u mũi xoang xâm lấn sàn sọ nhưng tự ý bỏ điều trị, hoặc sử dụng những bài thuốc dân gian và tử vong đáng tiếc.

Dùng thuốc dân gian điều trị khiến khối u ác tính càng phát triển nhanh hơn

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, thời gian qua đã có hàng trăm ca u mũi xoang xâm lấn sàn sọ được tiếp nhận điều trị.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã báo cáo 121 trường hợp phẫu thuật thành công u mũi xoang xâm lấn sàn sọ trước, sàn sọ giữa và sàn sọ sau. Trong đó, gặp nhiều nhất là u xâm lấn sàn sọ trước với 101 trường hợp (chiếm tỷ lệ 83,5%), 26 trường hợp u ác tính.

Đáng chú ý, nhiều trường hợp đến bệnh viện ở giai đoạn trễ, khối u phát triển lớn, chân bám rộng, khiến quá trình phẫu thuật gặp khó khăn vì rất dễ tổn thương vào các cấu trúc quan trọng như ổ mắt, động mạch cảnh trong, giao thoa thị giác, màng não…

Điển hình là trường hợp của chị N.L. (25 tuổi, quê Long An), vào viện trong tình trạng nghẹt mũi kéo dài 2 năm. Bệnh nhân từng đi khám tại một cơ sở khác với chẩn đoán vẹo vách ngăn, được chỉ định phẫu thuật mổ vách ngăn. Tuy nhiên sau mổ, tình trạng nghẹt mũi của cô gái ngày càng tăng, kèm nhức đầu.

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, bệnh nhân được nội soi và chụp CTscan mũi xoang, với chẩn đoán có u sợi sinh xương lớn xâm lấn sàn sọ giữa và sọ trước, lan ra đuôi vách ngăn, che hết vòm và cửa mũi sau. Sau khi xác định chính xác tình trạng, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi lấy u thành công và hiện sức khỏe đã cải thiện.

Nhiều người ung thư tự ý bỏ điều trị tại bệnh viện để về nhà dùng thuốc dân gian để lại hậu quả nghiêm trọng hơn

Theo bác sĩ Hớn, những khối u mũi xoang xâm lấn sàn sọ có cả u lành tính và ác tính. Ung thư mũi xoang thường gặp ở người 50-60 tuổi, với số ca là nam giới chiếm ưu thế. Thống kê ở Mỹ cho thấy, mỗi năm có khoảng 2.000 người được phát hiện u vùng mũi xoang, trong đó khoảng 35% trường hợp có xâm lấn sàn sọ.

Về nguyên nhân gây bệnh, hút thuốc là "thủ phạm" đứng hàng đầu, ngoài ra còn do ô nhiễm môi trường, hít các khói bụi, hóa chất… Vì triệu chứng bệnh nghèo nàn (như nghẹt mũi một bên tăng dần, hỉ mũi lẫn ít máu…) nên đa phần bệnh nhân đến khám ở giai đoạn trễ, khi đã có biểu hiện nhức đầu, đau nhức mắt, lồi mắt...

Tuy vậy, bác sĩ Hớn chia sẻ, có nhiều trường hợp sau khi phẫu thuật lấy khối u thành công lại tự ý bỏ điều trị tiếp tục, hoặc dùng những bài thuốc dân gian, sau đó đã tử vong rất đáng tiếc.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bệnh nhân có những dấu hiệu nghẹt mũi tăng dần, hỉ mũi ra máu, nhức đầu, ù tai… nên đến cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng để được thăm khám, nội soi… để kịp thời phát hiện và can thiệp sớm, giúp việc hồi phục nhẹ nhàng, không gây sẹo mất thẩm mỹ và giảm nhẹ chi phí cho điều trị.

Cũng liên quan tới tình trạng tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc bắc, thuốc dân gian, Bệnh viện K cũng cho biết, thầy thuốc đã gặp rất nhiều trường hợp tự ý bỏ phác đồ điều trị của bác sĩ, tiền hành chữa trị theo mách bảo dẫn đến những hậu quả khôn lường. Điển hình mới đây bệnh nhân N.H. L, 70 tuổi, được chẩn đoán ung thư thanh quản từ năm 2021. Tại thời điểm này, người bệnh chỉ ở giai đoạn sớm T2 N0 M0 (giai đoạn 2) hoàn toàn có thể phẫu thuật và điều trị khỏi lâu dài. Dù được bác sĩ tư vấn nhập viện điều trị nhưng người bệnh đã từ chối để xin về dùng thuốc nam. Sau gần 2 năm tự điều trị bằng thuốc nam, tình trạng bệnh không những không giảm mà còn tiến triển nặng hơn. 

Tương tự, bệnh nhân T.M, 68 tuổi, Lâm Thao (Phú Thọ) bị suy gan cấp do lạm dụng thuốc nam trong thời gian dài. Trước khi vào viện, người bệnh bị đau cột sống thắt lưng, đau tăng dần nên đã mua thuốc nam để uống. Sau thời gian dài sử dụng thuốc nam thấy bệnh không giảm, người mệt hơn, ăn kém dần, da vàng tăng lên, người bệnh quyết định đi khám.

Chưa có bằng chứng khoa học chứng minh dùng thuốc nam điều trị khỏi ung thư

Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khuyến cáo người dân khi muốn sử dụng thuốc nam, thuốc đông y để chữa bệnh thì cần phải nhớ rằng thuốc đông y cũng giống như thuốc tây y, đều phải do thầy thuốc khám bệnh, chẩn đoán, chỉ định, kê đơn phù hợp với loại bệnh. Tuy nhiên thực tế thời gian qua rất nhiều thông tin được chia sẻ, truyền tai nhau trong các hội, nhóm trên mạng xã hội về việc "Sử dụng thuốc nam điều trị khỏi được ung thư"....Đây là những thông tin sai lệch.

TS. BS Nguyễn Khắc Kiểm – Trưởng khoa Ngoại lồng ngực (Bệnh viện K) cho biết, hàng năm có rất nhiều người bệnh đến thăm khám tại khoa cũng băn khoăn giữa việc điều trị đông y và tây y. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người bệnh bức xúc khi sử dung thuốc đông y nhưng không khỏi, quay lại bệnh viện thì đã mất cơ hội điều trị.

Theo TS Kiểm, các loại thuốc đông y, thuốc nam chỉ sử dụng với một số loại bệnh. Với bệnh ung thư, hiện nay trên thế giới chưa có bài thuốc nào khẳng định thuốc nam chữa được ung thư.

Một số trường hợp khi sử dụng thuốc đông y, thuốc nam, thuốc dân gian theo lời mách bảo cảm thấy sức khỏe tốt lên, đó là do tâm lý. Khi bệnh nhân yên tâm chữa bệnh thì sức khỏe cũng tốt lên. Mặt khác, trong một số loại thuốc đông y có những vị thuốc chống viêm, giảm đau tăng cường miễn dịch, bồi bổ khí huyết vì vậy khi uống vào sức khỏe nền có thể tăng lên và làm giảm triệu chứng của bệnh ung thư. Tuy nhiên về mặt ung thư học các tế bào ung thư không hề mất đi, mà khối u vẫn to lên từng ngày, làm muộn giai đoạn, mất cơ hội điều trị khỏi.

Theo TS. BS Đỗ Hùng Kiên – Trưởng khoa Nội đầu cổ, phổi (Bệnh viện K) các vị thuốc đông y được sử dụng trong điều trị ung thư không có mục đích chữa khỏi ung thư mà có tác dụng hỗ trợ nâng cao thể trạng, giảm tác dụng phụ của xạ trị, hóa chất. Bệnh viện K vẫn có khoa Đông y, tuy nhiên việc sử dụng thuốc phải được tư vấn ở những chuyên khoa có tính khoa học, pháp lý.

Các biện pháp điều trị ung thư chính thống đã được chứng minh là có hiệu quả như xạ trị, hóa chất, phẫu thuật… Việc điều trị ung thư phải tuân thủ theo phác đồ điều trị ở mỗi giai đoạn là điều vô cùng quan trọng.

Người bệnh khi dùng bất cứ loại thuốc nào kể cả đông y hoặc thuốc bổ ngoài đơn thuốc bác sĩ điều trị đã kê cần phải thông báo cho bác sĩ được biết. Khi đó bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc nào có tác dụng với người bệnh thì nên dùng, loại nào không nên sử dụng. Bởi BV đã gặp rất nhiều trường hợp dùng thuốc đông y giấu hoặc bỏ dỡ liệu trình để điều trị chỗ khác dẫn đến bệnh nặng hơn, lỡ mất cơ hội điều trị khỏi.

Người bệnh phải thật tỉnh táo để lựa chọn cho mình phương án điều trị tốt nhất tại các cơ sở chuyên khoa uy tín, không nghe lời mách bảo truyền miệng để tránh rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang