Nhà khoa học trẻ: ‘Thích được công bố nhiều công trình hơn tăng lương’

author 06:21 11/09/2015

(VietQ.vn) - “Đam mê lớn nhất của tôi là tìm tòi và phát minh. Tôi thích hàng tháng công bố được nhiều công trình mới còn hơn cả việc được tăng lương”.

Sự kiện: Lãnh đạo Chính phủ gặp mặt nhà khoa học trẻ 2015

Những tưởng, tăng lương là mong chờ lớn của những người làm công ăn lương, thế nhưng điều này quả thật không đúng đối với TS. Lê Quang Khải – Trường Đại học Hoa Sen.

Năm 2005, sinh viên Lê Quang Khải tốt nghiệp ĐH Khoa Học Tự Nhiên, ĐH Quốc Gia TP. HCM, chuyên ngành vật lý; từ 2006-2008, anh học cao học ngành Kỹ thuật điện tử máy tính, ĐH Ajou, Hàn Quốc; từ năm 2008-2011, Lê Quảng Khải nghiên cứu sinh (Tiến sĩ) ngành Quang học, ĐH Ghent, Bỉ rồi nghiên cứu sau tiến sĩ tại Hoa kỳ, Canada. Cho đến nay, vị tiến sĩ trẻ tuổi này đang là Trưởng khoa Khoa Học và Công Nghệ, ĐH Hoa Sen, TP. HCM, đồng thời là Giáo sư thỉnh giảng ĐH Minnesota, Duluth, Minnesota, Hoa Kỳ. Với bề dày học hỏi, nghiên cứu, cống hiến đó, anh đã lọt vào danh sách các nhà khoa học trẻ được diện kiến Thủ tướng vào ngày mai (11/9) tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

TS. Lê Quang Khải

TS. Lê Quang Khải (ngồi thứ 2 bên trái) và những người bạn quốc tế khi còn đang học tập và nghiên cứu ở nước ngoài

Đam mê là đèn LEDs, là pin

Nói về đam mê lớn nhất của cuộc đời mình, TS. Lê Quang Khải cho biết đó là tìm tòi và phát minh. Với anh, lương thưởng là vô nghĩa nếu một nhà khoa học mà không công bố được nhiều công trình khoa học.

“Tôi thích hàng tháng công bố được nhiều công trình mới còn hơn cả việc được tăng lương”, Vị tiến sĩ trẻ cười tươi đầy vẻ vô tư khi nói chuyện với chúng tôi.

Hướng nghiên cứu chính của anh là nghiên cứu sự tương tác giữa ánh sáng và vật chất, từ đó khám phá những hiện tượng kèm theo có thể ứng dụng để tăng hiệu suất của các linh kiện như đèn LEDs, PIN năng lượng mặt trời hay cảm biến quang sinh học. TS Khải cho rằng, đây là một hướng rất “hot” và có thể là tương lai của công nghệ dựa vào ánh sáng, ứng dụng được ngay trong cuộc sống. Chính niềm tin đó đã kích thích sự đam mê của anh cho dù bản thân đang làm việc ở một môi trường với điều kiện nghiên cứu rất khó khăn.

Lại nhắc đến những khó khăn của những người nghiên cứu khoa học, TS. Lê Quang Khải cho biết, có thể thấy ngay là điều kiện cơ sở vật chất và thù lao quá nghèo nàn nên công tác nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đó, để tạo điều kiện cho giới trẻ có động lực nghiên cứu vị này kiến nghị cần cải thiện thêm nhiều chính sách hỗ trợ nhà khoa học như: Xây dựng nhiều Quỹ khuyến khích nghiên cứu; thủ tục xin và giải ngân các Quỹ nghiên cứu cần đơn giản hơn, đồng thời giảm tải giảng dạy giúp các giảng viên khoa học có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu...

Càng khó càng thích

Thu nhập luôn là vấn đề tế nhị của các nhà nghiên cứu khoa học. Nhiều ý kiến cho rằng vì thu nhập không cao, nghiên cứu ứng dụng mất nhiều thời gian, lại khó khăn, vất vả và đó là rào cản khiến các bạn trẻ không tới được với con đường nghiên cứu khoa học.

Đồng ý với ý kiến này, TS. Lê Quang Khải cho biết, thu nhập cho các nhà nghiên cứu không cao, đúng hơn là thấp là trở ngại lớn nhất cho việc làm nghiên cứu khoa học.

“Khi bạn không quá bận tâm vào tài chính để nuôi sống bản thân và gia đình thì cơ hội nghiên cứu ra sản phẩm chất lượng là rất lớn. Thời gian hay độ khó của những nghiên cứu không là rào cản lớn cho các nhà nghiên cứu, đôi khi càng khó người ta càng thích thú”, vị tiến sĩ trẻ này nói.

Để tạo môi trường cho các nhà khoa học trẻ nỗ lực sáng tạo, truyền cảm hứng say mê nghiên cứu khoa học, người giảng viên trẻ thuộc biên chế trường Đại học Hoa Sen cho rằng: Cần giải quyết nhanh bài toán về tài chín; có cơ chế đặc biệt về lương bổng, đãi ngộ; tiếp tục xây dựng các Quỹ nghiên cứu khoa học, cải thiện công tác thẩm định và giải ngân một cách nhanh chóng và hiệu quả; giảm biên chế, quyết định lương theo năng lực và sản phẩm nghiên cứu. Đặc biệt, cần xã hội hóa giáo dục, tăng cường xây dựng các cơ sở giáo dục tư thục không vì lợi nhuận, tránh bao cấp giáo dục, qua đó góp phần giảm gánh nặng tài chính cho nhà nước và tạo sự cạnh tranh nhằm thúc đẩy chất lượng giáo dục.

Còn đối với các bạn trẻ đã, đang và sắp đi theo con đường nghiên cứu khoa học, TS Khải bật mí: “Con đường nghiên cứu khoa học luôn ẩn chứa nhiều khó khăn, trở ngại các bạn trẻ hãy luôn cần cù, chịu khó tìm tòi nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội học bổng nước ngoài để nâng cao nghiệp vụ và học hỏi tính chuyên nghiệp của các Lab trên các nước tiên tiến. Luôn học hỏi kết hợp lý thuyết và thực nghiệm từ đó tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao, khi đó niềm vui từ các sản phẩm là điểm khích lệ lớn hơn cả tài chính để các bạn có thể vượt qua khó khăn. Một khi bạn đã có đủ năng lực nghiên cứu thực sự thì vấn đề tài chính chỉ là vấn đề thời gian”.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang