Nhân rộng liệu pháp điều trị đích góp phần cứu chữa bệnh nhân ung thư

author 06:36 30/09/2014

(VietQ.vn) - GS. TS. BS. Tạ Thành Văn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen - Protein, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội vừa nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu xác định đột biến gen quyết định tính đáp ứng thuốc trong điều trị ung thư đại trực tràng (UTĐTT) và ung thư phổi (UTP).

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Nhân dịp này, PV Chất lượng Việt Nam đã có trao đổi với Giáo sư Văn về những kết quả của đề tài nghiên cứu cũng như các ứng dụng bước đầu phục vụ việc điều trị cho bệnh nhân ung thư. 

Thưa Giáo sư, Việt Nam đang được xếp vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ ung thư nhiều nhất trên thế giới, trong đó ung thư phổi và ung thư đại trực trang với tỷ lệ mắc cao, gây tử vong hàng đầu, lý do của thực tế này thế nào thưa ông?

Song song với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, mô hình bệnh tật ở nước ta đã thay đổi theo chiều hướng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm đặc biệt là ung thư và bệnh tim mạch.

Hiện nay, ung thư đã vượt qua bệnh tim mạch để trở thành căn nguyên gây tử vong hàng đầu với tỷ lệ mắc bệnh cao ở độ tuổi ngày càng giảm.

Theo báo cáo thường niên của Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ, hàng năm thế giới có thêm khoảng 12 triệu ca ung thư mới và khoảng 7,6 triệu ca tử vong, tức là tính trung bình thì mỗi ngày có hơn 200 nghìn bệnh nhân ung thư tử vong. Riêng khu vực Đông và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thì hàng năm có thêm khoảng 3,6 triệu ca ung thư mới với khoảng 2,5 triệu bệnh nhân tử vong.

Với tốc độ phát triển dân số và sự gia tăng tuổi thọ như hiện nay thì ước tính đến năm 2050 thế giới sẽ có thêm khoảng 27 triệu ca ung thư mới và khoảng 17,5 triệu bệnh nhân tử vong mỗi năm. Có thể nói, chúng ta đang phải đối mặt với cuộc chiến đầy cam go và thách thức nhằm chống lại những mất mát về người và sự tốn kém về kinh tế trong việc điều trị căn bệnh ung thư. Trong đó phải kể đến ung thư phổi, căn nguyên gây tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu và ung thư đại trực tràng với tỷ lệ mắc đứng hàng thứ 4 nhưng lại có số lượng bệnh nhân tử vong hàng năm chỉ đứng sau ung thư phổi và ung thư vú.

GS. TS. BS. Tạ Thành Văn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen - Protein, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội

GS. TS. BS. Tạ Thành Văn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen - Protein, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: N. N

Được biết, đã có nghiên cứu và ứng dụng xác định đột biến gen EGFR, KRAS và BRAF cho bệnh nhân ung thư phổi và ung thư đại trực tràng, kết quả bước đầu của nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế ra sao thưa Giáo sư?

Trường Đại học Y Hà Nội được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước: triển khai ứng dụng kỹ thuật y sinh học phân tử cao để xác định tình trạng gen (xác định vị trí và mức độ đột biến gen EGFR, KRAS và BRAF) của tế bào ung thư của bệnh nhân giúp cho các bác sĩ lâm sàng ra chỉ định bệnh nhân có hay không được sử dụng liệu pháp điều trị đích, một liệu pháp điều trị hiệu quả và đặc hiệu đối với một số loại hình ung thư. Đề tài đã được nghiệm thu thành công cấp Nhà nước 9/2014 và đã được triển khai phục vụ trực tiếp người bệnh.

Cũng cần phải nói thêm rằng trong quá trình triển khai đề tài, hàng trăm bệnh nhân đã được hưởng lợi trực tiếp từ kết quả nghiên cứu này. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu Gen - Protein thuộc Trường Đại học Y Hà Nội là nơi trực tiếp triển khai đề tài này đang chuyển gia công nghệ xét nghiệm gen này cho nhiều cơ sở y tế khác nhằm mục đích ứng dụng, triển khai rộng rãi để nhiều bệnh nhân ung thư được hưởng lợi từ thành tựu khoa học công nghệ này.

Với việc nghiên cứu và ứng dụng xác định đột biến gen EGFR, KRAS và BRAF cho bệnh nhân ung thư phổi và ung thư đại trực tràng như nói trên, tương lai của việc điều trị hai bệnh ung thư này sẽ ra sao, có dự đoán được mức độ giảm thiểu không thưa Giáo sư?

Phải nói việc ứng dụng liệu pháp điều trị đích và liệu pháp điều trị miễn dịch là một trong những thành tựu lớn trong ngành ung thư học lâm sàng của thế giới trong những năm gần đây. Hai liệu pháp trên thể hiện đặc tính vượt trội so với các phương pháp điều trị thông thường, đặc biệt đối với những bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, để liệu pháp điều trị đích mang lại hiệu quả cho bệnh nhân (hiệu quả điều trị và hiệu quả kinh tế) thì việc xét nghiệm để biết rõ tình trạng gen của tế bào ung thư bệnh nhân là điều đặc biệt quan trọng và hiện này trên thế giới là điều kiện bắt buộc trước khi triển khai liệu pháp này. Điều trị đích đã được ứng dụng ở ung thư máu, ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư đại trực tràng, ung thư vú và hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu ứng dụng ra các loại hình ung thư khác.

Nghiên cứu trên đã được áp dụng, tiến hành trên thế giới chưa và Việt Nam có thừa kế những giá trị nào của nước ngoài không thưa ông?

Trước kia thì chúng ta phải chuyển mẫu ung thư ra nước ngoài để xét nghiệm gen thì hiện nay nhờ sự đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Chương trình KC04, chúng ta đã triển khai quy trình công nghệ xét nghiệm này ở Việt Nam và đang được chuyển giao cho các cơ sở y tế chuyên sâu khác trong nước để nhiều bệnh nhân ung thư được hưởng lợi từ giá trị khoa học công nghệ này.

Hiện nay có rất nhiều sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, cách chữa bệnh nói có khả năng hạn chế ung thư phổi, ung thư đại trực tràng... nhưng lại chưa có kiểm chứng, kiểm nghiệm nào của cơ quan chức năng, cơ quan khoa học mà người dân vẫn sử dụng, vừa không mang lại hiệu quả mà lại mất nhiều tiền, Giáo sư nghĩ gì về điều này?

Chúng ta cần hết sức thận trọng đối với những quảng cáo về hiệu quả điều trị ung thư của các thực phẩm chức năng, sừng tê giác, mật gấu…. Một chế phẩm nào đó có phát huy hiệu quả điều trị hay không đối với bệnh lý ung thư thì phải dựa trên những bằng chứng khoa học và phải do các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra một cách chính thống chứ không thể chỉ dựa trên những kinh nghiệm dân gian, những lời đồn thổi trong cộng đồng.

Có thể đâu đó có chế phẩm này chế phẩm kia có tác dụng hỗ trợ điều trị (tăng cường sinh lực, tăng cường hệ miễn dịch thông qua đó tăng sức đề kháng của cơ thể)… thì việc sử dụng phối hợp với các thuốc điều trị đặc hiệu cũng tốt.

Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại là những chất đó chỉ có tính chất hỗ trợ và không phải khi nào cũng phát huy hiệu quả chứ không phải là thần dược như người ta đồn thổi. Trong từng trường hợp, bệnh nhân nên đến gặp các bác sĩ để tư vấn trực tiếp.

Xin cảm ơn Giáo sư!

GS. TS. BS. Tạ Thành Văn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen - Protein, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội vừa được Hội đồng nghiệm thu đề tài Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp Nhà nước tiến hành nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu xác định đột biến gen quyết định tính đáp ứng thuốc trong điều trị ung thư đại trực tràng (UTĐTT) và ung thư phổi (UTP). Đề tài mang mã số KC04.06/11-15

 

1. Mục tiêu chung của đề tài: Xây dựng được quy trình phát hiện đột biến gen EGFR, KRAS và BRAF trong bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư đại trực tràng ở Việt Nam, ứng dụng trong việc đánh giá đáp ứng thuốc điều trị trúng đích.

2. Mục tiêu cụ thể của đề tài:

- Thiết lập được bản đồ đột biến gen EGFR, KRAS; công bố các dạng và các vùng đột biến trọng điểm.

- Đánh giá hiệu quả điều trị ung thư ở hai nhóm bệnh nhân sử dụng liệu pháp điều trị trúng đích và liệu pháp hóa hoặc xạ trị .

Chế tạo thử nghiệm được 02 bộ kít (mỗi bộ 100 test) chẩn đoán nhanh đột biến gen EGFR, KRAS ở các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư đại tràng ở Việt Nam.

Nguyễn Nam (thực hiện)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang