Những điểm nhấn quan trọng trong Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

author 07:18 02/11/2020

(VietQ.vn) - Qua 10 năm triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã giúp năng lực quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam được nâng lên rõ rệt, đảm bảo cho sự phát triển và hội nhập thành công của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

 

Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” gồm 09 dự án thành phần: “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” và “Thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng” (do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì); các dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành Công nghiệp, Nông nghiệp, Thông tin Truyền thông, Xây dựng, Y tế, Giao thông vận tải (do các Bộ quản lý ngành chủ trì), và dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương” (do UBND tỉnh/thành phố chủ trì).

Thông qua Chương trình, việc ứng dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã giúp năng lực quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam được nâng lên rõ rệt .

 

Những kết quả chủ yếu

Nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng về NSCL

Với việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cùng với nội dung, thông tin phong phú, đa dạng, các kiến thức cơ bản về NSCL đã được truyền tải đến đông đảo các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp. Thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và từng bước làm chủ các công nghệ quản lý tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Năng lực quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam được nâng lên rõ rệt đang dần thu hẹp khoảng cách về trình độ quản lý giữa doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo cho sự phát triển và hội nhập thành công của Việt Nam trên trường quốc tế.

Góp phần tạo lập “cơ sở hạ tầng” cho hoạt động nâng cao NSCL

Hệ thống TCVN đã được bổ sung cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đảm bảo tính đồng bộ, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60% vào năm 2020, đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa (SPHH) chủ lực của nền kinh tế, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người và môi trường.

Hệ thống QCVN với khoảng 800 QCVN trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các SPHH, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Từng bước hình thành, phát triển đội ngũ chuyên gia, các tổ chức tư vấn về NSCL có khả năng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động cải tiến, nâng cao NSCL; Hình thành hệ thống tài liệu, tư liệu, sách, cẩm nang về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL phục vụ trong triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL; Cơ sở dữ liệu về NSCL từng bước được xây dựng, bổ sung cập nhật...

Mạng lưới tổ chức ĐGSPH có những bước phát triển mới, hoạt động ĐGSPH được xã hội hóa rộng rãi. Các tổ chức ĐGSPH này đều có năng lực đáp ứng theo chuẩn mực quốc tế như ISO/IEC 17065, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17020 và ISO/IEC 17025 tương ứng đối với từng loại hình tổ chức, đảm bảo đáp ứng được cơ bản các yêu cầu thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL thông qua áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL

Chương trình đã triển khai nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng và tiến tới nhân rộng một bước áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL thích hợp (HTQL/MH/CC) vào doanh nghiệp Việt Nam như: Hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000), Hệ thống quản lý an toàn thông tin (ISO 27001); Hệ thống quản lý rủi ro (ISO 31000); Công cụ cải tiến NSCL: Bảy công cụ thống kê; 5S; Chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPI); Thẻ điểm cân bằng (BSC); Sản xuất tinh gọn (Lean); Lean six sigma (LSS), loại trừ 7 lãng phí (seven wastes); Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA); Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM); Nghiên cứu thao tác; Cân bằng sản xuất (Heijunka); Giảm thời gian chuyển đổi và cài đặt; Sơ đồ chuỗi giá trị (VSM)...

Các chương trình cải tiến NSCL đã trở thành hoạt động được nhiều doanh nghiệp quan tâm tuy ở mức độ khác nhau. Một số hệ thống quản lý như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, GMP... đã trở thành quen thuộc với nhiều doanh nghiệp. Các công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Lean, Lean 6 Sigma... đã được ứng dụng rộng rãi hơn.

Viet GAP, Global GAP, nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc đã được triển khai ngày càng nhiều hơn cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác...Nhiều mô hình điểm, doanh nghiệp điển hình trong hoạt động năng suất chất lượng đã được hình thành, phát triển. Việc hỗ trợ áp dụng Kaizen-5S cho 60 doanh nghiệp làng nghề đã đem đến luồng gió mới trong một số làng nghề, từng bước thay đổi hình ảnh doanh nghiệp làng nghề, thay đổi thói quen quản lý theo kiểu gia đình để tiếp cận đến phương pháp quản lý mới, tiên tiến.

Hiệu quả của Chương trình

Gia tăng năng lực, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức KH&CN, tổ chức tư vấn NSCL

Đối với tổ chức tư vấn NSCL: Việc tham gia triển khai các nhiệm vụ của Dự án đã góp phần tăng cường năng lực của bản thân các đơn vị tư vấn, đồng thời phát triển mạng lưới, gắn kết các tổ chức có liên quan như: các Hiệp hội ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, Viện, trường, các cơ quan quản lý dự án NSCL bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp, giúp các đơn vị tăng cường năng lực, kinh nghiệm, phát triển dịch vụ về hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng.

Đối với các Viện trường: Việc tham gia triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đã giúp tăng cường năng lực nghiên cứu, đặc biệt là tổng kết, đúc rút thực tiễn (khâu đang rất thiếu) của các Viện, trường.

Các kết quả nghiên cứu, triển khai thực tế tại tổ chức, doanh nghiệp chính là hệ sinh thái để nhà trường tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển giao và hiện thực hóa kiến thức, kết quả nghiên cứu về quản trị kinh doanh và lan tỏa tri thức đến cộng đồng doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp

Sau khi được hỗ trợ thực hiện các dự án cải tiến NSCL, các doanh nghiệp đều tăng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Việc áp dụng các giải pháp quản lý tiên tiến đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu do đáp ứng các điều kiện về quản lý và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước xuất khẩu đến đồng thời kiểm soát được các quá trình nội bộ liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường, an toàn và sức khỏe.

Bằng kết quả, hiệu quả về nâng cao năng suất, chất lượng SPHH thông qua ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ nói chung và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình công cụ cải tiến nói riêng góp phần tuyên truyền sâu rộng hơn về vai trò của KH&CN đối với nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Chương trình đã tạo được sự gắn kết hơn giữa khoa học và sản xuất, đời sống

Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế

Việc triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đã góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Dự kiến TFP đóng góp vào tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt khoảng 40,5%.

Góp phần cải thiện xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam

Với việc thúc đẩy áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, quản lý môi trường ISO 14001 đã góp phần cải thiện (gia tăng) các chỉ số thuộc nhóm Chỉ số đổi mới sáng tạo GII của Việt Nam.

Với việc thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng tại các doanh nghiệp, nâng tỷ lệ đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng của doanh nghiệp, góp phần nâng mức đóng góp của tăng TFP đạt 30% của tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào năm 2015; đạt mức 40,5% cho giai đoạn 2016-2020, vượt mục tiêu 35% đề ra của Chương trình (khi bắt đầu Chương trình, mức đóng góp được xác định là khoảng 20% cho giai đoạn 1996-2005).

Chương trình 712: Đáp ứng ‘đúng’ và ‘trúng’ yêu cầu của doanh nghiệp(VietQ.vn) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, sau 10 năm thực hiện, Chương trình 712 đã đáp ứng “đúng” và “trúng” yêu cầu của doanh nghiệp.

Nguyễn Ngọc Tuấn

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang