Rủi ro gặp phải từ miếng dán màn hình điện thoại bằng keo UV dạng lỏng

authorNgọc Nga 06:01 01/03/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, Xiaomi đã cảnh báo khách hàng của mình về mối nguy hiểm tiềm ẩn khi dùng dán màn hình điện thoại bằng keo UV dạng lỏng.

Xiaomi đã trở thành thương hiệu điện thoại được đông đảo khách hàng ưa chuộng hiện nay khi đem đến nhiều dòng sản phẩm chất lượng như Xiaomi Redmi Note 13 Pro Plus 5G, Xiaomi 13 Lite 5G, Xiaomi Redmi 13C,... Theo đó, những mẫu Smartphone này đều được người dùng đánh giá cao bởi thiết kế đẹp mắt bên cạnh khả năng hiển thị ấn tượng.

Trong quá trình sử dụng điện thoại, bảo vệ màn hình là một việc làm vô cùng cần thiết nếu muốn các trải nghiệm được diễn ra bình thường. Liên quan đến vấn đề này, Redmi - Thương hiệu con của Xiaomi đã chính thức đưa ra thông cáo về những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng miếng dán màn hình dạng keo UV lỏng. 

Mặc dù smartphone hiện đại được trang bị kính chống trầy, chúng vẫn có thể bị trầy xước từ các vật cứng như cát, chìa khóa hoặc tiền xu. Để ngăn chặn điều này, nhiều người sử dụng dán màn hình để thêm một lớp bảo vệ.

Trong số các loại khác nhau có sẵn trên thị trường, miếng dán màn hình UV được nhiều người chọn vì độ bám dính chắc chắn, đặc biệt là trên màn hình cong. Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến chức năng của điện thoại và thậm chí làm mất bảo hành.

Dán màn hình dạng lỏng UV tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho điện thoại. Ảnh minh họa

Sự khác biệt chính của nó so với các miếng bảo vệ màn hình bình thường khác là keo được bôi lên màn hình điện thoại và sau đó lớp kính bảo vệ mới đặt lên trên. Sau đó, chiếu đèn UV để tạo độ dính chắc chắn hơn. Bước chiếu đèn UV như một chất xúc tác cho phản ứng hóa học cho miếng dán, làm keo cứng lại, tạo ra lực dính mạnh mẽ.

Vấn đề cốt lõi của chất bảo vệ bằng keo UV dạng lỏng nằm ở quy trình sử dụng. Chất keo lỏng có thể vô tình thấm vào nhiều bộ phận khác nhau của điện thoại, chẳng hạn như phím vật lý, cổng sạc, lỗ loa và thậm chí là pin. Điều này có thể dẫn đến một loạt vấn đề như tự động tắt nguồn, khởi động lại, trục trặc nút bấm, loa phát tiết ồn hay bong tróc lớp vỏ bọc pin.

Theo Times of India, các loại dán màn hình bằng keo UV lỏng cũng có một số hạn chế như giảm độ nhạy cảm ứng, dễ xuất hiện bong bóng màn hình hoặc trầy xước. Một cây bút của trang tin từng gặp phải vấn đề đáng lo ngại với bảo vệ keo UV lỏng. Trong lúc thay thế miếng dán, lớp keo bám quá chặt nên đã kéo cả bộ phận màn hình ra khỏi thiết bị.

Lời khuyên của Xiaomi dành cho người dùng là nên lựa chọn các loại dán màn hình khác như kính cường lực hoặc màng tĩnh điện… Chúng là những loại dán mà không cần chất kết dính lỏng nên không ảnh hưởng đến linh kiện máy.

Để hỗ trợ khách hàng, Xiaomi cung cấp miếng dán bảo vệ màn hình và dán miễn phí cho người mua Redmi Note 13 Pro+. Điều đáng chú ý là tính đến thời điểm hiện tại, Xiaomi là hãng điện thoại thông minh đưa ra cảnh báo cụ thể như vậy về miếng bảo vệ màn hình bằng keo UV dạng lỏng.

Do đó, theo các chuyên gia công nghệ của điện máy, trong quá trình dán cường lực, đặc biệt đối với điện thoại Xiaomi, người dùng cần lưu ý một số vấn đề. Theo đó nên cân nhắc các loại miếng dán truyền thống như kính cường lực, kính không cường lực, màng tĩnh điện, miếng dán dạng film để thay thế cho miếng dán màn hình keo UV dạng lỏng nếu muốn đảm bảo an toàn cho thiết bị của mình.

Mặc dù vậy, một số người dùng có kinh nghiệm vẫn thực hiện thành công phương pháp dán màn hình với keo UV lỏng. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể chuyển sang loại cường lực truyền thống để hạn chế những rủi ro liên quan do keo lỏng xâm nhập. Ngoài ra, người dùng còn có thể đến trực tiếp các trung tâm sửa chữa uy tín để được tư vấn phương pháp dán màn hình an toàn và phù hợp với nhu cầu sử dụng của bản thân.

Không chỉ riêng Xiaomi mà gần đây, Apple cũng đưa ra các khuyến nghị về việc không nên để iPhone ướt vào bao gạo cũng như tránh đưa tăm bông hay khăn giấy vào cổng sạc. Thay vì sử dụng nguồn nhiệt bên ngoài để làm khô thì người dùng có thể tiến hành rút dây sạc và vỗ nhẹ vào iPhone để nước chảy ra trong ít nhất 30 phút.

Việc Xiaomi cảnh báo keo UV dán màn hình có thể gây hỏng máy không chỉ giúp người dùng cẩn thận hơn trong quá trình sử dụng điện thoại Xiaomi mà còn hạn chế rủi ro tiềm ẩn gây hư hỏng màn hình. Do đó, bạn có thể xem xét các lựa chọn khác như kính cường lực hoặc miếng dán film để thay cho keo UV.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang