Những sự cố sau khi tiêm vaccine Pfizer ngừa Covid-19

author 13:31 04/01/2021

(VietQ.vn) - Theo các nhà nghiên cứu, trong số gần một triệu người dân được tiêm vaccine Pfizer, khoảng 240 người đã được chẩn đoán mắc Covid-19 vài ngày sau đó.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31/12/2020 đưa vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech vào danh mục sử dụng khẩn cấp. Quyết định này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận vaccine ở các nước đang phát triển vốn có ít nguồn lực để nghiên cứu, phát triển, kiểm nghiệm vaccine đưa vào sử dụng. Tuy nhiên sau quá trình tiêm chủng đã có một vài sự cố xảy ra khiến nhiều người lo lắng.

 240 người nhiễm nCoV sau khi tiêm vaccine Pfizer

VnExpress đưa tin, thông tin về những người này và địa điểm tiêm chủng chưa được công bố chính thức. Đây không phải hiện tượng quá bất ngờ đối với các nhà khoa học. Nó một lần nữa nhấn mạnh người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng tránh virus trong thời gian liều tiêm vaccine kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch.

Vaccine Pfizer gây dị ứng và một số người vẫn mắc Covid-19 sau tiêm. Ảnh: Reuters

Vaccine Pfizer không được bào chế bằng nCoV. Thay vào đó, nó chứa một đoạn mã di truyền của virus, giúp hệ miễn dịch nhận ra các protein gai trên bề mặt, tạo kháng thể để tấn công vào những lần sau. Như vậy, không ai có thể nhiễm bệnh từ chính các liều tiêm, như tình trạng từng xảy ra đối vaccine từ virus sống hay bất hoạt trước đây.

Đến nay, các nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch với nCoV chỉ tăng khoảng 50% sau 8 đến 10 ngày tiêm chủng. Đây là lý do vì sao liều vaccine thứ hai, nhắc lại sau 21 ngày, rất quan trọng. Nó giúp tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với virus, đem lại hiệu quả 95% và đảm bảo khả năng miễn dịch kéo dài.

Bất cứ ai tiếp xúc với virus vài ngày trước khi tiêm hoặc vài tuần sau khi tiêm vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và phát triển triệu chứng. Bên cạnh đó, các thử nghiệm chưa xác định được liệu vaccine có thể ngăn ngừa các ca nhiễm không triệu chứng hay không.

Trong một số trường hợp, virus trong niêm mạc mũi của người bệnh, nằm ngoài tầm ảnh hưởng của kháng thể, vẫn phát tán và lây lan cho người khác. Dù không gây hại cho chính người bệnh bởi cơ thể đã hình thành một lớp miễn dịch, chúng vẫn có thể bắn ra ngoài qua dịch thể mũi và miệng.

Bác sĩ viêm não tủy sau khi tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech

Giới chức Y tế Mexico đang xem xét trường hợp một nữ bác sĩ 32 tuổi nhập viện sau khi tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech. Bác sĩ này đã được đưa vào điều trị tại phòng hồi sức tích cực của bệnh viện công ở bang Nuevo Leon sau khi bị co giật, khó thở và phát ban trên da.

Bộ Y tế nước này đã thông báo: "Chẩn đoán ban đầu là viêm não tủy. Bác sĩ này có tiền sử dị ứng và nhấn mạnh không có bằng chứng cho thấy người dùng vaccine có thể phát triển chứng viêm não tủy sau tiêm. Pfizer và BioNTech không đưa ra bình luận".

Viêm não tủy là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính ở chất trắng của não và tủy sống. Bệnh thường gặp ở nam giới khỏe mạnh. Biểu hiện ban đầu là mệt mỏi, buồn nôn, ói mửa, đau đầu,... Bệnh có thể do virus gây ra, khi hệ thống miễn dịch phản ứng chống lại não và tủy sống.

Những tác hại nếu sử dụng đai nịt bụng kém chất lượng thường xuyên(VietQ.vn) - Đai nịt bụng có thể hỗ trợ cho việc siết chặt vòng eo hiệu quả nhưng nếu sử dụng quá thường xuyên hoặc sai cách sẽ để lại nhiều tác hại.

FDA điều tra 5 trường hợp dị ứng sau khi tiêm vaccine Pfizer ở Mỹ

Trước đó, một quan chức hàng đầu của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ FDA cho biết, cơ quan này đang điều tra năm trường hợp xảy ra phản ứng dị ứng sau khi tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer và BioNTech ở Mỹ trong tuần này.

Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá sinh học của FDA cho biết tại một cuộc họp báo rằng, các phản ứng dị ứng đã được báo cáo ở nhiều bang, trong đó có cả ở Alaska.

Tiến sĩ Marks cũng cho biết, chất hóa học gọi là polyethylene glycol (PEG), một thành phần trong vaccine Covid-19 của Pfizer, cũng như vaccine của Moderna vừa được phê duyệt ngày 18/12, "có thể là thủ phạm" gây ra các phản ứng.

Theo ông Marks, phản ứng dị ứng với PEG có thể phổ biến hơn những gì đã hiểu trước đây. Các trường hợp bị dị ứng ở Alaska tương tự như hai trường hợp được báo cáo vào tuần trước ở Anh.

Cơ quan quản lý y tế của Anh đã thông báo, bất kỳ ai có tiền sử sốc phản vệ, hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc hoặc thực phẩm, không nên tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech.

Nhưng Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ chỉ cho rằng, hầu hết người Mỹ bị dị ứng nên cẩn trọng khi tiêm vaccine. Theo FDA, chỉ những người trước đây đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vaccine hoặc các thành phần trong loại vaccine cụ thể này mới nên tránh tiêm.

Vaccine Covid-19 của Việt Nam tạo được miễn dịch cao trên động vật và có tính an toàn

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm 3/1 có thêm 12 ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cánh ly ngay. Tổng số ca mắc Covid-19 tăng lên 1.494 trường hợp.

Kết quả thử nghiệm trên động vật vaccine Covid-19 của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho thấy vaccine tạo được miễn dịch cao trên động vật và có tính an toàn. IVAC đã trình Bộ Y tế để thử nghiệm trên người, dự kiến vào cuối tháng một, sớm hơn gần hai tháng so với kế hoạch ban đầu.

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 85,48 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 1,85 triệu người tử vong và 60,44 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 70%). Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc Covid-19.  

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 21,1 triệu ca nhiễm Covid-19, sau khi ghi nhận thêm 186.730 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng thêm 1.368 ca, nâng tổng số lên 360.059. Tổng số người phục hồi là hơn 12,42 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 58%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Mỹ vẫn đang ở mức cao vượt tầm kiểm soát.

CNN đưa tin các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang chạy đua để ứng phó kịp thời với lượng bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến chưa từng thấy với trung bình hơn 100.000 người/ngày trong một tháng qua sau các kỳ nghỉ lễ.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc Covid-19với 10,34 triệu ca nhiễm và 149.686 ca tử vong, tăng lần lượt 16.660 và 215 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 95% với tổng 9,94 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.

Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ hôm qua đã phê duyệt vaccine của AstraZeneca/Oxford và vaccine mang tên COVAXIN của công ty Ấn Độ Bharat Biotech phát triển để sử dụng khẩn cấp, theo Reuters.

Nước này dự kiến bắt đầu tiêm chủng Covid-19 hàng loạt trong vài tuần nữa với vắc xin AstraZeneca/Oxford là chủ đạo. Ấn Độ hiện là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới.

An Dương (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang