Nông sản của Hải Dương - vẫn ách tắc trong lưu thông tiêu thụ
Cộng đồng mạng kêu gọi giải cứu nông sản Hải Dương bị dồn ứ do dịch Covid-19
Nông sản Hải Dương khó tiêu thụ vì Covid-19: Bộ Công Thương đề nghị tháo gỡ
Theo ông Phạm Thanh Hải- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, việc lưu thông tiêu thụ nông sản của Hải Dương đang ách tắc nghiêm trọng bởi nhiều địa phương nói tạo điều kiện để Hải Dương có thể tiêu thụ nông sản, nhưng trên thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hóa ra - vào Hải Dương. Nhiều xe hàng phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu... dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, ách tắc; nông sản bị hư hỏng, vứt bỏ" - ông Phạm Thanh Hải cho hay.
Hiện tại, ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và ngành Công Thương của Hải Dương đang rất khó khăn. Nhiều vật nuôi, con giống bị quá hạn xuất chuồng nhưng không xuất được, trong khi việc vận chuyển thức ăn đến để tiếp tục duy trì nuôi sống đàn đang bị ngừng trệ; nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân làm; hàng xuất khẩu đến hạn phải giao hàng nhưng không đưa xuống cảng được... gây thiệt hại rất lớn, tác động lâu dài đến sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để có thể giải quyết tận gốc vấn đề tiêu thụ nông sản, tỉnh Hải Dương phải làm rõ khó khăn ách tắc ở đâu, với tỉnh nào. Hiện Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đã mở cửa để Hải Dương lưu thông hàng hóa, nông sản.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã có kết nối với hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp lớn và các siêu thị, doanh nghiệp cam kết sẵn sàng mua hàng của Hải Dương.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện các hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội vẫn đang nỗ lực hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ nông sản. Các đơn vị đã đề nghị phối hợp tỉnh Hải Dương trong việc phối hợp thu mua, vận chuyển đưa hàng hóa, nông sản từ tỉnh Hải Dương đến người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố khác nhằm "giải cứu" lượng nông sản bị tồn. Hàng hoá và xe vận chuyển rau củ quả đều được kiểm dịch, phun khử khuẩn kỹ càng. Nhưng cũng do việc kiểm soát kỹ, nên tiến độ vận chuyển chậm, các hệ thống phân phối muốn hỗ trợ tiêu thụ nhiều hơn cũng khó.
Thực tế hiện nay, cái khó của các doanh nghiệp là làm thế nào để tiếp cận được nông sản Hải Dương. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Khó khăn nhất hiện nay của Hải Dương không phải là không có người mua hàng, mà 80% hàng hóa xuất khẩu của Hải Dương đều qua "cửa ngõ" Hải Phòng. Thế nhưng, địa phương này yêu cầu tất cả xe của Hải Dương chở hàng vào đều phải có chứng nhận PCR âm tính với Sars-CoV-2 của cơ quan CDC Hải Dương mà không chấp nhận của đơn vị khác dù các đơn vị này đã được Bộ Y tế cấp phép.
Có địa phương yêu cầu lái xe, người giao hàng phải có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, hiện tại năng lực xét nghiệm PCR tại Hải Dương rất hạn chế vì phải ưu tiên xét nghiệm cho các ca F1, F2... nên thông thường sau 1-2 ngày mới có kết quả, khi đó Giấy xác nhận đã gần hết hiệu lực để được đi qua chốt”- ông Hải phản ánh.
Cũng theo ông Hải, đến chiều 21/2/2021, hàng loạt tỉnh như Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... vẫn chưa cho xe nông sản của Hải Dương đi qua địa bàn.
Lê Kim Liên