Nóng tình trạng buôn lậu hàng hóa trên môi trường mạng

author 13:02 07/04/2021

(VietQ.vn) - Thời gian qua, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường mạng diễn ra hết sức tinh vi, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý.

Buôn lậu qua mạng gia tăng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP. HCM, trong 3 tháng đầu năm nay, dù dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng với đặc điểm là thành phố lớn nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn không có dấu hiệu giảm, thậm chí còn tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Trên thực tế, lực lượng công an và quản lý thị trường TP.HCM vừa phối hợp bắt giữ lô hàng thuốc tân dược và thực phẩm chức năng trị giá cả tỷ đồng tại 1 căn hộ ở quận 10 cách đây vài ngày. Hồi cuối tháng 3 tại Tân Bình, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ nhiều loại mỹ phẩm.

Điểm chung của các vụ bắt giữ này là tất cả chủ lô hàng đều là những người kinh doanh online, vì vậy khi bị bắt giữ, không ai trong số họ có thể xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Cục Phó cục Quản lý thị trường TP. HCM cho biết, buôn bán hàng hóa qua mạng trở nên thông dụng, phát triển hơn, vì vậy, các đối tượng đã lợi dụng để đưa hàng hóa tới người tiêu dùng, đây cũng là khó khăn trong việc theo dõi và bắt giữ hàng hóa.

Lô hàng vừa bị lực lượng công an và Quản lý Thị trường TP.HCM bắt giữ. 

Do có vị trí giao thông thuận lợi, quy mô sản xuất và thương mại cao nên TP.HCM luôn là địa địa bàn trọng điểm để các đối tượng lợi dụng vận chuyển, chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, riêng lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 633 vụ, thu nộp ngân sách gần 20 tỷ đồng - tăng trên 52% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, nạn buôn lậu diễn ra cả quá trình, đi qua nhiều địa bàn. Hình thức giao dịch đa dạng, không đơn thuần là livestream và giao dịch hoàn toàn mang tính thông tin giữa các cá nhân trên mạng với nhau, ngay cả người dân cũng không phát hiện được nên nếu không có nghiệp vụ rất khó phát hiện. Vì vậy, để xử lý các đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng giả trên môi trường mạng là rất phức tạp.

Trước đó, vào hồi tháng 1/2021, triển khai Kế hoạch 399 /KH-BCĐ389 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, từ ngày 1/11/2020 Ban chỉ đạo 389 các bộ ngành và các địa phương đã đồng loạt ban hành kế hoạch hành động..

Sau khi nhận được kế hoạch, Tổ công tác triển khai Kế hoạch 399 /KH-BCĐ389 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Tổ công tác 399) phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) đã tiến hành rà soát việc chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử. Qua rà soát, Tổ công tác 399 phát hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Hà Nội có một nhóm đối tượng lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…) để quảng bá hoạt động buôn bán các loại quần áo, giày dép, túi xách… có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng như Luis Vuitton, Adidas, Gucci… với số lượng lớn tại chuỗi cửa hàng “AE Shop Việt Nam” do đối tượng P.Đ.H (sinh năm 1996, địa chỉ tại Kênh Triều, Gia Lộc, Hải Dương) cầm đầu.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương, Đội 2 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương và Công an xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc tiến hành kiểm tra với Cửa hàng AE Shop do ông P.Đ.H làm chủ tại thôn Kênh Triều, xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc, thu giữ 1.800 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Cụ thể, 1.650 đôi giầy, quần áo, ví cầm tay... có dấu hiệu làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như hiệu “Adidas”, “BUBERRRY”, “GUCCI”, “LOUIS VUITTON”, “Dior”, “VERSACE” cùng gần 200 bộ quần áo bị thu giữ tại hiện trường.

Tổ công tác triển khai Kế hoạch 399 /KH-BCĐ389 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Tổ công tác 399) phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) tiến hành rà soát “AE Shop Việt Nam” tại Hiệp Hòa- Bắc Giang, thu giữ khoảng 1.800 sản phẩm có dấu hiệu làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như hiệu “Adidas”, “BUBERRRY”, “GUCCI”, “LOUIS VUITTON”, “Dior”, “VERSACE”.

Một trong những cửa hàng thuộc chuỗi 'AE Shop Việt Nam' bị cơ quan chức năng phát hiện.

Ngày 18/1, Tổ công tác triển khai Kế hoạch 399 /KH-BCĐ389 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Tổ công tác 399) phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) đã tiến hành rà soát “AE Shop Việt Nam” tại Đông Anh- Hà Nội thu giữ khoảng 3.400 sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, trong đó chiếm số lượng lớn hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông P.Đ.H là chủ của hàng AE Shop thừa nhận việc sử dụng trang Facebook cá nhân có tên “AE Shop” và Zalo số điện thoại 0888994… để giới thiệu, chào bán hàng trực tuyến (online) các sản phẩm quần áo, giầy dép, phụ kiện thời trang giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, ông P.Đ.H không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Tổ công tác 399 đã tiến hành lập hồ sơ tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Khó quản lý?

Liên quan đến vấn đề trên, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian qua, cơ quan Quản lý Thị trường cũng đã gặp những khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật lĩnh vực gian lận thương mại trên mạng Internet.

Việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng; trong khi người mua hàng rất khó phát hiện. Cùng với đó, các chủ thể kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ, việc phát hiện, tịch thu hàng hóa vi phạm hay áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả rất khó thực hiện.

Không những thế, nhiều giao dịch được thực hiện bằng hình thức chuyển hàng và thanh toán trực tiếp khiến rất khó kiểm tra, kiểm soát. Chẳng hạn như những giao dịch được thực hiện chủ yếu qua điện thoại, tin nhắn, môi trường mạng Internet và giao nhận hàng hóa bằng xe gắn máy rất cơ động, với số lượng ít rất khó phát hiện hoặc khi đã xác định được đối tượng vi phạm và tiến hành kiểm tra để xử lý, đối tượng cho rằng các trang thương mại điện tử, mạng xã hội như FaceBook, Zalo, Instagram hay tài khoản trên các sàn TMĐT không phải do các đối tượng này thiết lập để kinh doanh, mà là do có đối tượng khác đã giả mạo để giới thiệu, kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Đặc biệt, các website, trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng để trinh sát, kiểm tra, xử lý các vi phạm trên môi trường trực tuyến còn hạn chế.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang