Nước cam ép của Pepsi chứa nước nhiễm khuẩn

author 16:33 03/05/2012

“Ông trùm” nước giải khát Pepsi đang thu hồi khẩn cấp hơn 200 lô nước cam ép dành cho trẻ em trên toàn nước Anh.

Ngày 2/5, cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) cho biết, 277 lô nước cam ép nhãn hiệu Tropicana Kids Orange Juice Drink dành cho trẻ em của Pepsi chứa hoàn toàn là nước, thậm chí là nước bị nhiễm vi khuẩn.

Theo công bố của FSA, số lô hàng trên hoàn toàn không chứa nước cam ép mà chỉ là nước dùng để thử nghiệm trong nhà máy. Lô sản phẩm nước cam ép bị nhiễm vi khuẩn rất dễ nhận dạng bởi trên bao bì sản phẩm hoàn toàn không có mã số lô, ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Mặt trên của hộp nước cam ép không ghi mã hàng hay ngày sản xuất và hạn sử dụng. Ảnh: FSA
Mặt trên của hộp nước cam ép không ghi mã hàng hay ngày sản xuất và hạn sử dụng. Ảnh: FSA

FSA khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý kiểm tra bao bì của loại nước cam ép nói trên, nếu phát hiện những dấu hiệu lạ cần trả lại cửa hàng bán lẻ để được hoàn tiền. Nước nhiễm vi khuẩn có thể gây ra bệnh tả, lỵ, thương hàn, sốt rét và đặc biệt nguy hiểm với trẻ em.

Nhãn hiệu Tropicana của Pepsico đã thống trị thị trường nước cam ép tại Mỹ, châu Mỹ Latinh, châu Âu và Trung Á từ nhiều năm nay. Hiện sản phẩm này của Pepsi đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ nước cam Simply Orange của Coca-Cola.

Nhiều cảnh báo về chất lượng nước ngọt đóng chai dồn dập xuất hiện trong những tháng đầu năm 2012. Trong tháng 2, tập đoàn PepsiCo phải kiểm tra số sản phẩm nước cam Tropicana đang lưu thông tại Mỹ và phát hiện chất carbendazim, chất được sử dụng trong thuốc diệt nấm nhưng ở nồng độ rất thấp. Chất carbendazim được phát hiện trong các chuyến hàng cam nhập khẩu từ Brazil cho các nhà máy sản xuất nước cam ép.

Pepsi và Coca-Cola đang nghiên cứu thay đổi công thức cho các loại đồ uống. Ảnh BBC

Tiếp đó, vào tháng 3, Pepsi và Coca-Cola bị lên án bởi sử dụng chất tạo màu có khả năng gây ung thư. Sản phẩm nước ngọt có ga của 2 hãng này đều chứa nồng độ cao chất gây ung thư tên là 4-methylimidazole (4-MIE). Chất này được sinh ra trong phản ứng hóa học giữa các chất amoniac và sulphites để tạo ra màu nâu đặc trưng. Để lấy lại lòng tin của khách hàng, hai “ông lớn” đang nghiên cứu thay đổi công thức cho các loại đồ uống của họ để tránh phải dán nhãn cảnh báo ung thư trên lon.

Hạnh Lê (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang