Ô tô Trung Quốc 7 chỗ đẹp long lanh giá chỉ 142 triệu đồng vừa ra mắt hấp dẫn cỡ nào?

author 16:05 17/08/2020

(VietQ.vn) - Mẫu xe ô tô MPV 7 chỗ ngồi của liên doanh SAIC-GM-Wuling vừa ra mắt thị trường Trung Quốc với mức giá "siêu rẻ" chỉ từ hơn 140 triệu đồng.

Sự kiện: Ô tô - Xe máy

Liên doanh SAIC-GM-Wuling vừa ra mắt mẫu xe MPV mới tại thị trường Trung Quốc có tên là V 1.2L. Người dùng Việt còn khá xa lạ với Hong Guang nhưng tại thị trường Trung Quốc, đây là một trong những dòng sản phẩm phổ biến và bán chạy nhất của hãng xe Wuling với doanh số 4,5 triệu xe mỗi năm tại thị trường nội địa.

Ở phiên bản tiêu chuẩn, xe có giá khoảng 6.135 USD (khoảng 143 triệu đồng) và phiên bản cao cấp nhất chỉ có giá bán khoảng 6.707 USD (tương đương 156 triệu đồng).

 MPV Hong Guang V1,2 có giá chỉ từ hơn 140 triệu đồng tại Trung Quốc. 

Về động cơ, xe được trang bị động cơ 1.2L hút khí tự nhiên kết hợp với hộp số tay 5 cấp, sản sinh ra 75 mã lực và momen xoắn cực đại 110Nm. Đây là thông số được cho là thật sự đáng quan ngại bởi nó khá khiêm tốn, nhất là khi đây là một dòng xe MPV/Minivan, kiểu xe thực dụng thường dùng chuyên chở số lượng người lớn và khối lượng hành lý nặng. 

Mẫu xe MPV Hong Guang siêu rẻ mới được tuyên bố là vận hành ổn định đi cùng khả năng tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm nhiên liệu vượt trội, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải 6B của Trung Quốc.

Ngoài ra, xe được trang bị hệ thống treo sau bằng nhíp lá 5 lớp, hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), EBD (phân phối lực phanh điện tử) và tay lái trợ lực điện.

Chiều dài cơ sở của xe ở mức 2850mm, tương đương một chiếc BMW 3-Series. Nhà sản xuất ô tô hứa hẹn xe có thể cung cấp không gian hàng hóa lên tới 4.300 lít, có thể dễ dàng đóng mở từ bên cạnh, với cửa trượt có chiều rộng hơn 700mm.

Mặc dù sở hữu mức giá rẻ như nhiều mẫu xe ô tô Trung Quốc khác nhưng nhìn về thực tế xe ô tô Trung Quốc tại Việt Nam, phần lớn chưa được người tiêu dùng Việt đón nhận nồng nhiệt.

Theo chuyên gia về ô tô, ông Nguyễn Minh Đồng, xe nội địa Trung Quốc vẫn chỉ có thị phần ít ỏi ở chính Trung Quốc, chủ yếu dành cho người nghèo, địa phương xa xôi, các thành phố lớn dân vẫn đa số sử dụng xe lắp ráp như BMW, Audi, Volvo, Volkwagen....

Theo vị chuyên gia về ô tô, chính sự chắp vá máy móc, kiểu dáng, công nghệ và đa phương tiện, nên có thể nhìn xe Trung Quốc đẹp song người ta đặt câu hỏi về chất lượng các mẫu xe trên có thực sự tốt khi mà nhà sản xuất không đi từ cỗi lõi, chưa phân phối độc quyền.

Thực tế, theo một số chuyên gia và người am hiểu về xe, quá trình chuyển giao và lớn mạnh của các thương hiệu xe các quốc gia đều là sự học hỏi lẫn nhau. Ngành xe hơi của Hàn Quốc cũng từng học hỏi và cạnh tranh quyết liệt với ngành xe hơi Nhật Bản để cho ra đời những hãng xe mang thương hiệu đất nước này. Hay Thái Lan dù là nước sản xuất xe lớn của thế giới nhưng không hề có mẫu xe thương hiệu quốc gia, song xe sản xuất tại đây vẫn được thừa nhận nhiều ở các quốc gia khác bởi tuân thủ theo chuỗi sản xuất và thương hiệu thế giới.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xe nhưng trước năm 2018 hầu hết là lắp ráp từ các hãng, chỉ đến năm 2019 VinFast ra mẫu xe riêng trên cơ sở mua công nghệ, máy móc nước ngoài để thiết kế một mẫu xe Việt hoàn chỉnh.

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa xe hơi và chuỗi sản xuất, việc học hỏi, mua công nghệ, máy móc và đa dạng hóa linh kiện, thậm chí mua thiết kế các hãng lớn không làm xấu đi uy tín các hãng xe hoặc ảnh hưởng đến chất lượng xe. Điều quan trọng nhất là các hãng, doanh nghiệp phải "đánh bài ngửa" với người tiêu dùng về công nghệ này, thiết bị này tốt hay không tốt, sự kết hợp các công nghệ đem đến nhưng gì cho người tiêu dùng và để thuyết phục khách hàng, giá cả chưa hẳn quan trọng mà chính là thái độ làm ăn chân chính và uy tín thương hiệu mang tầm quốc gia", một chuyên gia xe hơi bình luận.

Thu Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang