Ông Phan Thế Ruệ: Hiệp hội xăng dầu ủng hộ tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít

authorHoàng Dương 15:50 16/05/2017

(VietQ.vn) - Sáng nay (16/5), tại hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế” ông Phan Thế Ruệ đã đưa ra nhận định trên.

Sự kiện: Giá xăng dầu

Tại hội thảo, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ủng hộ việc tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít xăng dầu. Thậm chí, ông cho rằng Nhà nước cần sớm điều chỉnh để đảm bảo thu ngân sách nhà nước.

Ông Ruệ nhấn mạnh: “Tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít chưa có lộ trình cụ thể. Nhưng chúng tôi ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước”.

Cùng với đó, ông Ruệ cho rằng, nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi. “Là người công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách”, ông Ruệ nhấn mạnh.

Ông Phan Thế Ruệ: Hiệp hội xăng dầu ủng hộ tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít

Hiệp hội xăng dầu ủng hộ tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít - Ảnh minh họa

 Trước đó,  Hiệp hội Xăng Dầu đã nhiều lần đề xuất điều chỉnh tăng thuế nội địa đối với sản phẩm xăng dầu. Lập luận của Hiệp hội cho thấy việc tăng thuế nội địa không chỉ bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, mà còn hài hòa được lợi ích của 3 bên: Nhà nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp. Theo Hiệp hội xăng dầu, điều này nhất quán với đường lối phát triển thị trường xăng dầu trong trước mắt và dài hạn.

Cũng tại hội thảo sáng nay, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng trong tình thế hiện nay, nếu muốn bù đắp nguồn thu khi thuế nhập khẩu về 0% thì "con đường tăng thuế nội địa trước mắt sẽ phải tính đến". Song về lâu dài và căn cơ, ông Trương Đình Tuyển cho rằng chính sách cần hướng tới việc giảm thuế để giảm chi phí, gánh nặng cho doanh nghiệp. Khi tạo ra lợi nhuận nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ đóng góp vào ngân sách lớn hơn.

Góp ý kiến ở khía cạnh chuyên gia tài chính, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) lại không đồng tình việc tận thu thuế ngay từ đầu vào sản phẩm. Bởi theo ông Thoả, nếu ngay từ đầu vào (vòng 1) đã "chặn" bằng các chính sách thuế cao thì ngay lập tức thị trường, người dân sẽ bị phản ứng. Vậy nên ông Thỏa đưa ra ý kiến nên “ăn ít” ở đầu vào vòng 1 vì còn hướng đến sản xuất ở vòng 2. Khi đó thu ở khâu tiêu thụ (vòng 3) sẽ bền vững.

Được biết, hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Các dòng thuế nhập khẩu xăng dầu đã có bước giảm sâu, ASEAN giảm thuế nhập khẩu xuống 20%, dầu 0%; FTA Việt Nam – Hàn Quốc thuế nhập khẩu xăng xuống 10%, dầu 5%.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang